Chỉ phát triển điện hạt nhân khi điều kiện chín muồi

Xã hội - Ngày đăng : 05:56, 24/05/2015

(HNM) - Để bảo đảm an ninh năng lượng trong những thập kỷ tới, Việt Nam đã có kế hoạch phát triển điện hạt nhân (ĐHN). Đến nay, các khâu chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên đang được tích cực thực hiện. Xung quanh vấn đề này, Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với TS Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ).

TS Hoàng Anh Tuấn.


Điện hạt nhân vẫn tăng đáng kể

- Sau sự cố tại Nhật Bản tháng 3-2011, nhiều quốc gia đã xem xét lại kế hoạch phát triển ĐHN, trong đó có nước tạm thời đóng cửa các nhà máy ĐHN hoặc không xây thêm các nhà máy mới. Tuy nhiên, xu hướng tiếp tục xây dựng các nhà máy ĐHN mới xuất hiện ở nhiều nước do tình trạng thiếu điện trong một tương lai không xa. Ông có thể giới thiệu tổng quan về tình hình phát triển ĐHN trên thế giới trong vài năm gần đây?

- Theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), tính đến tháng 5-2015, thế giới có 438 lò phản ứng hạt nhân sản xuất điện đang hoạt động. Mặc dù sau thảm họa tại Fukushima, nhiều nước tỏ ra lo ngại về độ an toàn của nguồn năng lượng này, trong đó Đức tuyên bố dừng hoàn toàn sử dụng ĐHN vào năm 2020. Tuy nhiên, trước và sau sự cố tại Nhật Bản thì số lò phản ứng tham gia phát điện không thay đổi, trong khi đó có tới 50 lò của Nhật Bản dừng hoạt động để nâng cấp quy trình bảo đảm an toàn. Ngoài ra, khoảng 11% sản lượng điện toàn cầu hiện nay do các nhà máy ĐHN cung cấp, trong khi tổng nhu cầu tiêu thụ điện tăng lên. Điều này khẳng định rằng, ĐHN vẫn đang phát triển.

Đáng lưu ý là kể từ sự cố tại Nhà máy ĐHN Three Mile Island năm 1979, trong khoảng 30 năm, Hoa Kỳ không xây mới nhà máy ĐHN, nhưng vài năm trở lại đây họ đã tiếp tục xây thêm lò phản ứng phát điện mới. Vương quốc Anh sau nhiều năm dừng xem xét các dự án mới thì đến tháng 5-2014 đã cùng Nhật Bản ra Tuyên bố chung về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và chống lại mối đe dọa do biến đổi khí hậu toàn cầu. Gần đây nhất, tháng 3-2015, Nga và Jordan ký thỏa thuận về hợp tác xây dựng và vận hành nhà máy ĐHN đầu tiên tại Jordan. Tháng 7-2014, Nga và Argentina ký thỏa thuận xây dựng mới một số tổ máy ĐHN tại Argentina. Các quốc gia khác như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Iran, Phần Lan, Belarus… cũng đang xây dựng các nhà máy ĐHN mới với công nghệ hiện đại.

Nhìn rộng ra, đến thời điểm này, ĐHN vẫn chứng tỏ được ưu thế so với các nguồn năng lượng khác, đặc biệt là không gây hiệu ứng nhà kính vốn là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới biến đổi khí hậu. Ngoài ra, giá thành ĐHN ở nhiều quốc gia hiện cũng rất cạnh tranh so với nhiệt điện, khí điện, phong điện và thủy điện. Dự báo của IAEA thời gian tới cho thấy, ĐHN vẫn tăng với tốc độ đáng kể.

- Việc điều chỉnh tiến độ xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 đến bao giờ, hiện nay đã có thông tin gì mới không, thưa ông?

- Theo Nghị quyết số 41/2009/ QH12 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án ĐHN Ninh Thuận (gồm hai nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và 2 - PV), Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 sẽ được khởi công xây dựng vào năm 2014 và đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020. Đến nay, hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư đang được hoàn chỉnh để trình phê duyệt theo quy định. Tuy nhiên, công tác khảo sát địa chất, kháng chấn cho công trình cần hoàn thiện thêm. Đáng chú ý là sau sự cố tại Fukushima (Nhật Bản) vào tháng 3-2011, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng đưa ra phương án thiết kế với công nghệ hiện đại và độ an toàn cao hơn; rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật với mục tiêu là phải bảo đảm an toàn ở mức cao nhất khi xây dựng nhà máy ĐHN và chỉ phát triển ĐHN khi điều kiện chuẩn bị chín muồi. Đây là lý do chính dẫn đến việc kéo dài thời gian lập dự án đầu tư cho Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1.

