Chỉ được phép hoạt động khi bảo đảm an toàn

Đời sống - Ngày đăng : 06:31, 25/05/2015

(HNM) - Hàng loạt cẩu tháp xây dựng trên địa bàn Hà Nội đang trở thành mối đe dọa lơ lửng trên đầu người dân.

Sau vụ sập cần cẩu tại dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) Nhổn - ga Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu tổng kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thi công tại các công trình có sử dụng cẩu tháp... Chỉ khi cẩu tháp bảo đảm các tiêu chí, quy định về an toàn kỹ thuật mới cho phép được hoạt động.


Để bảo đảm an toàn lao động, đơn vị thi công chỉ được phép sử dụng cẩu tháp có đủ các tiêu chí, quy định về an toàn kỹ thuật. Ảnh: Bảo Lâm


Nỗi lo mất an toàn

Sự cố sập cẩu tại dự án ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội vào ngày 12-5 vừa qua rất may không gây thiệt hại về người nhưng đã khiến người dân hoang mang, lo sợ khi tham gia giao thông qua những đoạn đường có công trường thi công. Sau khi sự cố xảy ra, UBND thành phố đã yêu cầu các sở, ngành liên quan khẩn trương tổng kiểm tra toàn bộ công trình có sử dụng cẩu tháp. Tình trạng cẩu tháp chỉ mới ở 2 công trình được lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất đã khiến mối âu lo của người dân càng tăng.

Tại công trình nhà ở kinh doanh kết hợp dịch vụ thương mại HACC1 Complex Buiding ở 26 Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân) do Công ty cổ phần (CP) Xây dựng số 1 Hà Nội làm chủ đầu tư, vào thời điểm kiểm tra (chiều 15-5), nhà thầu thi công đang triển khai phần móng, cẩu tháp có phạm vi hoạt động ra cả ngoài công trường. Nhưng qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện cẩu tháp này chưa được phê duyệt phương án bảo đảm an toàn. Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội nhận định, việc sử dụng cẩu tháp sát đường giao thông lớn như vậy rất nguy hiểm cho phương tiện, vì khi xoay, cẩu tháp có thể vươn ra đến giữa đường, nếu xảy ra sự cố sẽ khó lường trước được hậu quả... Tuy nhiên, đơn vị thi công không những không có cảnh giới mà còn cho cẩu tháp hoạt động vào ban ngày.

Trong khi đó, tại công trình tổ hợp khu nhà ở, dịch vụ thương mại Golden Paclace cao 20 tầng ở ô đất C3, đường Lê Văn Lương do Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị - UDIC làm chủ đầu tư, vào thời điểm kiểm tra (khoảng 15h30 chiều 15-5), cẩu tháp vẫn đang hoạt động, phạm vi đầu cẩu tháp vươn ra ngoài hàng rào của dự án. Nhưng, cả chủ đầu tư, đơn vị thi công lẫn tư vấn giám sát đều vắng mặt, bất hợp tác với đoàn kiểm tra.

Đó mới chỉ là những sai phạm từ 2 công trình đầu tiên được kiểm tra, trong khi đó theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố có tới 16 công trình đang sử dụng cẩu tháp phục vụ thi công. Chỉ riêng khu vực tuyến đường Lê Văn Lương - Hoàng Đạo Thúy - Nguyễn Tuân có tới vài ba công trường đang sử dụng cẩu tháp cao nghễu nghện mà để tạo đối trọng phải sử dụng cả chục khối bê tông nặng nhiều tấn chất. Trong khuôn viên dự án Golden Silk (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) có một dự án chung cư cao tầng đang thi công dang dở luôn có hai tháp cẩu hoạt động cả ngày lẫn đêm. Cần cẩu thép cùng các khối bê tông đối trọng khổng lồ nằm lơ lửng vắt qua tuyến đường nội bộ trong khu đô thị, nơi mỗi ngày có cả hàng chục nghìn lượt người qua lại…

Phải tuân theo quy trình bắt buộc

Các chuyên gia xây dựng cho rằng, việc sử dụng cần cẩu, nhất là cẩu tháp phải theo quy trình an toàn bắt buộc ở ba khâu: Biện pháp sử dụng, thiết bị được kiểm nghiệm và người vận hành. Để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra, công nhân vận hành phải ý thức công việc của mình có nguy cơ gây nguy hiểm cho cộng đồng và cả chính mình nếu để xảy ra sai sót. Đơn vị thi công phải chọn người có trình độ phù hợp, có chuyên môn, được đào tạo về an toàn công trình và phải tuân thủ những tiêu chuẩn kỹ thuật, giới hạn an toàn. Riêng cần cẩu phải tuân thủ những quy định về bảo dưỡng định kỳ, tải trọng, công năng và phải được kiểm định định kỳ. Thời gian kiểm định cần cẩu trung bình 6-12 tháng/lần. Các loại cần cẩu này đều có lý lịch, có chứng nhận qua nhiều lần được kiểm định. Mỗi lần kiểm định sẽ được thử lực, thử tải nghiêm ngặt. Nếu việc kiểm định đúng như quy trình thì khó có khả năng xảy ra sự cố như vừa qua.

Trở lại với 2 công trình bị phát hiện sai phạm qua kiểm tra đột xuất nói trên, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, với những vi phạm ở công trình HACC1 Complex Buiding, đoàn kiểm tra quyết định phạt chủ đầu tư, đơn vị thi công ở mức tối đa theo quy định là 30 triệu đồng và tạm đình chỉ hoạt động của cẩu tháp. Khi nào chủ đầu tư, đơn vị thi công khắc phục, đáp ứng được những điều kiện về bảo đảm an toàn thi công, an toàn công trường thì mới cho hoạt động tiếp. Còn với công trình Golden Paclace, Sở đã yêu cầu chủ đầu tư, Ban QLDA phối hợp làm việc, cung cấp các phương án thi công bảo đảm an toàn. Nếu chủ đầu tư cố tình không phối hợp, Sở sẽ báo cáo UBND thành phố tạm đình chỉ thi công. Thời gian tới, đoàn kiểm tra liên ngành tiếp tục kiểm tra toàn bộ các công trình có sử dụng cẩu tháp thi công trên địa bàn.

Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng, với công trình sử dụng cẩu tháp có bán kính hoạt động ngoài phạm vi công trình, nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn của người dân, các lực lượng chức năng yêu cầu dừng hoạt động, chỉ cho phép hoạt động từ 22h đêm hôm trước đến 6h sáng hôm sau và phải bảo đảm đầy đủ hệ thống cảnh báo, cảnh giới, hướng dẫn an toàn cho người tham gia giao thông. Chỉ khi cẩu tháp bảo đảm các tiêu chí, quy định về an toàn kỹ thuật mới cho phép hoạt động.

Tại cuộc họp rà soát về công tác bảo đảm an toàn thi công các dự án ĐSĐT trên địa bàn thành phố tổ chức ngày 20-5, Phó Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội Nguyễn Xuân Tân yêu cầu: Tất cả máy móc phải được kiểm định mới được đưa vào công trường; công nhân vận hành phải có bằng cấp, chứng chỉ vận hành các loại thiết bị được giao phụ trách. Với các công nhân, kỹ sư khác phải được tập huấn nghiệp vụ an toàn lao động và có giấy tờ xác nhận, nếu không sẽ loại khỏi công trường.

Tuấn Lương