Làm mới các ca khúc cách mạng – chặng đường gian truân!

Văn hóa - Ngày đăng : 18:16, 20/05/2015

(HNMO)- Phá cách những giai điệu cũ đang trở thành một trào lưu trong nhiều chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc hiện nay.


Không thể phủ nhận trong những năm trở lại đây, dòng nhạc cách mạng, những bài ca đi cùng năm tháng đã trở lại khá đình đám trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như trong đời sống âm nhạc. Nhiều ca sĩ vốn đang theo đuổi phong cách pop, rock… cũng được mời hát các ca khúc cách mạng với mong muốn khoác những màu sắc mới, góc nhìn mới, tâm thế mới cho các ca khúc của một thời bằng những bản phối mới.

Ca sĩ Phạm Thu Hà trong chương trình "Quà tặng thời gian"


Cái tên được nhắc đến đầu tiên và có thể cho là tiên phong trong việc làm mới các ca khúc cách mạng là “Giai điệu tự hào” một trong những chuỗi chương trình âm nhạc thành công nhất trong năm qua, bằng giải thưởng Cống hiến dành cho Chuỗi chương trình của năm. Thế nhưng bên cạnh những thành công của “Giai điệu tự hào”, khán giả hẳn vẫn chưa quên những tranh cãi, chỉ trích gay gắt của nhiều khán giả mà ê kíp thực hiện chương trình và Giám đốc âm nhạc Quốc Trung phải hứng chịu cho những nỗ lực làm mới các ca khúc của một thời, mà đỉnh cao là ca khúc “Đi học” của nhạc sỹ Bùi Đình Thảo do rocker Hải Bột thể hiện. Bài hát “Đi học” nổi tiếng qua nhiều thế hệ với sự thể hiện không mấy phù hợp của rocker Hải Bột đã nhận phải những chỉ trích gay gắt chưa từng có. Không thể phủ nhận cho đến nay, hai thế hệ người nghe già - trẻ trong nhiều chương trình âm nhạc vẫn chưa tìm thấy tiếng nói chung trong các sáng tạo âm nhạc. Trong con mắt của giới trẻ, các bậc đàn anh luôn “cố thủ” với gu âm nhạc cũ kỹ, truyền thống. Còn với người già, họ xem những sáng tạo của giới trẻ đôi khi là sự “áp bức” âm nhạc.

Thậm chí nhiều khán giả, trong đó có cả những nhà nghiên cứu nghệ thuật, những người luôn khẳng định là ủng hộ sự sáng tạo trong nghệ thuật, đã không ngần ngại chỉ trích “Giai điệu tự hào” “phá nát” ca khúc đã gắn liền với ký ức của bao thế hệ, chỉ vì… dám thể hiện nó bằng một tinh thần khác. Rất may, nhạc sĩ Quốc Trung và ê kíp “Giai điệu tự hào” vẫn vững vàng trên lối đi của riêng mình và danh hiệu Chuỗi chương trình của năm 2014 ít nhiều đã cho thấy họ có lí. Nhưng không phải nghệ sĩ nào cũng vững vàng được như những người thực hiện “Giai điệu tự hào”.

Không chỉ “Giai điệu tự hào” nhận nhiều ý kiến chỉ trích từ khán giả lớn tuổi, mới đây trong chương trình “Quà tặng thời gian” - chương trình ca nhạc gồm những ca khúc cách mạng được dàn dựng theo phong cách trẻ trung do kênh truyền hình QPVN và Công ty Truyền hình Viettel phối hợp thực hiện trong dịp 30/4 vừa qua cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Ca sĩ Đăng Khôi người khởi xướng chương trình cũng người trở nên quen thuộc đối với khán giả ưa chuộng dòng nhạc trẻ như pop ballad, R&B… cho biết: “Thời niên thiếu, tôi bị hấp dẫn bởi dòng nhạc thịnh hành, nhưng hát ca khúc cách mạng như trả bài, không có hồn. Khi trưởng thành, trải nghiệm và thấm thía sự hy sinh của cha ông đi trước để giành độc lập cho dân tộc, cảm được sức mạnh cổ vũ lớn lao từ những ca khúc cách mạng, tôi muốn hát chúng nhưng theo cách của thế hệ chúng tôi”.

