Doanh nghiệp phải đi tiên phong
Kinh tế - Ngày đăng : 15:36, 25/05/2015
Thị trường này mới chỉ ở giai đoạn phôi thai, tuy nhiên đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp nào biết nắm bắt kịp thời, đầu tư bài bản vào Mắc ca.
Nhân giống câu Mắc ca |
Làm chưa tới…
Cây Mắc ca với biệt danh “Cây tỷ đô” đã được nghiên cứu trồng khảo nghiệm tại Việt Nam gần 20 năm. Thế nhưng, những kết quả thu được đang còn rất khiêm tốn.
Tại Tây Nguyên, một số địa phương như: ĐăkLăk, Lâm Đồng, hiện tượng bà con vội vàng mua giống thực sinh (giống gieo trồng bằng hạt) kém chất lượng, giá cả, nguồn gốc không rõ ràng với những thông tin thị trường khá lộn xộn vẫn đang diễn ra… Trên thực tế, hiện nguồn cung cấp giống cây đảm bảo chất lượng mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Điểm lại các đơn vị tổ chức, tham gia vào quá trình phát triển loại cây trồng mới này có thể thấy: “Cặp đôi” Công ty CP Him Lam (Him Lam) và Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) tuyên bố đầu tư vào cây Mắc ca. Cụ thể, Him Lam (cổ đông lớn nhất) chiếm gần 15% cổ phần tại LienVietPostBank, trở thành thành viên của Hiệp hội Mắc ca Úc vào cuối quý I/2015 và đang dự kiến sẽ triển khai xây dựng nhà máy chế biến mắc ca tại Việt Nam. Trong khi đó, tại đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2015, LienVietPostBank, cũng công bố sẽ dành khoảng 1 tỷ USD (hơn 20.000 tỷ đồng) cho vay để trồng cây Mắc ca trong năm 2015.
Nguồn cung cây giống Mắc ca tính đến thời điểm hiện nay, có sự góp mặt của Công ty CP Vina Macca (Vinamacca). Đây là doanh nghiệp thực hiện dự án CARD mã số 037/VIE/05 do Chính phủ Úc phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN & PTNT) Việt Nam tài trợ. Riêng ở lĩnh vực chế biến, Công ty CP Thương mại Đầu tư và Phát triển Công nghệ quốc tế (IDT) là đơn vị duy nhất đưa ra thị trường các sản phẩm chế biến từ nguồn nguyên liệu Mắc ca nhập khẩu tại Úc. Tuy nhiên, IDT cũng chỉ là một trong số ít doanh nghiệp đầu tiên dám đầu tư công nghệ để phát triển sản phẩm chế biến từ mắc ca – vốn là nguyên liệu có giá thành đắt trên thế giới ở thời điểm hiện nay. Bên cạnh đó, Công ty Chế biến – XNK nông sản thực phẩm Đồng Nai (Donafood) cũng là đơn vị đã từng xuất khẩu nhân mắc ca đi một số nước…
Như vậy, các doanh nghiệp hiện nay tham gia phát triển Mắc ca ở Việt Nam cũng mới đầu tư trên một phương diện. Đứng trước thực trạng này, để phát triển bền vững cây Mắc ca tại Việt Nam rất cần có đầu mối đứng ra tổ chức và giám sát các tiêu chuẩn đồng thời phải có doanh nghiệp và nhà đầu tư thực sự mạnh cùng vào cuộc chuẩn hóa chất lượng từ giống đến sản phẩm đầu ra.
