Cần rõ mục tiêu, đối tượng và phương pháp

Kinh tế - Ngày đăng : 06:26, 21/05/2015

(HNM) - Tăng cường giám sát, tái giám sát; giám sát báo cáo kết hợp khảo sát thực tế; chuẩn bị kỹ căn cứ pháp lý, đồng thời xác định rõ mục tiêu giám sát để thúc đẩy công việc hiệu quả hơn… là những kinh nghiệm căn bản được Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội đúc kết từ đầu nhiệm kỳ đến nay.


Giám sát để công việc tốt hơn

Theo đánh giá của Ban KTNS HĐND TP Hà Nội, hoạt động giám sát của Ban KTNS HĐND thành phố và Ban Kinh tế - Xã hội HĐND các quận, huyện, thị xã từ đầu nhiệm kỳ (2011-2016) đến nay cơ bản xác định đúng vấn đề, trọng tâm, nội dung, đối tượng cần giám sát; tổ chức giám sát công khai, sát cơ sở. Thông qua hoạt động giám sát, Ban KTNS của HĐND thành phố và Ban Kinh tế - Xã hội của HĐND các địa phương đã chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng ngành, cấp, đặc biệt là người đứng đầu đối với lĩnh vực, nội dung cụ thể, trên cơ sở đó kiến nghị các giải pháp, tiến độ giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn tại, hạn chế. Dù vậy, việc giám sát mới chủ yếu tập trung qua hoạt động thẩm tra và giám sát qua việc thành lập các đoàn giám sát. Công tác giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của UBND cùng cấp và nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp còn hạn chế. Bên cạnh đó, hoạt động giám sát của Ban Kinh tế - Xã hội ở các quận, huyện, thị xã chưa đều, chưa toàn diện và bao quát hết những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương thuộc lĩnh vực của Ban; việc tái giám sát chưa nhiều, dẫn đến kết quả giám sát chưa được như mong muốn.

Hoạt động giám sát cần bao quát hết những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương. Ảnh: Thái Hiền


Trao đổi về giải pháp nâng cao hiệu quả giám sát, Trưởng ban KTNS HĐND thành phố Nguyễn Văn Nam cho rằng, yếu tố quan trọng trong hoạt động giám sát chính là việc chọn nội dung, đối tượng, thời gian, hình thức và thành phần đoàn giám sát. Trước khi lựa chọn nội dung giám sát, cần xác định rõ mục tiêu đạt được của đợt giám sát là để thúc đẩy công việc tốt hơn, qua giám sát phát hiện đơn vị làm tốt thì nhân rộng, làm chưa tốt thì chấn chỉnh, gặp khó khăn thì tìm cách tháo gỡ. Trước khi tiến hành giám sát cần chuẩn bị kỹ căn cứ pháp lý, thông tin liên quan từ báo chí, cử tri, dư luận và nội dung, đề cương yêu cầu đối tượng được giám sát báo cáo. Giám sát tại đơn vị cần kết hợp nghe báo cáo với khảo sát thực tế tại thực địa (đối với nội dung có thể kiểm tra tại thực địa) hoặc có thể phân nhỏ đoàn đi kiểm tra, cử bộ phận chuyên viên giúp việc làm thêm sau đó.

Công khai kết luận để tái giám sát

Thực tiễn cho thấy, cử tri và các cơ quan chức năng rất quan tâm đến thông báo kết luận giám sát và có kiến nghị, đề xuất các giải pháp cho từng vụ việc, lĩnh vực. Vì vậy, thông báo kết luận giám sát phải được đánh giá khách quan, chỉ rõ kết quả đạt được, hạn chế, thiếu sót, nguyên nhân. Cùng với đó, các kiến nghị phải tuân thủ đúng pháp luật, rõ nội dung, trách nhiệm tổ chức thực hiện và thời hạn giải quyết. Đối với mỗi ban, sau khi ban hành văn bản kết luận, kiến nghị giám sát cần phân công lãnh đạo, bộ phận giúp việc theo dõi, đôn đốc kết quả thực hiện. Trong trường hợp thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát chậm hoặc không có chuyển biến tích cực thì tổ chức tái giám sát để rà soát, nắm bắt lại xem các kết luận, kiến nghị đã chính xác, khả thi chưa và có giải pháp đôn đốc thực hiện. Nếu việc đôn đốc vẫn chưa hiệu quả thì có thể đề xuất để Thường trực HĐND giám sát hoặc đưa ra chất vấn tại kỳ họp HĐND, đưa vào nghị quyết HĐND.

Trưởng ban KTNS HĐND thành phố cho biết thêm, đối với lĩnh vực kinh tế và ngân sách, để nâng cao chất lượng giám sát đòi hỏi các thành viên giám sát phải nghiên cứu, nắm chắc các nội dung. Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị trước giám sát cần được chú trọng vì nội dung giám sát trên lĩnh vực KTNS có phạm vi rộng. Đối với một số nội dung giám sát có tính chuyên đề liên quan đến ngân sách, đầu tư, tài nguyên môi trường, khoa học công nghệ… có thể mời thêm các chuyên gia, nhà khoa học tham gia đoàn giám sát.

Qua theo dõi từ đầu nhiệm kỳ 2011-2016 đến nay, lĩnh vực giám sát về KTNS đòi hỏi cần có sự phối kết hợp giữa đoàn giám sát và đơn vị được giám sát thông qua việc gửi đề cương, kế hoạch giám sát, báo cáo giám sát. Trong đó, báo cáo của đơn vị giám sát cần gửi trước để các thành viên trong đoàn có nhiều thời gian nghiên cứu, so sánh, căn cứ các quy định nhằm tổng hợp câu hỏi, vấn đề cần làm rõ ở buổi giám sát. Sau khi đơn vị giám sát có báo cáo giải trình, đoàn sẽ có kết luận giám sát, sau đó đơn vị sẽ có báo cáo kết quả thực hiện sau đợt giám sát… Đối với những vấn đề trong giám sát còn có ý kiến khác nhau, thì các bên cần phối hợp để làm rõ, đi đến thống nhất hoặc các bên phải có chứng lý thuyết phục để bảo lưu quan điểm.

Giám sát lĩnh vực kinh tế, ngân sách thường liên quan đến nhiều đối tượng, được cử tri và nhân dân quan tâm. Vì thế, sau đợt giám sát, Ban KTNS HĐND thành phố đều công khai qua các phương tiện thông tin đại chúng và chính cử tri là người giám sát, tái giám sát tiến độ thực hiện, giải quyết của các cơ quan chức năng. Mong rằng, kinh nghiệm này sẽ được Ban KTNS HĐND thành phố và Ban Kinh tế - Xã hội HĐND các quận, huyện, thị xã phát huy nhằm bảo đảm khách quan.

Việt Tuấn