Luật Thống kê sửa đổi: Sẽ tương đồng với chuẩn mực quốc tế
Kinh tế - Ngày đăng : 06:22, 25/05/2015
- Ông có thể cho biết sự cần thiết phải sửa đổi Luật Thống kê?
- Luật Thống kê được Quốc hội thông qua tháng 6-2003 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2004 (Luật Thống kê năm 2003). Sau hơn 10 năm thực hiện, luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý và hệ thống tổ chức cho hoạt động thống kê phục vụ các công tác điều hành đất nước. Tuy vậy, luật đã bộc lộ những quy định không còn phù hợp với thực tiễn, thể hiện ở những điểm sau: Luật chưa mở rộng đầy đủ phạm vi điều chỉnh, trong khi đời sống đang đặt ra yêu cầu thống kê đối với hoạt động kinh doanh ngoài nhà nước trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của công dân theo quy định của Hiến pháp. Đến nay, Luật Thống kê đã bất cập so với yêu cầu ngày càng cao đối với công tác phân tích, dự báo, hoạch định và điều hành chính sách. Số lượng, chất lượng thông tin thống kê tuy đã được nâng lên nhưng công tác phân tích và dự báo thống kê phát triển chậm; việc phổ biến thông tin thống kê chưa tốt... Luật Thống kê năm 2003 cũng thiếu các quy định cụ thể về ứng dụng phương pháp thống kê tiên tiến; phân tích thống kê; thẩm quyền của cơ quan thống kê trung ương trong việc thẩm định về chuyên môn, nghiệp vụ đối với hệ thống chỉ tiêu, phân loại, số liệu thống kê; thẩm quyền công bố thông tin thống kê chỉ mới quy định đối với hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, mà chưa quy định đối với hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành và cấp tỉnh, huyện, xã; quy định chưa đầy đủ về hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã về hình thức thu thập, sử dụng, phổ biến thông tin thống kê, cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia, hợp tác quốc tế về thống kê; quy định về ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) chưa đúng tầm.
Việc sửa đổi Luật Thống kê được tiến hành một cách chủ động, trên cơ sở đánh giá thực hiện Luật Thống kê năm 2003 và các yếu tố liên quan.
- Vậy những điểm mới của luật lần này là gì?
- Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) được sửa đổi, bổ sung một cách căn bản, toàn diện, nhất là khắc phục tồn tại về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, sửa đổi những quy định hiện hành không thống nhất, không phù hợp với thực tế về tổ chức và hoạt động thống kê hiện nay, đồng thời bổ sung các quy định về hoạt động thống kê mà Luật Thống kê năm 2003 chưa quy định.
Dự thảo Luật (sửa đổi) bổ sung một số nội dung chủ yếu sau: Mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với mọi hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam, gồm cả thống kê nhà nước và ngoài nhà nước. Đối với hoạt động thống kê của các tổ chức, cá nhân ngoài hệ thống tổ chức thống kê nhà nước thực hiện thì chỉ quy định về mục đích, nguyên tắc, yêu cầu và phạm vi, đồng thời quy định lĩnh vực cấm trong hoạt động thu thập thông tin (gồm các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh). Dự thảo luật cụ thể hóa các nội dung: Hệ thống thông tin thống kê quốc gia; hệ thống thông tin thống kê bộ, ngành; hệ thống thông tin thống kê cấp tỉnh, huyện, xã. Việc bổ sung một số nội dung mới này nhằm bảo đảm tính nhất quán trong hoạt động thống kê, bảo đảm tính khách quan, trung thực đối với người sử dụng. Dự thảo cũng cụ thể hóa danh mục hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy định phân cấp giữa trách nhiệm thu thập, tổng hợp, công bố của cơ quan thống kê các cấp. Dự thảo cũng xác định hình thức thu thập thông tin tiến bộ, tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời giảm phiền hà cho cả người cung cấp thông tin và người thu thập thông tin. Bên cạnh đó là cụ thể hóa lĩnh vực ưu tiên đầu tư trong ứng dụng CNTT-TT hiện đại vào hoạt động thu thập và phổ biến thông tin thống kê. Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung quy định về phân tích, dự báo thống kê và công tác thẩm định số liệu thống kê nhằm khắc phục tình trạng chênh lệch về số liệu giữa các cơ quan. Cuối cùng là việc quy định lịch công bố thông tin thống kê để các đối tượng chủ động theo dõi, sử dụng số liệu thống kê.
- Nếu luật sửa đổi ra đời, Tổng cục Thống kê sẽ xử lý các số liệu và kết quả thống kê cũ đã từng công bố như thế nào? Có bảo đảm sự chính xác, tính logic cũng như sự tương đồng với chuẩn mực thống kê quốc tế hay không?
- Luật Thống kê (sửa đổi) đã đưa nhiều điều khoản mới là cơ sở pháp lý quan trọng cho ngành thống kê áp dụng các chuẩn mực thống kê quốc tế, quy trình thống kê mới; ứng dụng các thành tựu về thống kê; CNTT-TT vào công tác thống kê... Việc này sẽ nâng cao chất lượng số liệu thể hiện qua 6 tiêu thức (phù hợp, chính xác, kịp thời, khả năng tiếp cận, khả năng giải thích và tính chặt chẽ của số liệu thống kê). Về phương pháp luận, ngành thống kê Việt Nam luôn tuân thủ sự hướng dẫn của thống kê Liên hợp quốc. Tổng cục Thống kê đã cùng các cơ quan hữu quan rà soát, đánh giá lại các số liệu, đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án chuyển đổi quy trình biên soạn tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố" để giải quyết yêu cầu trên.
Luật Thống kê (sửa đổi) sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng, bảo đảm sự chính xác, tính logic và sự tương đồng với chuẩn mực thống kê quốc tế.
- Trân trọng cảm ơn ông!