Phối hợp điều tra tội phạm mua bán hóa đơn: “Bắt tay” chống thất thu ngân sách

Pháp luật - Ngày đăng : 11:17, 25/05/2015

(HNMO) - Thành lập



Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, năm 2014, cơ quan thuế đã chuyển sang cơ quan công an 456 vụ có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế, trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế. Hàng loạt đối tượng vi phạm đã bị bắt giữ góp phần răn đe loại tội phạm này. Tuy nhiên, nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai cơ quan Thuế và Công an, tội phạm mua bán hóa đơn sẽ lộng hành và gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước.

Con dấu, hóa đơn và séc thu giữ được tại các 'công ty ma' liên quan đến vụ án của Công ty Mỏ Việt Bắc.


Lập 8 "công ty ma” để gian lận tiền thuế

Trung tuần tháng 5 vừa qua, Phòng cảnh sát kinh tế (CATP Hà Nội) đã chính thức thông tin về việc Công ty CP Mỏ Việt Bắc (trước đây là Chi nhánh Tổng Công ty CP Mỏ Việt Bắc) thành lập 8 Công ty “ma” trên địa bàn Hà Nội để thực hiện hành vi mua bán hóa đơn trái phép, nâng khống giá trị hàng hóa để chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Tại vụ việc này, đối tượng Lê Văn La, nhân viên kinh doanh phòng Xuất nhập khẩu, Công ty CP Mỏ Việt Bắc đã phối hợp cùng Nguyễn Thị Dậu (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) thành lập doanh nghiệp bán hóa đơn để hợp thức hàng hóa đầu vào không có nguồn gốc cho Lê Văn La. Tại những vụ vi phạm này, Lê Văn La chịu trách nhiệm liên hệ với khách hàng là Công ty khai thác Mỏ tại Quảng Ninh, có nhu cầu mua vật tư thiết bị, thay thế cho máy móc, phương tiện hư hỏng. Nguồn hàng do Lê Văn La cung cấp cho các công ty này là vật tư cũ, trôi nổi trên thị trường, sau đó được hợp thức trên hợp đồng mua bán là hàng mới 100%, có nguồn gốc Nhật, Mỹ, Đức. Bằng thủ đoạn này, các đối tượng đã chiếm đoạt một số lượng lớn tiền thuế, cũng như hưởng chênh lệch bất hợp pháp từ việc nâng khống giá trị hợp đồng để chiếm đoạt tiền của Nhà nước.

Thượng tá Mai Trọng Thắng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra (CATP Hà Nội) cho biết, các đối tượng vi phạm thường sử dụng thủ đoạn mượn chứng minh thư nhân dân và xin phép đăng ký kinh doanh để thành lập các công ty “ma”. Khi có tư cách pháp nhân, các Công ty này đã dùng thủ đoạn ghi hóa đơn liên 2 cấp cho khách hàng với giá trị cao. Song, liên 1 và 3 dùng để khai thuế thường chỉ ghi số lượng cực nhỏ, đồng thời mua hóa đơn trôi nổi hợp thức hóa đầu vào. Tại vụ vi phạm của Công ty mỏ Việt Bắc, cơ quan điều tra đã xác minh từ năm 2010-2014, Lê Văn La đã chuyển 144 tỷ đồng cho các Công ty “ma” của Nguyễn Thị Dậu. Sau đó, Dậu đến ngân hàng rút tiền, giữ lại 5-10% (tiền hoa hồng đã thỏa thuận với Lê Văn La) sau đó chuyển lại 90-95% tiền mà Công ty Việt Bắc vào tài khoản của La. Qua xác minh, cơ quan điều tra đã khởi tố 2 đối tượng này với 2 hành vi: mua bán trái phép hóa đơn và lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tiền nhà nước (Công ty Mỏ Việc Bắc có 29% vốn Nhà nước). Ước tính, tổng số tiền thuế do Lê Văn La và đồng bọn chiếm đoạt lên tới hơn 10 tỷ đồng.

