Để hàng Việt được tin dùng: Không phải “hữu xạ tự nhiên hương”

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 06:33, 20/05/2015

(HNM) - Việc thay đổi nhận thức, tạo lập hành vi ưu tiên dùng hàng Việt Nam vừa là đòi hỏi cấp bách, vừa là mục tiêu chiến lược lâu dài trong bối cảnh hội nhập sâu rộng cùng sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu.


Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước đã nỗ lực trong việc chiếm lĩnh thị trường, tỷ lệ hàng nội ngày càng tăng. Nhiều nhóm hàng sản xuất trong nước đã được người tiêu dùng (NTD) Việt Nam ưa chuộng hơn so với những năm trước đây như sản phẩm dệt may, giày dép có tới 80% NTD ưa thích; thực phẩm, rau quả: 58%; sản phẩm đồ gia dụng: 50%...

Đối với mặt hàng công nghiệp, dù chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường nhưng tỷ lệ hàng nội đã đạt ở mức khá, trong đó, hóa chất chiếm 73%; phân bón đạt 70%; sợi: 60%; xăng dầu đạt gần 40%... Đặc biệt, sau hơn 5 năm thực hiện cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã có 63% NTD Việt Nam ưu tiên mua hàng Việt, 55% NTD khuyên người thân mua hàng Việt… Đáng chú ý đã xuất hiện những xu hướng tẩy chay hàng giả, hàng kém chất lượng…

Người tiêu dùng lựa chọn hàng Việt Nam tại siêu thị Coopmart. Ảnh: Trần Hải


Tuy nhiên, thực tế việc triển khai CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục. Đến nay, một số cán bộ, đảng viên, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị và một bộ phận nhân dân nhận thức về ý nghĩa, mục đích, nội dung CVĐ chưa thật sâu sắc, từ đó buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện CVĐ ở địa phương, đơn vị mình; không thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện CVĐ. Vai trò của Ban chỉ đạo CVĐ tại một số nơi còn lúng túng, bị động trong việc triển khai thực hiện CVĐ ở địa phương, đơn vị; chưa làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy… Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước, các cơ chế, chính sách chưa thật thông thoáng, thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm tăng chi phí và giảm sức cạnh tranh sản phẩm hàng hóa của DN trên thị trường; chưa quan tâm xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ DN phát triển sản xuất, kinh doanh. Về phía DN, vẫn còn một bộ phận không nhỏ DN chưa nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm đi đầu trong việc thực hiện CVĐ, sản xuất ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ bảo đảm chất lượng, giá cả thấp, đáp ứng nhu cầu của NTD. Thậm chí, không ít DN vẫn còn tư tưởng "bao cấp", chạy theo cơ chế xin - cho, chưa chú trọng đầu tư, nâng cao hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; chưa thực hiện đầy đủ cam kết về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho NTD, làm ăn theo kiểu "chộp giật". Ngoài ra, sự liên kết giữa các DN trong cùng lĩnh vực cũng như giữa các lĩnh vực sản xuất - nhà phân phối chưa chặt chẽ, thống nhất.

Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện CVĐ, Bộ Công thương cùng các ngành có liên quan luôn chú trọng tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, thực hiện các chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước. Các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm soát chặt chẽ về chất lượng sản phẩm của các DN sản xuất, tổ chức các chương trình hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững cho các DN. Về phía các DN, các nhà quản trị cần tăng cường hoạt động truyền thông, quảng cáo sản phẩm, xây dựng thương hiệu và hình ảnh công ty tạo bản sắc riêng. Từ đó, tác động hình thành thói quen ưu tiên lựa chọn hàng Việt, đồng thời tránh quan điểm kinh doanh theo lối "hữu xạ tự nhiên hương". Các chuyên gia khuyến cáo, DN Việt Nam cần nghiên cứu để hiểu biết đầy đủ các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi mua sắm của người Việt Nam với các sản phẩm ngoại nhập và sản phẩm trong nước, để từ đó có chiến lược, chương trình marketing hiệu quả nhằm kích thích tiêu dùng sản phẩm trong nước, chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Nếu các DN chủ động và có chiến lược tốt, cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành trong việc thực hiện kế hoạch phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", những sản phẩm Việt hoàn toàn có thể cạnh tranh tốt với hàng ngoại cùng chủng loại.

Thanh Hiền