Xứng danh kẻ sĩ Bắc Hà

Văn hóa - Ngày đăng : 07:36, 23/05/2015

(HNM) - Vở kịch



Đã rất nhiều lần Nhà hát Tuổi trẻ mời NSND Doãn Hoàng Giang cộng tác, thế nhưng lần nào ông cũng bận dựng vở cho những đơn vị khác. Cũng như lần này, vừa dựng bên Nhà hát Tuổi trẻ ông vừa đôn đáo sang Nhà hát Kịch Hà Nội để bắt tay dựng "Bỉ vỏ" ngay sau buổi tổng duyệt "Công lý không gục ngã". Mối duyên đầu này là sự mong mỏi tạo nên dấu ấn ở kịch lịch sử như "Rừng trúc" (đạo diễn NSND Nguyễn Đình Nghi, NSND Phạm Thị Thành) làm được 16 năm trước cho Nhà hát Tuổi trẻ và còn được đặt nhiều tâm huyết bởi: "Vở kịch về Ngô Thì Nhậm cũng là tên con phố mà nhà hát đóng quân, quả là một mối duyên để tập thể nhà hát thể hiện sự tôn kính, ngưỡng vọng ông", Giám đốc Nhà hát Trương Nhuận nói.

"Công lý không gục ngã" của tác giả Lê Chí Trung, người nổi danh với những kịch bản lịch sử đã chọn những lát cắt rất đời, rất gần người dân. Vở kịch lấy bối cảnh là Kinh thành Thăng Long thế kỷ XVIII - giai đoạn cuối trào của Chúa Trịnh, khi Trịnh Sâm ốm yếu, triều đình chao đảo, nhiễu nhương, chia làm hai phe Trịnh Tông - Trịnh Cán mà đứng sau đó là Quốc mẫu và Tuyên phi Đặng Thị Huệ đều tham vọng quyền lực. Thời thế ấy sinh ra gã "Cậu Trời" Đặng Mậu Lân, cậy là em ruột Đặng Thị Huệ, ỷ thế làm càn, ức hiếp dân lành, giết người, cướp bóc đất đai, của cải giữa ban ngày… Oan ức ngập tràn, dân tình kêu thán, công lý lung lay...

Đạo diễn Doãn Hoàng Giang có lẽ đã tạo ra cú sốc với khán giả khi ngay phần mở màn vở diễn ít phút đã có cảnh "nóng". Gã "Cậu Trời" giăng màn giữa phố hãm hiếp gái nhà lành, bị phản kháng thì cắt tai, xẻo ngực người ta. Với lý do bắt chồng của cô gái phải xem nên cảnh diễn khá chân thực khiến khán giả đến nghẹt thở. Nhưng quả là bàn tay "gạo cội", cảnh được xử lý bằng hiệu ứng ánh sáng tạo bóng nên không thô lộ, mà lại khơi gợi sự căm phẫn mạnh mẽ trong khán giả khiến họ nhập cuộc vào vở diễn, đặt mình vào bối cảnh câu chuyện để hồi hộp, lên tiếng, lúc thì bình luận, khi thì phê phán, có lúc đứng lên phản ứng gắt gao. Đây đúng là chủ trương của Nhà hát Tuổi trẻ bấy lâu nay: Khán giả được tham gia vào vở diễn, là một phần của vở diễn. Vậy nên đã có rất nhiều cảnh diễn viên đi từ khán đài lên, hoặc đứng ngay bên cạnh khán giả diễn, tạo nên một sân khấu mở rộng, xóa nhòa mọi rào cản. Những chiếc trống kêu oan đặt khắp mọi góc sân khấu và khán đài, đủ ám ảnh để kích thích người xem bước vào giải quyết các tình huống.

Những đau đớn, oán thán, bất bình được đẩy lên đỉnh điểm bao nhiêu, thì càng nổi bật được nhân vật dám đương đầu với cường quyền, thẳng tay trừng trị kẻ ác để bảo vệ dân lành bấy nhiêu. Ở đây là quan thị lang Ngô Thì Nhậm, một kẻ sĩ Bắc Hà... Nhân vật Ngô Thì Nhậm dường như "đo ni đóng giày" cho NSƯT Bùi Như Lai. Như Lai diễn vừa độ, thể hiện được cái khí chất của kẻ sĩ Bắc Hà, vừa thanh nhã, ôn hòa, vừa thông minh, nhanh trí lại thấu tình đạt lý và luôn giữ được tâm kiên định, công bình, không nghiêng về bất cứ thế lực nào. Công lý được thực thi đúng vào phút cuối cùng của vở diễn, khán giả nín thở dõi theo quan thị lang, xem ông dũng cảm giải quyết vấn đề như thế nào trước quá nhiều nút thắt không dễ gỡ. Mối cảm tình với vị danh sĩ ấy cứ lớn dần và có tiếc nuối khi ông có thể phải trả giá bằng chính tính mạng. Bi kịch lịch sử bao giờ cũng có kết thúc không vẹn toàn, nhưng NSND Doãn Hoàng Giang đã xử lý để đèn sáng hết, khán giả được đối diện với nhân vật mình yêu mến, niềm tin bừng lên: Cái thiện sẽ thắng cái ác dù trong thời đại nào!

Dàn diễn viên tham gia đều cứng vai, nổi bật có NSƯT Minh Hằng (vai Quốc mẫu), Quang Ánh (vai Đặng Mậu Lân), Sĩ Tiến (vai Trịnh Sâm), Bảo Thanh (vai Đặng Thị Huệ). Dự kiến vở diễn sẽ chính thức ra mắt công chúng vào tối 24-5 tại Nhà hát Tuổi trẻ (11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội) và tiếp tục diễn vào tối 27-5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

An Nhi