Hai chiều tăng - giảm của giá xăng
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:09, 21/05/2015
Trước đó, liên bộ Tài chính - Công thương đã có văn bản cho phép giá bán lẻ mỗi lít xăng RON 92 được phép tăng tối đa 1.200 đồng/lít; diesel và dầu hỏa cũng được phép tăng 500 đồng/lít... Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ tăng giá bán lẻ xăng mà không điều chỉnh giá dầu. Lý do liên bộ Tài chính - Công thương đưa ra là trong vòng 15 ngày (tính tới 18-5), giá xăng dầu thành phẩm liên tục tăng cao, trong đó xăng RON 92 lên tới 83,97 USD một thùng…
Như vậy, kể từ ngày 5-5, giá các loại xăng RON 95, RON 92, xăng sinh học E5 đều tăng mức kỷ lục 1.950 đồng, lên 19.230 đồng một lít, đây là lần thứ hai giá mặt hàng xăng được điều chỉnh tăng. Đây cũng là lần thứ ba xăng tăng giá kể từ đầu năm. Với giá xăng hiện tại, người dân, doanh nghiệp phải "tốn" thêm 4.760 đồng/ lít mỗi loại xăng nêu trên so với mức "đáy" cuối tháng 1-2015.
Có lẽ xăng dầu là một trong những mặt hàng "nhạy cảm" nhất đối với người dân bởi mỗi lần giá xăng được điều chỉnh tăng hay giảm đều tác động trực tiếp tới chi tiêu của người dân nói chung, doanh nghiệp nói riêng, đặc biệt là những đơn vị sản xuất - kinh doanh sử dụng xăng dầu lớn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá "đầu vào". Chính vì vậy, mỗi lần xăng dầu tăng giá hầu như đều vấp phải phản ứng không mấy tích cực. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng việc điều chỉnh tăng hay giảm giá mặt hàng xăng dầu là điều hết sức bình thường trong nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, nhất là khi còn phụ thuộc nhập khẩu. Vấn đề nằm ở chỗ, quyết định điều chỉnh tăng hay giảm, mức điều chỉnh như thế nào cần được thông tin kịp thời, minh bạch tới người tiêu dùng.
Tại sao lại nói như vậy?
Tại thời điểm trước khi giá xăng được điều chỉnh bất ngờ - tăng 1.950 đồng/lít với các loại xăng RON 95, RON 92, E5 vào ngày 5-5, mặc dù nhiều chuyên gia kinh tế đã dự báo xu hướng điều chỉnh tăng của giá xăng song khi quyết định này được công bố, hầu hết người dân vẫn "sốc". Bởi lẽ trước thời điểm này, mỗi lần giảm, giá xăng chỉ giảm… nhỏ giọt trong khi tăng lại ở mức cao. Có chuyên gia kinh tế đã ví von rằng "giá xăng giảm như xoa, tăng như đấm". Đặc biệt đáng quan tâm ở chỗ, ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường lên 3.000 đồng đối với mỗi lít xăng, dầu - có hiệu lực từ ngày 1-5, Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính đã khẳng định việc tăng thuế (bảo vệ môi trường) sẽ không làm tăng giá bán lẻ xăng, dầu. Với khẳng định này, dư luận phần nào được… "yên lòng", đặc biệt là người có thu nhập thấp, các đơn vị sản xuất - kinh doanh có xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá "đầu vào". Chỉ có điều, diễn biến thực tế hoàn toàn trái ngược với khẳng định của cơ quan chức năng. Và kể từ khi quyết định tăng thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu có hiệu lực đến nay mới 3 tuần, giá xăng đã hai lần tăng mạnh. Lý giải giá xăng tăng do diễn biến thị trường thế giới liệu đã đủ sức thuyết phục? Với đặc thù thị trường xăng dầu hiện do một vài doanh nghiệp đầu mối chi phối, người dân đang rất cần câu trả lời kịp thời, rõ ràng từ phía cơ quan chức năng. Chỉ khi đó, quyết định điều hành tăng hay giảm giá xăng dầu mới dần được xem như bình thường.