Xuất khẩu rau quả Việt Nam: Thiếu thông tin và bị ép giá
Kinh tế - Ngày đăng : 06:21, 20/05/2015
Nguyên nhân chủ yếu do người sản xuất và doanh nghiệp của Việt Nam "đói" thông tin về thị trường nhập khẩu. Bên cạnh đó vẫn tồn tại tình trạng nông sản còn tồn dư chất kích thích, thuốc bảo vệ thực vật, nên bị các nước nhập khẩu cảnh cáo, lập hàng rào thương mại ngày càng khắt khe… gây khó khăn cho việc xuất khẩu.
Thanh long là mặt hàng xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân. |
Theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu rau quả 4 tháng năm 2015 của Việt Nam đạt 488 triệu USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, sản xuất rau quả ở nước ta chủ yếu là nhỏ lẻ, phân tán, chất lượng không đồng đều như nấm, dưa chuột, dứa… và sản xuất không theo quy hoạch nên việc quản lý và đầu tư phát triển hạ tầng rất khó khăn. Không những thế, việc bố trí mùa vụ không tập trung dẫn đến nguy cơ khủng hoảng thừa, thiếu cục bộ khá cao mỗi khi nguồn cung thay đổi. Giá thành các mặt hàng xuất khẩu của nước ta lại chênh lệch quá lớn so với giá thành cùng loại của các nước trong khu vực vì rau quả xuất khẩu phải trung chuyển qua nhiều tầng trung gian nên bị đội giá, sức cạnh tranh kém. Các doanh nghiệp xuất khẩu của ta không những thiếu chiến lược sản xuất kinh doanh bài bản, nhất là việc xây dựng thương hiệu và vùng nguyên liệu mà còn thiếu thông tin về nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này ở các nước.
Phó Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam Nguyễn Quang Đấu cho biết, việc thu hái, sơ chế bảo quản rau quả vẫn tiến hành thủ công là chính, công nghệ bảo quản sau thu hoạch lạc hậu dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch cao (từ 25 đến 30%). Để phục vụ cho xuất khẩu, cả nước có 60 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp với công suất khoảng 300 nghìn tấn/năm và hàng nghìn cơ sở chế biến quy mô nhỏ, chủ yếu là đóng lọ, chiên sấy, muối. Do thiếu nguyên liệu nên các nhà máy chế biến đều hoạt động cầm chừng công suất chỉ đạt 20-30%.
Sản phẩm sản xuất ra đơn điệu, bao bì hình thức mẫu mã xấu, giá thành cao. Về tiêu thụ, rau và hoa quả tươi của Việt Nam chủ yếu là do thương lái và một số công ty, tư thương thu gom ở các địa phương trong cả nước và xuất khẩu tiểu ngạch theo thời vụ sang các tỉnh phía Nam Trung Quốc nên thường bị ép giá. Trong khi đó, các công ty kinh doanh rau quả còn nhiều điểm yếu về các khâu ký kết hợp đồng, hàng hóa, vận tải, lo thủ tục giấy tờ xuất khẩu và an toàn vệ sinh thực phẩm, thanh toán quốc tế. Do chất lượng rau, quả của Việt Nam vẫn chưa bảo đảm các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm nên nhiều lần bị EU cảnh báo về một số lô hàng rau gia vị không đạt chuẩn. Ngoài EU, còn một số thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đã gửi cảnh báo về một số lô hàng có dị vật lạ, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao, gây hệ lụy xấu khi xuất khẩu mặt hàng này sang các nước.
Để xuất khẩu rau quả của Việt Nam mang lại giá trị cao, nhiều chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới các địa phương cần rà soát quy hoạch phát triển sản xuất rau, quả phục vụ xuất khẩu gắn với lợi thế của từng vùng và chỉ nên tập trung phát triển 1-2 cây chủ lực. Ưu tiên hàng đầu cho công nghệ sơ chế bảo quản rau quả tươi với các quy mô khác nhau; hình thành hệ thống các nhà xưởng sơ chế đóng gói ngay tại vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Áp dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật bảo quản rau quả như: Sấy chân không, CA, CAS; nâng cấp công nghệ và thiết bị chế biến thủ công quy mô nhỏ theo công nghệ tiên tiến cho các sản phẩm như: Dưa chuột, dưa bao tử, nấm, măng tre, chuối, vải thiều đóng lọ, vải thiều sấy khô… Kiểm soát chặt chẽ vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất và bảo quản rau quả khi xuất khẩu.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Đăng Doanh, vấn đề sống còn của rau quả xuất khẩu là phải có thương hiệu, hiện tại đã có một số loại trái cây được cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền thương hiệu hàng hóa tại Việt Nam như: Bưởi Năm roi Hoàng Gia, vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc… nên thời gian tới các địa phương cần đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu cho các loại trái cây chất lượng cao để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Các bộ, ngành cần giúp đỡ doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tập trung tháo gỡ rào cản và mở rộng thị trường. Đối với những thị trường có yêu cầu khắt khe, doanh nghiệp phải đẩy nhanh việc đàm phán ký kết các nghị định thư với các nước nhập khẩu rau quả. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện nghị định thư rất công phu và tốn kém nên ưu tiên vào một số thị trường trọng điểm đối với các mặt hàng rau quả. Tăng cường thông tin về giá cả, nhu cầu thị trường, quy định của thị trường đến người sản xuất và doanh nghiệp. Cần quan tâm đến việc xuất khẩu rau quả sang thị trường mới để thay thế thị trường Trung Quốc như New Zealand, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đối với các sản phẩm rau quả tươi thanh long, xoài, nhãn, vải…