Người “thắp lửa” cho tuổi trẻ Minh Khai

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:23, 21/05/2015

(HNM) - Căn nhà cấp 4 cũ kỹ nằm sâu trong con ngõ nhỏ thôn Minh Hòa 4, xã Minh Khai (huyện Hoài Đức) gần như tối nào cũng sáng đèn. Tiếng giảng bài của giáo viên, tiếng thảo luận, nói cười của học sinh luôn rộn rã. Cái lạ, đây là lớp học miễn phí.

Anh Nguyễn Chí Thuận.



1. Sẽ không có gì đặc biệt nếu như Nguyễn Chí Thuận là một người khỏe mạnh. Điều khiến dân làng yêu quý và khâm phục Thuận chính bởi anh là người khuyết tật, có nhiều nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, học tập. Lo cho bản thân đã khó, vậy mà anh còn dốc sức lo việc xã hội. Chẳng vậy mà hỏi thăm đường đến nhà Thuận rất dễ dàng.

Nguyễn Chí Thuận sinh năm 1979 tại thôn Minh Hòa 4, xã Minh Khai. Dù hoàn cảnh nghèo khó nhưng Thuận vẫn được gia đình cho đến trường như các bạn cùng trang lứa. Đến năm 13 tuổi, khi đang học lớp 8, thấy cơ thể đau nhức phải đi viện khám, Thuận mới biết mình mắc căn bệnh viêm cột sống dính khớp. Thuốc thang, chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh tình không suy chuyển, sang năm học lớp 9, đúng ngày thi tốt nghiệp THCS, bệnh tái phát nặng nên Thuận phải nhập viện và bỏ kỳ thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, do có thành tích đặc biệt là học sinh giỏi cấp huyện môn vật lý, cộng với học lực loại khá, hạnh kiểm nhiều năm liền xếp loại tốt nên nhà trường đã đề nghị đặc cách xét cấp Bằng tốt nghiệp THCS cho Thuận.

Nhớ lại quãng thời gian đó, Thuận không sao quên được tình cảm của gia đình, thầy cô, bạn bè dành cho bản thân. Sau hơn một tháng đi viện, được cô chủ nhiệm và thầy dạy toán tới nhà động viên, Thuận tiếp tục ôn thi và đỗ vào lớp 10 Trường THPT Hoài Đức A. Nhà cách trường khá xa (khoảng 5km), đi lại thật khó khăn, nhưng bạn bè và gia đình luôn đồng hành, đặc biệt là anh Định, người cùng xóm hằng ngày đưa đón Thuận tới trường. Đến học kỳ I lớp 12, bệnh trở nặng nên Thuận phải nghỉ học. Hai năm liền nằm liệt, tưởng chừng không qua khỏi, nhưng với ý chí quyết tâm không đầu hàng số phận, không trở thành gánh nặng cho gia đình, Thuận đã tập luyện hằng ngày để có thể tự ngồi và đi lại được. Sức khỏe dần khá hơn, năm 2004, Thuận theo học bổ túc lớp 12 và thi đỗ vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với thành tích 23,5 điểm.

Vậy nhưng, niềm vui đến với Nguyễn Chí Thuận cũng là nỗi lo của gia đình. Sức khỏe yếu vậy thì sinh hoạt, học tập ra sao? Ai chăm sóc? Rồi tiền ăn học, ở trọ trong 5 năm đại học, rồi ra trường xin việc... Đây là nỗi lo thực sự bởi sau nhiều năm chạy chữa, kinh tế gia đình đã kiệt quệ bởi chỉ có đôi vai mẹ già gánh vác. Thế nhưng, Thuận và gia đình vẫn quyết tâm đến với giảng đường. May mà, trong lúc khó khăn, Thuận luôn có những người bạn, anh em bên cạnh. "Nhóm các bạn cùng quê hằng ngày đưa đón mình tới trường trong suốt hơn 4 năm đại học" - Thuận cho biết. Như để cảm ơn tấm lòng của bạn bè, Thuận càng quyết tâm học tập, say mê nghiên cứu và giành nhiều giải thưởng như: Giải nhất cuộc thi "Sinh viên nghiên cứu khoa học 2009" của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; giải nhì "Sinh viên nghiên cứu khoa học 2009" cấp Bộ; giải nhì giải thưởng "Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam VIFOTEC năm 2009", được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Bằng khen. Không những vậy, công trình nghiên cứu của Thuận còn được tham dự vòng chung khảo Nhân tài đất Việt năm 2009.

Thuận chia sẻ: "Cuộc sống luôn đặt ra thử thách, nhờ đó giúp mình trưởng thành hơn, vững vàng hơn để vượt qua khó khăn". Tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại khá, Thuận tiếp tục đăng ký học cao học Quản trị kinh doanh (hệ đào tạo liên kết giữa Trường Đại học Troy - Mỹ với Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội). Với tấm bằng này, Thuận cùng bạn thành lập Công ty cổ phần Sililab Việt Nam do anh làm giám đốc, chuyên nghiên cứu, sản xuất phần mềm hỗ trợ quản lý cho các doanh nghiệp.