Theo báo cáo tình hình thực hiện Dự án ĐHN Ninh Thuận hai tháng đầu năm cho thấy: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN - chủ đầu tư dự án) tiếp tục làm việc với đối tác tư vấn về một số nội dung của hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư; EVN đã trình Bộ KH&CN báo cáo phân tích an toàn; trình Bộ TN&MT báo cáo đánh giá tác động môi trường. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục triển khai kế hoạch hoạt động chung liên quan đến dự án. Thời gian tới, sẽ còn rất nhiều công việc phải chuẩn bị kỹ lưỡng và toàn diện hơn và hy vọng năm 2016 sẽ có phương án để Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến.

Bảo đảm an toàn là yêu cầu cao nhất

- Hiện Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (ROS ATOM) - đơn vị được Chính phủ Việt Nam - Nga chọn xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 - đã hoàn thành đến đâu công tác nghiên cứu, thẩm định dự án?

- Sự hợp tác giữa hai bên khá tốt và đúng với những gì đã cam kết về đào tạo nhân lực, thiết kế kỹ thuật… Đặc biệt, Nga cũng cho chúng ta tiếp cận công nghệ hiện đại nhất họ đang xây dựng, với mức độ an toàn cao hơn. Cuối tháng 2-2015 vừa qua, tư vấn cho dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 đã hoàn thành công tác lập và bàn giao bổ sung hồ sơ công nghệ. EVN đang tiếp tục làm việc với tư vấn về một số nội dung của hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư để hiệu chỉnh.

Theo hồ sơ mới nhất từ ROS ATOM, với kết quả khảo sát có được, tư vấn khẳng định địa điểm đặt lò phản ứng ("trái tim" của nhà máy ĐHN - PV) dịch chuyển 300m về phía tây nam so với dự kiến ban đầu để bảo đảm an toàn. Về công nghệ, chúng ta sẽ chọn công nghệ hiện đại nhất hiện nay và phía tư vấn đề xuất công nghệ lò nước nhẹ VVER-1000/1200 đã vận hành rất an toàn và đang được xây dựng tại Nga, Belarus.

- Trong cuộc thăm và làm việc ở Việt Nam hồi tháng 1-2014 vừa qua, Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano cho rằng, Việt Nam phải chuẩn bị cẩn thận, có tham vấn kỹ càng chứ không nên gấp gáp trong dự án ĐHN đầu tiên của mình.

Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?

- Trên cương vị Tổng Giám đốc IAEA, ông Y.Amano đã hai lần đến Việt Nam, dịp gần nhất là tháng 1-2014 và đúng là ông có nhận định như câu hỏi của nhà báo. Điều ông Y.Amano đề cập rằng: "Việt Nam phải chuẩn bị cẩn thận, có tham vấn kỹ càng chứ không nên gấp gáp trong dự án ĐHN đầu tiên của mình" cũng hoàn toàn đúng so với thực tế đang diễn ra. Trong buổi làm việc mới đây tại Ninh Thuận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 là công trình có vốn đầu tư rất lớn, nhưng yêu cầu đầu tiên và cao nhất vẫn là bảo đảm an toàn bằng mọi giá.

Tôi muốn nói thêm rằng, ông Y.Amano nói riêng và IAEA nói chung rất quan tâm và tích cực hỗ trợ Việt Nam, quốc gia mới tham gia phát triển ĐHN. IAEA đã giúp đỡ chúng ta khá nhiều trong vấn đề xây dựng hành lang pháp lý, đào tạo cán bộ quản lý và chuyên gia kỹ thuật, tư vấn trong nhiều nội dung về quản lý, an toàn, an ninh… nhằm chuẩn bị xây dựng nhà máy ĐHN. Hiện chúng tôi đã hoàn thành kế hoạch khung hợp tác với IAEA đến năm 2020, trong đó tập trung vào công tác hoàn thiện hệ thống pháp lý và quản lý nhà máy ĐHN, đào tạo cán bộ và chuyên gia, xây dựng chính sách và kế hoạch ứng phó.

- Ông có thể cho biết vấn đề xây dựng văn bản pháp quy liên quan đến phát triển ĐHN của chúng ta đã thực hiện đến đâu?

- Chúng ta đã có Luật Năng lượng nguyên tử, Nghị định hướng dẫn thi hành và các văn bản khác nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho phát triển ĐHN. Tuy nhiên, đây là vấn đề liên tục được phát triển nên cần tầm nhìn dài hạn hơn. Sở dĩ nói vậy vì ĐHN dù là công nghệ hiện đại nhưng không phải tuyệt đối không có rủi ro, do đó cần phải có đội ngũ chuyên gia, xây dựng văn hóa an toàn và các kế hoạch ứng phó tùy từng mức độ.

