Quyết liệt quản lý giết mổ động vật theo hướng tập trung
Chính trị - Ngày đăng : 16:55, 23/05/2015
Trước khi đi vào thảo luận, Quốc hội đã nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thú y.
Tiếp tục góp ý hoàn thiện dự án luật, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh của luật; hệ thống cơ quan chuyên ngành về thú y; thẩm quyền công bố dịch bệnh động vật trên cạn…
Đáng chú ý, về quy định về xử lý bắt buộc động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh thuộc Danh mục các bệnh phải công bố dịch, các đại biểu cho rằng, dự luật cần quy định cụ thể các biện pháp xử lý cũng như điều kiện, tiêu chí phải áp dụng biện pháp tiêu hủy, giết mổ bắt buộc động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh; quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh khi quyết định tiêu hủy, giết mổ bắt buộc động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh và kinh phí cho việc tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật mắc bệnh để bảo đảm vệ sinh môi trường; làm rõ chính sách hỗ trợ tiêu hủy đối với chủ cơ sở nuôi đối với động vật.
Về trạm kiểm dịch động vật tại đầu mối giao thông , các đại biểu nhất trí bổ sung quy định về Trạm kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông và đề nghị trong Luật nên quy định Trạm phải có lực lượng cảnh sát giao thông, lực lượng quản lý thị trường và thú y thường trực để bảo đảm hoạt động này có hiệu quả.
Để hạn chế tối đa những phiền nhiễu, tiêu cực phát sinh khi thực hiện, đồng thời phù hợp với yêu cầu kiểm dịch động vật khi vận chuyển, không làm tăng đầu mối, biên chế..., các đại biểu thống nhất giao trách nhiệm cho Bộ NN&PTNT trong quy hoạch các trạm kiểm dịch động vật tại đầu mối giao thông.
Về cơ sở giết mổ động vật, theo thống kê, hiện tại, cả nước có 29.281 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm (996 cơ sở tập trung và 28.285 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ), trong số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chỉ kiểm soát được 29,09% do địa bàn phân tán và thiếu lực lượng cán bộ thú y để kiểm tra, thanh tra hoạt động này. Số lượng cơ sở giết mổ nhỏ lẻ tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc, trong khi ở phía Nam, 95% các cơ sở giết mổ là tập trung. Do vậy, các đại biểu đề nghị, cần có biện pháp quyết liệt để quản lý giết mổ động vật theo hướng tập trung. Với một số trường hợp được tồn tại cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, dự luật cần có quy định cụ thể kèm theo những yêu cầu về vệ sinh thú y.
Trước đó, trong phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tổ về dự án Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi.
Các ý kiến cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự, đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo tập trung làm rõ một số nội dung như: quy định "Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng" tại Điều 4 dự thảo; quy định áp dụng án lệ trong tố tụng dân sự; cụ thể hóa vào luật quy định nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm, trong đó hướng tới đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tố tụng dân sự...