Đâu là chuẩn?

Mỗi ngày một chuyện - Ngày đăng : 06:32, 23/05/2015

Tôi đố các bà đọc đúng chữ này nhé. Ba bốn mái đầu chụm lại. Dễ quá, thế mà cũng đòi đố. Nhưng bốn chữ VNDP - Ngân hàng Đầu tư phát triển - lại có đến ba đáp án khác nhau:

-Tôi đố các bà đọc đúng chữ này nhé.
Ba bốn mái đầu chụm lại. Dễ quá, thế mà cũng đòi đố. Nhưng bốn chữ VNDP - Ngân hàng Đầu tư phát triển - lại có đến ba đáp án khác nhau: "Vê e nờ dê pê", "Vi en đi pi", và "vờ nờ dờ pờ", thậm chí "vờ nờ dê đê pờ". Mà đố ai bảo cái nào là sai, báo hình báo tiếng đều đọc thế cả mà.

Mọi người đang phân vân thì một bà thả câu khác: "Tôi đến ngân hàng gửi tiền, họ viết "14,000,000 VND" thì nghĩa là bao nhiêu?". "Mười bốn triệu đồng chứ còn gì nữa!", tất cả đồng thanh, ra điều đố đơn giản quá. Nhưng bà nọ lại đanh giọng: "Thì cứ thử hỏi con chúng ta xem chúng nó có hiểu được không? Các bà quen giao dịch với ngân hàng thì biết, nhưng học trò ở nhà trường thì chỗ dấu "phẩy" phải là "chấm" kia. Chỗ này thì giữa các báo viết đã không thống nhất rồi!".

Ừ nhỉ. Câu trước là về cách đọc, câu sau là cách viết, đều đơn giản cả mà ra mấy đáp án khác nhau. Cuộc tranh luận Người Xây Dựng chứng kiến trên đây diễn ra trong nhóm nhỏ của một buổi họp phụ huynh, nhưng vấn đề đụng chạm đến ai tiếp xúc với con chữ con số, nghe và xem báo đài hằng ngày. Không có chuẩn hoặc quá nhiều chuẩn, của nhà trường, từng ngành, của thông tin đại chúng. Nghĩa là vấn đề chẳng nhỏ chút nào và cũng chẳng cũ nữa. Những chỗ viết hoa, cách dùng dấu chấm phẩy, chấm lửng… cứ như là mỗi "anh" mỗi quy định. Những người lớn ở thành thị đã chênh nhau vậy thì trẻ em học ở trường và các cụ già vùng sâu xa nghe - đọc sẽ bối rối đến đâu?

Hán Nôm qua hẳn, Pháp, Nga nhường chỗ cho Anh, tiếng Việt đang chứng tỏ mình là một sinh ngữ, biến đổi không ngừng khi hòa nhập với thế giới. Nhưng như thế có nghĩa là phải chấp nhận tất cả những diễn đạt quá xa nhau làm cho trẻ em và thường dân "ù tai chóng mặt" ư? Cách nay hơn 70 năm, học giả Hoàng Xuân Hãn đã làm quyển "Danh từ khoa học" có tác dụng chuẩn hóa lớn. Nhiều người đã đề đạt một bộ luật ngôn ngữ, nghe có vẻ khó vì ngay giới chuyên môn đã không thống nhất. Nhưng Người Xây Dựng nghĩ ít nhất cũng phải có chuẩn (dưới luật) cho vài ngành chứ, truyền thông chẳng hạn…

NGƯỜI XÂY DỰNG