“Doanh nghiệp phải dẫn đầu”
Nghị định 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã được ban hành và trở thành cú đột phá mạnh trong khuyến khích tăng trưởng đầu tư vào phát triển nông nghiệp. Nghị định thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong phát triển các dự án nông nghiệp quy mô lớn. Theo Nghị định này sẽ có rất nhiều cơ hội cho các DN và nhà đầu tư khi đầu tư vào nông nghiệp. Các DN, Nhà đầu tư khi xây dựng vùng nguyên liệu có hợp đồng liên kết sản xuất nguyên liệu ổn định với người dân được ưu tiên xem xét ưu đãi, hỗ trợ đầu tư. Đối với các dự án đặc biệt ưu đãi đầu tư, nhà đầu tư được miễn toàn bộ tiền sử dụng đất. Tương tự, DN được giảm 70% tiền sử dụng đất đối với các dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư và giảm 50% tiền sử dụng đất đối với các dự án nông nghiệp thuộc danh mục khuyến khích đầu tư. Ngoài các ưu đãi về đất đai, đầu tư vào nông nghiệp còn có rất nhiều ưu đãi về thuế, tài chính … Đây là một chính sách vĩ mô rất thuận lợi cho việc phát triển trồng cây Mắc ca ở Việt Nam. Tuy nhiên, để thể thực hiện thành công mục tiêu chiến lược xây dựng ngành công nghiệp Mắc ca trong nước vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn. Nói về chiến lược phát triển loại cây trồng mới Mắc ca, ông Nguyễn Trí Ngọc - Nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khẳng định: “ - Doanh nghiệp phải dẫn đầu và các hộ nông dân có vai trò quyết định. Bên cạnh đó Nhà nước nước cần có những chính sách đúng đắn, đủ mạnh và hỗ trợ kịp thời....”
Trong bối cảnh khá nhiều doanh nghiệp đang triển khai các hoạt động đầu tư vào mắc ca, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Macadamia Quốc tế (gọi tắt là IDMA, được thành lập từ năm 2010) cũng đã nghiên cứu và sản xuất các loại giống Mắc ca, tạo lập vùng nguyên liệu, bắt tay xây dựng mạng lưới thu mua, sơ chế, tinh chế các loại sản phẩm từ hạt Mắc ca.
Trên thực tế IDMA đã đầu tư vào các công ty phát triển Mắc ca tại Điện Biên, Sơn La và Tây Nguyên nhằm tạo ra những vùng nguyên liệu trồng mắc ca tập trung. Ngoài ra, IDMA còn xây dựng thêm các mô hình trồng Mắc ca ở các vùng nguyên liệu, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng Mắc ca với nông dân thông qua các chương trình đào tạo, hội thảo đầu bờ, từ đó mở rộng, nhân thêm các vùng trồng Mắc ca có chất lượng, hiệu quả.
Ông Vũ Hoàng Phương - Tổng Giám đốc IDMA cho biết: Việc xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung và mô hình “thị phạm” (trồng mẫu) có ý nghĩa rất quan trọng cho việc phát triển cây Mắc ca ở Việt Nam. Bởi từ việc trồng mẫu với các hội thảo đầu bờ, kết hợp với việc khảo sát và lựa chọn đúng các tiểu vùng thích hợp nhất cho cây mắc ca chúng ta sẽ xác định được những vùng nào có thể trồng được cây Mắc ca đạt hiệu quả tốt nhất.
Hiện nay không ít nông dân vì ham muốn làm giàu nhanh đang đầu tư trồng mắc ca theo hội chứng “đám đông”, mà chưa tìm hiểu kỹ về cây giống nên khi có những luồng thông tin trái chiều dễ bị lâm vào tâm lý hoang mang, lo sợ. Những mô hình trồng mẫu này có tác dụng giúp nông dân khẳng định thêm kiến thức, kỹ năng, tự tin mạnh dạn đầu tư trồng và chăm sóc cây để đạt hiệu quả kinh tế cao như mong muốn…
GS-TS Nguyễn Tử Siêm - Cố vấn trưởng Kỹ thuật Quốc tế, Bộ Ngoại giao & Phát triển Canada cũng đã từng phát biểu: “Sự phát triển thành công Mắc ca quyết định ở tính bền vững của nó trong hệ thống cây trồng và tính cạnh tranh của loại nông sản này trên thị trường. Do vậy, đánh giá đúng tiềm năng cũng như lường hết sự rủi ro chính là đóng góp tốt nhất cho việc thực hiện chủ trương này của Chính phủ.”
Cây Mắc ca đang được nhiều nông dân Việt Nam rất quan tâm và việc có những doanh nghiệp (có kiến thức, quan hệ và tiềm năng tài chính…) đi tiên phong nghiên cứu phát triển Mắc ca một cách bài bản, đồng hành cùng người nông dân là một tín hiệu đáng mừng, khởi sắc cho ngành công nghiệp Mắc ca của Việt Nam trong tương lai./.