2. Ngôi nhà cấp 4 của gia đình Thuận là nơi diễn ra các hoạt động của Hội TNTC và các lớp học bồi dưỡng kiến thức cho các em học sinh: bàn ghế, phấn bảng, giá sách được treo ngay ngắn. Chúng tôi thực sự ấn tượng với khẩu hiệu viết bằng tay, màu đỏ bắt mắt dán trang trọng trong lớp học: "Khiêm tốn - Thành thật - Yêu người".

Nguyễn Chí Thuận, chủ nhân ngôi nhà, dáng nhỏ thó, gầy gò, bước đi chậm chạp đang dọn dẹp lớp học. Vừa sắp xếp kệ sách tham khảo, Thuận vừa kể: Các lớp học đã hoạt động 2 năm, ngày càng thu hút đông đảo sinh viên, học sinh trong xã. Hiện Hội TNTC đang tổ chức 6 lớp học: toán lớp 12, toán 11, toán 9, lớp học phát âm tiếng Anh, lớp tiếng Anh trẻ em và lớp vẽ, mỗi lớp có khoảng 5-15 học viên.

Kể về cơ duyên đến với các hoạt động vì cộng đồng, Thuận nhớ lại: "Cách đây 5 năm, mình biết đến trang web: dotchuoinon.com. Trang web này giúp mình có tư duy tích cực hơn, nỗ lực, tự học hỏi nhiều hơn, nhờ đó càng yêu đời hơn, tự tin hơn, và cảm thấy hạnh phúc hơn. Mình mong muốn chia sẻ những điều tốt đẹp đó tới cho mọi người. Năm 2013, mình đã cùng các bạn sinh viên, thanh niên trong xã thành lập Hội TNTC xã Minh Khai với mục đích tạo dựng một môi trường sống tích cực, giúp mỗi thành viên được thực hành tư duy tích cực thông qua các hoạt động cộng đồng nhằm phát triển giáo dục và văn hóa ở làng quê mình…". Tiêu chí của Hội là chia sẻ tri thức, kỹ năng sống giữa các thế hệ, thực hiện các công việc phục vụ cộng đồng, tạo dựng các hoạt động vui chơi lành mạnh… Các thành viên tham gia trên tinh thần tự nguyện.

Trả lời câu hỏi: "Với rất nhiều hoạt động, Thuận lấy đâu ra kinh phí để tổ chức, duy trì? - Thuận cười, đáp lời: "Tất cả đều nhờ vào tinh thần đóng góp của mọi người. Ai có sức thì góp sức, ai có tiền góp tiền, ai có chuyên môn về lĩnh vực gì thì giúp Hội lĩnh vực đó". Hội không có số thành viên cố định, bạn nào có thời gian và khả năng phù hợp thì tới tham gia sinh hoạt. Hiện nay, hàng tuần có các hoạt động như: lớp vẽ do bạn Đỗ Xuân Tuấn, một kiến trúc sư phụ trách; lớp toán 9 do bạn Đỗ Thị Na, giáo viên một trường THPT trên địa bàn huyện Quốc Oai phụ trách; lớp toán 11 do bạn Đỗ Đăng Hiển, sinh viên ĐH Bách khoa phụ trách... Không ít gia đình trong xã hỗ trợ kinh phí, bàn ghế, máy chiếu…

Không chỉ tổ chức các lớp ôn tập, nâng cao kiến thức văn hóa, Thuận và Hội TNTC còn phối hợp với Đoàn Thanh niên xã Minh Khai tổ chức các chương trình vui chơi: "Hành trình khám phá tri thức"; "Mùa hè cổ tích", "Vui xuân"; "Truyền lửa - tiếp sức mùa thi đại học"; thăm, tặng quà trẻ em khuyết tật, gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Mùa hè 2015 này, chương trình "Mùa hè cổ tích" cũng đã được lên kế hoạch thực hiện trong tháng 6. Nguyễn Chí Thuận cho biết: Xã có 7 thôn và Hội TNTC sẽ đến nhà văn hóa từng thôn vào mỗi tối thứ bảy hằng tuần để chiếu phim hoạt hình, phim cổ tích cho các em thiếu nhi. Sau khi chiếu phim, Hội sẽ tổ chức hoạt động vui chơi cho các em.

Phó Chủ tịch UBND xã Minh Khai Đỗ Xuân Đáng nhận xét: Dù mang di chứng bệnh tật, đi lại khó khăn, nhưng Nguyễn Chí Thuận vẫn say mê nghiên cứu, đạt thành tích cao trong học tập. Hiện nay, vừa điều hành một công ty phần mềm, Thuận vừa dành nhiệt huyết "thắp lửa" cho Hội TNTC xã Minh Khai do mình sáng lập với tâm nguyện mang đến một sân chơi tri thức, thắp sáng ước mơ tuổi trẻ. Thuận thực sự là tấm gương sáng trong lao động, học tập và tham gia công tác xã hội, đã, đang góp phần tích cực đưa công tác Đoàn và phong trào thanh niên địa phương cũng như phong trào xây dựng nông thôn mới của xã nhà ngày một phát triển.

Minh Phú