Chính phủ đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật thống kê
Chính trị - Ngày đăng : 09:54, 25/05/2015
Trong tờ trình dự án Luật Thống kê sửa đổi, Chính phủ cho biết, ngoài những kết quả tích cực đã đạt được, Luật Thống kê năm 2003 còn có những hạn chế, bất cập lớn như: Thiếu các chỉ tiêu thống kê phản ánh chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái; Hệ thống thống kê tập trung khó tiếp cận khai thác cơ sở dữ liệu hành chính và cơ sở đăng ký hành chính của các Bộ, ngành; Chênh lệch số liệu giữa thống kê tập trung với thống kê Bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương vẫn tồn tại; Luật Thống kê năm 2003 chưa quy định cụ thể về ứng dụng phương pháp thống kê tiên tiến; phân tích thống kê; thẩm quyền của Tổng cục Thống kê trong việc thẩm định về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê đối với hệ thống chỉ tiêu thống kê, phân loại thống kê do Bộ, ngành ban hành; thiếu quy định về hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã…
Để khắc phục những bất cập trên, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) bao gồm 9 chương, 74 điều.
Về số lượng các điều, dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) tăng 32 điều, trong đó bổ sung 2 chương mới hoàn toàn là Chương V: “Nghiên cứu, ứng dụng phương pháp thống kê tiên tiến, công nghệ thông tin - truyền thông và hợp tác quốc tế trong hoạt động thống kê nhà nước” và Chương VIII: "Hoạt động thống kê ngoài nhà nước".
Về phạm vi điều chỉnh của luật, trong dự luật điều chỉnh, Chính phủ cho rằng, Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) nên điều chỉnh cả thống kê nhà nước và thống kê ngoài nhà nước. Việc điều chỉnh như vậy để bảo đảm tính toàn diện của tất cả các hoạt động thống kê trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, do tầm quan trọng của thông tin thống kê nhà nước trong hoạt động quản lý nhà nước, các quy định tại Luật chủ yếu vẫn tập trung vào hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê do hệ thống tổ chức thống kê nhà nước thực hiện. Đối với hoạt động thống kê của các tổ chức, cá nhân ngoài hệ thống tổ chức thống kê nhà nước, dự thảo Luật chỉ quy định về mục đích, nguyên tắc, yêu cầu và phạm vi, đồng thời quy định lĩnh vực cấm hoạt động thu thập thông tin (bao gồm các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh).
Về hệ thống tổ chức thống kê, Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) kế thừa một phần của Điều 7 Luật Thống kê năm 2003 và khẳng định rõ Hệ thống thông tin thống kê nhà nước tại Chương II. Điểm sửa đổi, bổ sung lần này nhằm làm rõ các hệ thống thông tin thống kê ở nước ta, bao gồm: hệ thống thông tin thống kê quốc gia; hệ thống thông tin thống kê bộ, ngành; hệ thống thông tin thống kê cấp tỉnh; hệ thống thông tin thống kê cấp huyện; làm rõ mối quan hệ giữa các hệ thống thông tin thống kê và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng các hệ thống thông tin thống kê. Qua đó cụ thể hóa các nội dung: Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành, hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Việc bổ sung một số nội dung mới này nhằm bảo đảm tính nhất quán trong hoạt động thống kê nhà nước, làm cơ sở bảo đảm cho thông tin thống kê nhà nước không mâu thuẫn, chồng chéo, bảo đảm tính khách quan, trung thực, có độ tin cậy cao đối với người sử dụng.
Về hình thức thu thập thông tin thống kê nhà nước, dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) bổ sung hình thức thu thập thông tin thống kê từ sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê nhà nước, trong khi Luật Thống kê năm 2003 chỉ quy định hai hình thức thu thập thông tin thống kê chủ yếu là từ điều tra thống kê và báo cáo thống kê.
Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, việc sửa đổi Luật thống kê là cần thiết nhằm khắc phục những bất cập của Luật thống kê hiện hành. Dự án Luật thống kê (sửa đổi) đã được cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, đầy đủ.
Về phạm vi điều chỉnh, đa số ý kiến tán thành với phạm vi điều chỉnh dự thảo Luật, nhưng cũng có ý kiến cho rằng, thống kê là loại hình dịch vụ đặc biệt mà sản phẩm của thống kê có thể tác động lớn đến kinh tế - xã hội, có tính chất dẫn dắt, định hướng xã hội, do vậy đề nghị nên đưa hoạt động thống kê ngoài nhà nước vào loại hình kinh doanh có điều kiện.
Về hệ thống thông tin thống kê nhà nước, đa số ý kiến tán thành với quy định dự thảo Luật. Theo đó, dự thảo Luật quy định phân biệt rõ hệ thống thông tin thống kê quốc gia bao gồm: (1) thông tin thống kê do cơ quan thống kê trung ương thực hiện và thông tin thống kê do cơ quan thống kê địa phương thực hiện; (2) thông tin thống kê do bộ, ngành thực hiện, cung cấp cho cơ quan thống kê trung ương. Việc quy định cụ thể, rành mạch và bảo đảm sự thống nhất trên toàn quốc trong hoạt động thống kê nhà nước sẽ nâng cao độ tin cậy, tính minh bạch, chính xác, kịp thời của thông tin thống kê nhà nước.
Về hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và điều chỉnh, bổ sung hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, đa số ý kiến tán thành với quy định hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia kèm theo danh mục trong Luật và phân công cơ quan có trách nhiệm thu thập, tổng hợp chỉ tiêu thống kê. Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia phản ánh đầy đủ các chỉ tiêu cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước do Quốc hội quyết định, đồng thời xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia cần phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Về bảo mật thông tin thống kê nhà nước, Ủy ban đề nghị, dự luật cần quy định rõ việc bảo mật thông tin thống kê phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước trong quá trình thực hiện hoạt động thống kê.
Về thẩm định hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành; thẩm định phân loại thống kê ngành, lĩnh vực; thẩm định phương án điều tra thống kê; thẩm định chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành, Ủy ban đề nghị dự luật cần làm rõ cơ quan chịu trách nhiệm pháp lý đối với số liệu thống kê của bộ, ngành khi công bố trong trường hợp bộ, ngành giải trình với cơ quan thống kê trung ương bằng văn bản về việc không tiếp thu ý kiến thẩm định. Có ý kiến đề nghị cần quy định quyền hạn được phản biện của tổ chức, cá nhân khi sử dụng các số liệu thống kê được công bố.