Tháng 12-2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng ĐHN giai đoạn đến năm 2020. Theo đó, chúng ta sẽ tiến tới sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử; quan tâm đến vấn đề đền bù thiệt hại hạt nhân; trách nhiệm của các bên liên quan trong vận hành an toàn nhà máy ĐHN và quản lý chất thải phóng xạ. Những cập nhật mới này đã được các cơ quan chức năng tiếp cận khá sớm và cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ IAEA, Nga, Nhật Bản, Hoa Kỳ… Thời gian qua, IAEA đánh giá cao chúng ta trong khâu chuẩn bị hành lang pháp lý cho phát triển ĐHN. Công việc này sẽ tiếp tục "đi trước" trong thời gian tới với tầm nhìn dài hạn.

Nhân lực điện hạt nhân được đào tạo chủ yếu tại nước ngoài

- Để vận hành Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1, chúng ta cần bao nhiêu chuyên gia, kỹ sư và công nhân vận hành?

- Ngày 11-4-2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án nhà máy ĐHN tại Ninh Thuận và EVN được giao chủ trì. Dự án này đào tạo nhân lực cho khối quản lý dự án, tư vấn và khối quản lý vận hành. Nhu cầu nhân lực dự kiến cần để vận hành Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 sẽ là khoảng 440 người có trình độ đại học trở lên, 460 người có trình độ cao đẳng và 200 công nhân kỹ thuật.

- Theo các chuyên gia, hạn chế lớn nhất của Việt Nam khi phát triển ĐHN đó là thiếu nhân lực. Trong mấy năm qua, công tác này được khắc phục ra sao?

- Giai đoạn 2010-2014, Bộ GD&ĐT đã cử 323 sinh viên đi học trình độ đại học chuyên ngành nhà máy ĐHN và 10 người đi học thạc sĩ tại các trường danh tiếng trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử tại Nga. EVN cũng cử 30 sinh viên đi đào tạo về ĐHN tại Nga và Nhật Bản… Ngoài ra, các khóa học ngắn ngày thường xuyên được tổ chức nhằm nâng cao trình độ cũng như hiểu biết về ĐHN cho đội ngũ cán bộ, nhân viên có liên quan, kể cả những người làm công tác truyền thông. Điều đáng mừng là trong một vài năm trở lại đây, điểm thi đầu vào của một số trường ĐH như: Bách khoa Hà Nội, Bách khoa TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt và Đại học Quốc gia Hà Nội có đào tạo chuyên ngành năng lượng nguyên tử đã cao hơn trước, cho thấy ngành này đã có sức hấp dẫn với các bạn trẻ. Bộ KH&CN đã và đang triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật trong các lĩnh vực phục vụ ĐHN.

- Được biết, Việt Nam và Nga cũng đang bàn thảo xây dựng một trung tâm nghiên cứu hạt nhân mới, công việc này hiện triển khai đến đâu?

- Thỏa thuận xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân được Việt Nam và Nga ký ngày 22-11-2011. Dự án này sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nga dành cho Việt Nam khoảng 500 triệu USD, bao gồm hai hợp phần tại Đà Lạt và Hà Nội. Trọng tâm dự án là xây dựng lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu, có công suất dự kiến khoảng 15MWt, công suất gấp 30 lần so với lò phản ứng hạt nhân hiện tại ở Đà Lạt. Đây là lò phản ứng dạng "bể bơi" tương tự thiết kế của lò Đà Lạt hiện nay, toàn bộ nhiên liệu được "ngâm" trong "bể nước" sâu nên độ an toàn rất cao. Ở nhiều quốc gia, lò phản ứng nghiên cứu được xây ngay trong các trường đại học hoặc tại các viện nghiên cứu ngay trong thành phố.

Bộ KH&CN đã đề xuất địa điểm thích hợp cho lò nghiên cứu mới là Phường 12, TP Đà Lạt. Tuy nhiên, thời gian qua, việc triển khai gặp nhiều khó khăn, do chưa có sự đồng thuận của địa phương.

Trung tâm KH&CN hạt nhân được xây dựng nhằm thúc đẩy các lĩnh vực nghiên cứu về năng lượng nguyên tử và phát triển ĐHN như tính toán, thiết kế, giải quyết các nhiệm vụ KH&CN liên quan đến thực hiện chương trình ĐHN (thiết bị, an toàn nhiên liệu hạt nhân, vật liệu, xử lý và quản lý chất thải phóng xạ; tham gia đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực năng lượng nguyên tử nói chung và ĐHN nói riêng). Đây sẽ là trung tâm nghiên cứu chủ lực của ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam trong tương lai.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Đan Nhiễm