Ê-kip sản xuất chương trình âm nhạc "Quà tặng thời gian"


Thực tế nếu xem chương trình với những người trẻ không thể phủ nhận sự chín chắn và tư duy âm nhạc mạch lạc của chàng ca sĩ này thể hiện rõ trong việc mời ê kíp cộng tác sản xuất chương trình. Bên cạnh đó, những cái tên như: nhà thơ Phan Huyền Thư, nhạc sĩ Thanh Phương, nhạc sĩ Dương Khắc Linh, đạo diễn Bông Mai đủ khẳng định được tính nghiêm túc và chuyên nghiệp cho “Quà tặng thời gian”. Đánh giá về cách làm mới này nhà thơ Phan Huyền Thư cho biết “Bản thân tôi thấy mình cũng là người trẻ, vì vậy, tôi không được phép xâm phạm những gì thiêng liêng trong ký ức của thế hệ trước. Có thể họ không thích thì thôi nhưng chúng tôi không cho phép mình khiến họ có cảm giác bị đánh cắp những gì thiêng liêng, đánh cắp một thời tuổi trẻ của mình.Bởi người trẻ có thể có rất nhiều dòng nhạc khác nhau nhưng thế hệ trước họ chỉ có một dòng nhạc ấy. Ở đây không có sự “cưỡng ép” giữa hai thế hệ già và trẻ mà chỉ có sự trao và nhận".

Từ những câu chuyện trên không thể phủ nhận thói quen thưởng thức âm nhạc theo lối mòn của khán giả có lẽ là một trong những lí do các nghệ sĩ không dám đi tới tận cùng trong nỗ lực làm mới, làm khác đi những ca khúc vang bóng một thời. Tất nhiên, khán giả không thể là người quyết định của sự thành công hay thất bại của các thể nghiệm, các nỗ lực làm mới trong nghệ thuật, nếu như người nghệ sĩ đủ tài năng và đam mê để theo đuổi con đường của mình. Vậy phải chăng những người làm âm nhạc hôm nay không đủ tài năng và thiếu đam mê, nhiệt huyết để đưa các giá trị âm nhạc của cha ông đến được với khán giả trẻ. Những bài ca đi cùng năm tháng vẫn được xem là những viên ngọc của nền âm nhạc Việt Nam. Làm mới những viên ngọc là công việc không hề dễ, bởi bản thân chúng đã đẹp, đã hay. Nếu sự cách điệu thiếu hợp lý thì sẽ vô tình phá đi cái hồn cốt của một bài ca đẹp. Nói như nhạc sỹ Huy Thục: “Học cái “tiên tiến” nhưng chớ coi thường cái “đậm đà bản sắc dân tộc”, phải giữ được cốt cách của bài hát. Tiên tiến nếu không kế thừa được truyền thống thì như vậy có lỗi với những người đi trước, với cha ông”.

Phải chăng họ thật sự thiếu đi một sự thôi thúc, một mong muốn từ bên trong đối với “giấc mơ” này. Câu trả lời phù hợp nhất vẫn là hãy kiên nhẫn để chờ đợi. Nhà biên kịch Phan Huyền Thư cho hay, chị và ca sĩ Bông Mai (nay đã trở thành một biên tập viên kiêm đạo diễn sân khấu của các chương trình ca nhạc truyền hình) đang chuẩn bị cho một dự án làm mới nhạc đỏ dài hơi trên sóng truyền hình. Với sự tâm huyết của các nghệ sĩ, thì làm mới âm nhạc cách mạng dẫu là chuyện dễ nghĩ nhưng khó làm, thì các khán giả quan tâm đến dòng nhạc này vẫn có quyền hy vọng.

Minh Anh