Quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm sai phạm

Giáo dục - Ngày đăng : 06:07, 24/05/2015

(HNM) - Còn hơn một tháng nữa mới đến thời điểm tuyển sinh năm học 2015-2016, song dư luận xã hội đã bắt đầu

Đây không phải là quy định mới nhưng năm nay được quán triệt áp dụng triệt để, nghiêm khắc, đặt ra những thách thức mới trong công tác quản lý, giám sát tại các địa phương nhằm tránh để xảy ra sự biến tướng của mô hình trường chuyên, lớp chọn ở cấp THCS.

Theo quy định, các trường không được tổ chức kiểm tra, khảo sát để chia lớp ở cấp THCS. Ảnh: Bá Hoạt


Không có trường chuyên ở cấp THCS

Theo các chuyên gia, mô hình lớp chuyên, trường chuyên ra đời cách đây khoảng dăm chục năm với mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng HS năng khiếu, tạo môi trường học tập, rèn luyện tốt hơn để các HS có cùng sở thích (về một môn học nào đó) chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm. Không thể phủ nhận những đóng góp của các lớp chuyên, trường chuyên đối với sự phát triển của nền giáo dục nước nhà, góp phần khẳng định vị thế của tuổi trẻ Việt Nam trước bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, quá trình triển khai ở không ít địa phương đã làm mất đi ý nghĩa ban đầu của mô hình này, tạo ra những áp lực không cần thiết cho HS, phụ huynh và nảy sinh một số tiêu cực trong ngành giáo dục và ngoài xã hội. Tại Nghị quyết số 02-NQ/HNTư ngày 24-12-1996, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã yêu cầu "Không tổ chức trường chuyên ở tiểu học và THCS". Việc xóa bỏ trường chuyên cấp THCS được thực hiện thống nhất trên cả nước từ thời điểm này và đến nay vẫn là một chủ trương phù hợp, nhận được sự đồng thuận của xã hội.

Hà Nội hiện có hơn 600 trường THCS và một số trường THPT có hệ THCS, trong đó có Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Trước một số ý kiến cho rằng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam tồn tại hệ THCS là vi phạm quy định, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại khẳng định: Hà Nội không có trường chuyên ở cấp THCS theo đúng tinh thần nêu tại Nghị quyết 02-NQ/HNTư. Hệ THCS trong Trường THPT chuyên Hà Nội - Amstedam được xây dựng với nhiều căn cứ pháp lý, được quy định trong Chương trình 07-CTr/TU ngày 14-8-2006 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển một số ngành dịch vụ trình độ, chất lượng cao", Nghị định 05 của Chính phủ về xã hội hóa giáo dục và Điều 12 của Luật Thủ đô. Việc duy trì mô hình này nhằm thừa hưởng chất lượng đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại bậc nhất của Việt Nam; tạo nền móng cho việc phát hiện, bồi dưỡng nhân tài ở các cấp học sau.

Việc khẳng định sự tồn tại hay không tồn tại trường chuyên, lớp chuyên ở cấp THCS được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhận định rằng, phải xem xét trường đó có đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện năng lực của HS hay không. Đối chiếu thực tế, các lớp đào tạo hệ THCS của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam được triển khai theo đề án chất lượng cao đã được lãnh đạo thành phố phê duyệt nhằm phát triển toàn diện năng lực và sự chủ động, sáng tạo của HS. HS khi vào trường được học tập, tham gia các hoạt động giáo dục toàn diện như với HS các trường THCS trên địa bàn, không phân chia lớp theo các môn chuyên như với cấp THPT.

Nghiêm cấm kiểm tra, khảo sát đầu năm học

Nhằm giải quyết tận gốc những tiêu cực, trong đó có tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan gây áp lực nặng nề đối với HS, phụ huynh, tháng 9-2014, Bộ GD-ĐT đã ban hành Chỉ thị yêu cầu tất cả các địa phương áp dụng thống nhất phương thức tuyển sinh vào lớp 6 từ năm học 2015-2016 là xét tuyển (không có ngoại lệ như các năm trước là cho phép một số trường có số lượng HS đăng ký dự tuyển nhiều hơn so với chỉ tiêu được thi tuyển) và nghiêm cấm việc tổ chức kiểm tra, khảo sát đầu năm học. Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, việc tổ chức triển khai, quản lý hoạt động của các trường THCS để không xảy ra những biến tướng, sai phạm liên quan trường chuyên, lớp chọn ở cấp THCS là trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục địa phương.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo các kỳ thi và tuyển sinh TP Hà Nội năm 2015 vừa diễn ra đầu tháng 5, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại khẳng định, mặc dù ban đầu còn có một số ý kiến, song với sự chỉ đạo sát sao, hướng dẫn cụ thể của lãnh đạo thành phố và của ngành, đến nay các nhà trường trên địa bàn thành phố đều thống nhất, yên tâm và tin tưởng để xây dựng kế hoạch tuyển sinh lớp 6 theo đúng chủ trương.

Trả lời phóng viên Báo Hànộimới về việc quản lý, giám sát quá trình thực thi tại các trường học trên địa bàn TP Hà Nội như thế nào, bởi thực tế hiện nay có tình trạng một số trường THCS sau khi tuyển sinh có tổ chức ôn tập, khảo sát để chia lớp, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Văn Đại nhận định: Theo khoa học giáo dục thì việc khảo sát đánh giá năng lực HS là việc làm cần thiết và cần tiến hành thường xuyên để các nhà trường kịp thời điều chỉnh phương pháp dạy học cho phù hợp với trình độ nhận thức của HS, bảo đảm tiếp cận kiến thức tốt nhất cho người học. Tuy nhiên, thực tế triển khai đôi khi lại gây áp lực không cần thiết cho HS. Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ giám sát chặt chẽ việc thực thi với những quy định cụ thể, không để bất cứ đơn vị trường học nào tồn tại việc này trong mùa tuyển sinh năm học 2015-2016 sắp tới. Hiệu trưởng nhà trường là người chịu trách nhiệm các khâu trong công tác tuyển sinh tại đơn vị mình, nếu để xảy ra vi phạm sẽ chịu hình thức kỷ luật nghiêm khắc.

Tại buổi lễ tuyên dương, khen thưởng các điển hình phong trào thi đua của ngành GD-ĐT Hà Nội ngày 21-5, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đánh giá: Nhiều năm qua, Hà Nội đã chấp hành tốt nội dung tại Nghị quyết số 02-NQ/HNTư ngày 24-12-1996 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về việc "Không tổ chức trường chuyên ở tiểu học và THCS. Riêng với việc áp dụng quy định không thi tuyển vào lớp 6 năm học 2015-2016, mặc dù ban đầu còn có một số khó khăn nhất định, song đến thời điểm này, có thể thấy Hà Nội đã tuân thủ nghiêm túc quy định này của Bộ GD-ĐT. Đây là cấp học phổ cập đối với đối tượng là thanh, thiếu niên từ 11 đến 18 tuổi chưa tốt nghiệp THCS. Việc tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục phải bảo đảm thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục THCS trên địa bàn, các đơn vị không được tổ chức khảo sát HS đầu năm học, không được tổ chức thi tuyển HS vào lớp 6.

Thống Nhất