Thượng tá Mai Trọng Thắng trao đổi với phóng viên Hànộimới.


Phối hợp chặt chẽ, bí quyết phá án thành công

Đánh giá về vụ án tại Công ty mỏ Việt Bắc, Thượng tá Mai Trọng Thắng cho biết, để xác minh và thu thập chứng cớ tại các vụ vi phạm này, vai trò của cơ quan thuế mà ở đây là Cục thuế TP Hà Nội rất quan trọng. Nếu không có cơ quan thuế bám sát địa bàn, phát hiệu những dấu hiệu vi phạm ban đầu cũng như phối hợp thu thập chứng cứ, việc xác minh, điều tra của cơ quan công an sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, thành công của vụ án này là cơ quan điều tra đã xác định rõ cả bên bán, bên mua trái phép hóa đơn cũng như làm rõ thủ đoạn vi phạm.

Mặc dù vụ án Lê Văn La đã được cơ quan chức năng kịp thời phát hiện song trên thực tế tội phạm hóa đơn đang có diễn biến phức tạp, đòi hỏi cán bộ thuế phải có năng lực chuyên môn vững vàng mới có thể phát hiện và kịp thời xử lý theo pháp luật.

Bà Bùi Thị Mai Vân, Trưởng phòng kiểm tra thuế số 2, Cục Thuế TP Hà Nội, đơn vị trực tiếp phát hiện những dấu hiệu sai phạm tại Công ty Mỏ Việt Bắc cho biết, khi tiến hành kiểm tra thuế trước khi đóng mã số thuế để Công ty Mỏ Việt Bắc tái cơ cấu theo quy định Chính phủ, DN cho biết đã làm thất lạc phần mềm kê khai thuế nhằm gây khó khăn cho công tác xác minh của cơ quan thuế. Tuy nhiên, các cán bộ thuế đã đã cùng các nhân viên của DN lập lại toàn bộ hồ sơ khai thuế bằng phần mềm dựa trên hồ sơ lưu trữ của cơ quan thuế. Từ đó, Cục thuế Hà Nội đã sử dụng phần mềm đối chiếu chéo hóa đơn và phát hiện đơn vị đều mua hàng của các DN bỏ trốn. Nhiều câu hỏi nghi vấn đã lập tức được cơ quan thuế đặt ra là vì sao DN này chỉ mua của những DN sau 2 năm lại bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh và hàng hóa vật tư mà DN này mua chỉ bán trong nội bộ ngành thì liệu có sự câu kết ở đây? Từ những nghi vấn ban đầu này, Cục thuế TP Hà Nội đã tiền hành xác minh và phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an trong quá trình thu thập chứng cứ để xử lý vụ việc theo đúng pháp luật.

Tuy nhiên, một cán bộ làm việc lâu năm trong ngành thuế cho biết, tại nhiều quốc gia trên thế giới, cơ quan thuế có chức năng khởi tố, điều tra vụ án còn cơ quan thuế của Việt Nam không có chức năng này. Đây là một trong những hạn chế khiến công tác điều tra chống thất thu ngân sách nhà nước chưa được như mong muốn. Thêm vào đó, với lực lượng mỏng như hiện nay, việc kịp thời phát hiện tội phạm trong lĩnh vực thuế với thủ đoạn ngày càng tinh vi cũng sẽ là thách thức lớn với ngành thuế.

456 vụ án về thuế được chuyển sang cơ quan công an

Bộ Tài chính cho biết, năm 2014 cơ quan thuế đã chuyển sang cơ quan công an 456 vụ có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế, trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế. Trong đó, cơ quan công an đã xử lý hình sự 17 vụ, kiến nghị thu hồi 13.9 tỷ đồng, bắt giữ, tạm giữ 12 đối tượng có dấu hiệu vi phạm để điều tra, xử lý. 18 vụ việc có dấu hiệu vi phạm về thuế, trốn thuế đã được khởi tố, qua đó góp phần răn đe, ngăn chặn đối với dạng tội phạm này.

Hương Ly