Tiếng nói phản biện, xây dựng
Văn hóa - Ngày đăng : 06:28, 24/05/2015
Thực tế, nhiều văn bản pháp luật hiện hành, các nghị định, thông tư, các đề án, quy hoạch và nhiều dự thảo liên quan văn học - nghệ thuật luôn cần được bổ sung, góp ý sao cho bám sát thực tế. Trong đó, có những vấn đề sát sườn như chế độ nhuận bút, hạn chế tình trạng vi phạm tác quyền văn học, bồi dưỡng tài năng văn học, quảng bá văn học ra nước ngoài…
Chỉ nhà văn và bản thân Hội Nhà văn mới có thể hiểu rõ những bất cập, mong muốn trong lĩnh vực của mình. Tiếng nói góp ý, phản biện với tinh thần xây dựng cần được Hội thể hiện một cách chủ động với vai trò của một tổ chức đại diện đông đảo tác giả đang sáng tác, nghiên cứu, dịch thuật trên cả nước, chứ không chỉ "xuất hiện" khi có sự đề nghị, trưng cầu ý kiến của cơ quan soạn thảo văn bản.
Trong hoàn cảnh Bộ VH-TT&DL vẫn chỉ có một cơ quan quản lý nhà nước về văn học ở cấp phòng, trực thuộc Cục Nghệ thuật biểu diễn thì việc kết nối, hợp tác chặt chẽ, thường xuyên giữa Hội và ngành văn hóa lại càng cần thiết. Khi tiếng nói phản biện, xây dựng có chất lượng và mạnh mẽ, thì không chỉ các nội dung chính sách mà từ đây nhiều hoạt động khác của Hội cũng sẽ được thúc đẩy. Như Trung tâm Dịch thuật đang cần nguồn lực để có sản phẩm cụ thể; Trung tâm tác quyền văn học của Hội cũng cần có thêm những "tay vịn" để bảo vệ quyền lợi cho các hội viên...