Nên cân nhắc quy định trong luật tác nghiệp báo chí là hoạt động công vụ

Đời sống - Ngày đăng : 10:55, 21/05/2015

(HNMO) - Sáng 21-5, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo góp ý xây dựng Luật Báo chí với sự tham gia của các đại biểu lãnh đạo các cơ quan báo chí, quản lý báo chí các tỉnh, thành phố phía bắc.

Dự thảo Luật Báo chí mới gồm 6 chương, 58 điều. Trong đó có 25 điều cũ có chỉnh sửa và 23 điều mới hoàn toàn. Nội dung dự thảo Luật Báo chí mới nhằm cụ thể hoá Hiến pháp 2013, tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý chặt chẽ và hiệu quả hơn đối với báo chí...


Lãnh đạo các cơ quan báo chí, quản lý báo chí phía bắc đã chỉ ra nhiều vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện của bản dự thảo. Đáng chú ý, Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Võ Hải cho rằng không nên quy định bộ chủ quản là Bộ TTTT vì để bảo đảm tính lâu dài của luật, nên quy định là bộ chủ quản do Chính phủ quy định. Ông đề nghị không quy định tổng biên tập cơ quan báo chí phải có bằng đại học chuyên ngành báo chí, vì thực tế nhiều tổng biên tập hiện nay không học báo chí, chỉ nên quy định là có trình độ đại học. Đặc biệt, ông đề nghị Ban dự thảo cân nhắc xác định tác nghiệp báo chí là hoạt động công vụ để đưa vào luật.

Ông Hoàng Minh Thái, Cục Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng phải phân biệt giữa các loại hình cơ quan báo chí để quy định phù hợp về độ tuổi tổng biên tập. Nếu chỉ quy định chung một độ tuổi là không phù hợp thực tế: tổng biên tập báo các hội có người 88 tuổi vẫn làm việc. Nhiều ý kiến đề nghị không nên đưa quy định về quỹ hỗi trợ phát triển báo chí vào luật, vì sẽ gặp khó khăn trong thực hiện, tương tự như quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang rơi vào tình trạng này.

Quốc Bình