Không làm khó doanh nghiệp

Công nghệ - Ngày đăng : 06:54, 22/05/2015

(HNM) - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đang lấy ý kiến các bộ, ngành xung quanh quy định về việc nhập khẩu máy, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Trần Tuyết Nhung - Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ KH&CN về những điểm


- Bà có thể điểm qua những nét mới tại TT dự thảo sửa đổi thay thế TT 20/2014/TT/BKHCN?

- Dự thảo TT sửa đổi Thông tư 20 có nhiều nội dung thay đổi so với TT 20 như: Về điều kiện nhập khẩu, phân biệt nguồn vốn sử dụng để nhập khẩu máy, thiết bị sử dụng ngân sách nhà nước phải đồng thời đáp ứng cả 2 tiêu chí là thời gian sử dụng không quá 10 năm và chất lượng còn lại 80% so với chất lượng ban đầu. Với nguồn vốn khác, áp dụng một trong 2 tiêu chí: Hoặc thời gian sử dụng không quá 10 năm hoặc chất lượng còn lại từ 80%. Đối với nhập khẩu dây chuyền công nghệ không phân biệt nguồn vốn sử dụng chỉ áp dụng một tiêu chí theo mức chất lượng còn lại là 80% và phải được giám định tại nơi xuất khẩu, trước khi tháo dỡ để đóng gói nhập khẩu. Bên cạnh đó, nếu sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, doanh nghiệp phải có chứng thư giám định khi thông quan, nếu sử dụng nguồn vốn khác thì được lựa chọn hoặc tự cam kết, hoặc có chứng thư giám định.

Theo quy định mới, nếu máy, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã sử dụng nhưng chất lượng còn từ 80% trở lên vẫn được phép nhập khẩu.



Dự thảo TT sửa đổi lần này, không quy định các mức điều kiện nhập khẩu phân biệt theo mục đích nhập khẩu; không quy định các điều kiện nhập khẩu theo nguồn gốc, xuất xứ của máy móc, thiết bị vì nhiều ý kiến cho rằng quy định theo nguồn gốc, xuất xứ là vi phạm cam kết trong WTO về phân biệt đối xử. Ngoài ra, dự thảo TT cũng không đưa danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 do Bộ GTVT ban hành theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa vào trường hợp áp dụng TT. Các nội dung này theo đề nghị bằng văn bản của Bộ GTVT và thêm Phụ lục Danh sách các tổ chức giám định theo Luật Thương mại, đã đề nghị các bộ, ngành đề xuất, giới thiệu các tổ chức giám định có năng lực thuộc lĩnh vực quản lý.

- Vậy định hướng của Bộ KH&CN đối với công tác tiền kiểm, hậu kiểm như thế nào, thưa bà? Bộ đã và đang có những chính sách gì khuyến khích các doanh nghiệp nhập khẩu các máy, thiết bị hiện đại cũng như các chế tài đối với các doanh nghiệp nhập khẩu máy móc cũ?

- Dự thảo TT đã quy định các nội dung liên quan đến các hoạt động: Cơ chế hậu kiểm khi thông quan (thông quan trước, kiểm tra sau), tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi các loại máy, thiết bị cũ nhập khẩu mà chưa có chứng thư giám định, doanh nghiệp được tạm thời thông quan, sau đó thực hiện giám định và nộp chứng từ cho cơ quan hải quan. Các doanh nghiệp nhập khẩu máy, thiết bị cũ phải chịu sự kiểm tra của các bộ, ngành về tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn, môi trường và tiết kiệm năng lượng.

Ngoài ra, chính sách khuyến khích nhập khẩu máy, thiết bị hiện đại đã có, nằm ở trong nhiều văn bản khác nhau, ví dụ: Nghị định số 87/2010/NĐ-CP ngày 13 - 8 - 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã có ưu đãi về thuế đối với doanh nghiệp nhập khẩu máy, thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại, trong nước chưa sản xuất được. Theo Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi về thuế hoặc được hỗ trợ một phần kinh phí khi mua sắm máy, thiết bị.

- Hiện nay hàng loạt tập đoàn lớn như Microsoft, Intel, Samsung… đang dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam với vốn đầu tư hàng trăm triệu USD. Nhưng nhiều ý kiến lo ngại, một số quy định tại TT sẽ là bước cản cho đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thời gian tới. Bà nghĩ sao về vần đề này?

- Tôi không nghĩ như vậy, có thể doanh nghiệp chưa nghiên cứu kỹ nên chưa nắm rõ được tinh thần của dự thảo mới. Dự thảo 3 của TT đã có những quy định mới, phù hợp hơn. Như đã nói ở trên, việc sử dụng các nguồn vốn khác nhau sẽ có các điều kiện nhập khẩu khác nhau. Riêng đối với nhập khẩu dây chuyền công nghệ không phân biệt nguồn vốn sử dụng mà chỉ áp dụng một tiêu chí là chất lượng và phải được giám định tại nơi xuất khẩu, trước khi tháo dỡ để đóng gói nhập khẩu. Như vậy, doanh nghiệp yên tâm là nếu máy, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã sử dụng hơn 10 năm nhưng chất lượng vẫn tốt (từ 80% trở lên) thì vẫn được phép nhập khẩu.

- Chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp dùng công nghệ tiên tiến được coi là chìa khóa để giải quyết những khúc mắc hiện nay hay không? Muốn vậy, chúng ta nên làm thế nào?

- Đúng vậy, chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến là một trong các biện pháp nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới tư duy, hướng tới đầu tư để sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng cần phải có quy định để ngăn chặn máy, thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu và có chế tài nghiêm để xử lý vi phạm. TT 20 cũng như TT sửa đổi đang được xây dựng vì mục tiêu này.

- Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện.

Ánh Tuyết