Tránh chồng chéo, giảm phiền hà

Kinh tế - Ngày đăng : 07:47, 23/05/2015

(HNM) - Với mục tiêu quản lý doanh nghiệp (DN) theo phương pháp rủi ro và tránh thanh tra chồng chéo giữa các cơ quan quản lý nhà nước, Tổng cục Thuế vừa ban hành quy trình thanh tra thuế mới.


Quy trình mới được ban hành nhằm thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ trong việc cải cách hành chính thuế đối với công tác kiểm tra thuế phải đạt mức ASEAN-4; giúp cơ quan thuế ngăn chặn kịp thời những hành vi gian lận về thuế, đồng thời giảm phiền hà cho DN.

Làm tốt công tác thanh tra thuế sẽ góp phần ngăn chặn những hành vi gian lận về thuế. Ảnh: Thanh Hải



Bảo đảm tính minh bạch

Hơn 9.800 là số lượng DN đã được Tổng cục Thuế thanh, kiểm tra trong năm 2014. Đây là những DN có dấu hiệu rủi ro cao, có hoạt động giao dịch liên kết, DN lỗ có dấu hiệu chuyển giá, DN lớn nhiều năm chưa được thanh tra. Trong năm 2015, ngành thuế đặt mục tiêu tăng cường thêm các đợt thanh - kiểm tra; phấn đấu tăng thu qua thanh - kiểm tra hơn 14.500 tỷ đồng, số nộp ngân sách hơn 10.500 tỷ đồng. Trong đó, đặc biệt chú trọng thanh - kiểm tra 100% hồ sơ sau hoàn có số thuế hoàn lớn.

Đại diện Vụ Thanh tra (Tổng cục Thuế) cho biết, một trong những biện pháp để tăng cường công tác kiểm tra thuế dựa trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro theo quyết định mới ban hành sẽ giúp phát hiện và ngăn chặn, xử lý những vi phạm về thuế, đồng thời nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật về thuế của người nộp thuế (NNT) trong việc thực hiện kê khai thuế, tính thuế và nộp thuế. Tổng cục Thuế sẽ lựa chọn tối thiểu 20% số DN đang hoạt động để kiểm tra hồ sơ kê khai thuế. Trong đó, có 15% DN được lựa chọn bằng ứng dụng lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế theo rủi ro và 5% DN được các cục thuế lựa chọn thông qua các chỉ số như: Có rủi ro cao, có dấu hiệu trốn thuế, gian lận thuế, khai sai số thuế phải nộp.

Phần mềm ứng dụng kiểm tra hồ sơ khai thuế sẽ sắp xếp NNT theo từng tiêu chí rủi ro, mức độ rủi ro từ cao đến thấp. Sau khi có danh sách NNT theo mức độ rủi ro, thủ trưởng cơ quan thuế sẽ có thông báo đề nghị phải giải trình hoặc bổ sung tài liệu đối với từng trường hợp để lên kế hoạch thanh tra cụ thể. Như vậy, việc xác định danh sách DN được thanh tra thuế sẽ thực hiện hoàn toàn tự động dựa trên những tiêu chí cụ thể, bảo đảm tính minh bạch với những đối tượng được chọn để thanh, kiểm tra thuế hằng năm.

Năm 2014, cơ quan thanh tra đã kiến nghị xử lý thu vào ngân sách số tiền thuế hơn 12.200 tỷ đồng; giảm khấu trừ hơn 1.000 tỷ đồng; tổng số giảm lỗ là hơn 19.700 tỷ đồng bằng 131,42% so cùng kỳ năm trước; đã đôn đốc nộp vào ngân sách số tiền thuế thu qua thanh tra, kiểm tra hơn 7.750 tỷ đồng, bằng 80,2% so với cùng kỳ năm trước. Cơ quan thanh tra thuế cũng đã thanh tra, kiểm tra 2.077 DN lỗ, DN có dấu hiệu chuyển giá và DN có hoạt động giao dịch liên kết, giảm lỗ hơn 5.400 tỷ đồng. Truy thu, truy hoàn và phạt hơn 1.600 tỷ đồng.

Giảm phiền hà tới sản xuất kinh doanh

Theo Tổng cục Thuế, để tạo điều kiện cho các DN phát triển SXKD, tránh việc kiểm tra chồng chéo giữa các cơ quan quản lý nhà nước, trong quy trình kiểm tra thuế nêu rõ 5 trường hợp kiểm tra tại trụ sở NNT gồm: Kiểm tra hồ sơ khai thuế; theo dấu hiệu vi phạm; hoàn thuế; theo kế hoạch, chuyên đề và kiểm tra khác. Để tránh sự chồng chéo kế hoạch thanh - kiểm tra thuế gây phiền hà cho DN, Tổng cục Thuế quy định rõ, khi cơ quan thuế cấp dưới lập kế hoạch kiểm tra chuyên đề, kiểm tra hằng năm nếu có sự chồng chéo với kế hoạch của cơ quan cấp trên thì thực hiện theo kế hoạch của cấp trên. Trường hợp hoạt động kiểm tra tại địa phương có sự trùng lặp về đối tượng kiểm tra với kế hoạch thanh - kiểm tra về thuế của thanh tra tỉnh, sở tài chính, cơ quan thanh tra địa phương thì cục trưởng cục thuế phối hợp với những đơn vị này giải quyết.

Việc kiểm tra thuế tại trụ sở của NNT được tiến hành chậm nhất sau 10 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định kiểm tra thuế nhằm giảm ảnh hưởng tới hoạt động SXKD của DN. Đối với những thông tin, tài liệu, số liệu NNT đã nộp cho cơ quan thuế theo quy định hiện hành như: Tài liệu, hồ sơ về đăng ký, kê khai nộp thuế báo cáo sử dụng hóa đơn..., đoàn kiểm tra không yêu cầu NNT cung cấp lại mà phải khai thác, tra cứu tại cơ quan thuế để phục vụ cho việc kiểm tra. Theo quy định mới, trưởng đoàn kiểm tra và các thành viên trong đoàn kiểm tra không được yêu cầu NNT cung cấp các thông tin tài liệu không liên quan đến nội dung kiểm tra. Thời hạn kiểm tra tại trụ sở của NNT cũng được giới hạn không quá 5 ngày làm việc thực tế, kể từ ngày bắt đầu công bố quyết định kiểm tra tại trụ sở NNT. Trong trường hợp xét thấy cần phải kéo dài thời gian để xác minh, thu thập tài liệu, trưởng đoàn kiểm tra phải báo cáo cấp trên và mỗi cuộc kiểm tra chỉ được bổ sung thêm thời hạn một lần.

Đón nhận thông tin về quy trình thanh - kiểm tra thuế mới, một số DN cho rằng, việc lựa chọn danh sách DN phải thanh - kiểm tra thuế theo phương pháp rủi ro sẽ giúp NNT tránh khỏi mặc cảm "bị" thanh tra một cách bất hợp lý. Bởi, với quy trình này, những DN chấp hành tốt pháp luật thuế sẽ không lọt vào tầm ngắm của cơ quan thuế. Quy trình mới cũng công bố rõ thời gian cơ quan thuế sẽ thanh - kiểm tra tại DN, qua đó giúp các đơn vị phải thanh - kiểm tra thuế chủ động hơn, giảm những tác động tới hoạt động SXKD của DN.

Hương Ly