3 năm, xử lý được hơn 311 nghìn tỷ đồng nợ xấu
Kinh tế - Ngày đăng : 14:43, 19/05/2015
Nói về xử lý nợ xấu tại báo cáo kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, sau khi chính thức đi vào hoạt động vào tháng 6/2013, Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam (VAMC) đã tích cực triển khai mua nợ xấu; từng bước triển khai quyết liệt các giải pháp xử lý, thu hồi nợ và cơ cấu lại nợ để hỗ trợ khách hàng vay theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình hoạt động của VAMC, NHNN đã kịp thời phối hợp với các bộ, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo hướng trao quyền chủ động hơn cho VAMC trong mua, bán, xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Mô hình hoạt động của VAMC sau gần 2 năm hoạt động được đánh giá là đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD.
Sau 3 năm thực hiện (2012-2014), tổng các khoản nợ xấu được xử lý ước đạt 311,1 nghìn tỷ đồng , tương đương 67% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9/2012 đã được NHNN báo cáo với Bộ Chính trị và Chính phủ khi xây dựng đề án xử lý nợ xấu. Trong đó, tính lũy kế kể từ khi thành lập đến 31/12/2014, VAMC đã mua trên 137 nghìn tỷ đồng nợ xấu với giá mua nợ trên 111 nghìn tỷ đồng. Chất lượng tín dụng đang có chiều hướng được cải thiện và được phản ánh chính xác, minh bạch hơn với những nỗ lực của từng TCTD nói riêng và hệ thống ngân hàng cũng như toàn nền kinh tế nói chung.
Nợ xấu 2 tháng đầu năm tăng (ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Nhờ sự chủ động, nỗ lực và quyết tâm của ngành Ngân hàng, nợ xấu đã được kiềm chế và xử lý một khối lượng đáng kể.
Cụ thể, theo báo cáo của các TCTD, đến cuối tháng 12/2014, tỷ lệ nợ xấu chiếm 3,25% tổng dư nợ (cuối tháng 12/2013, tỷ lệ nợ xấu là 3,61%). Tính đến cuối năm 2014, tỷ lệ nợ xấu đã bắt đầu giảm liên tiếp và được phản ánh chính xác, minh bạch hơn. Đồng thời, điều này cũng cho thấy chất lượng tín dụng đang có chiều hướng được cải thiện với những nỗ lực của từng TCTD nói riêng và hệ thống ngân hàng cũng như toàn nền kinh tế nói chung.
Trong 2 tháng đầu năm 2015, nợ xấu có chiều hướng tăng nhẹ (tỷ lệ nợ xấu là 3,59%). Tuy nhiên, theo lý giải của Thống đóc, diễn biến này mang tính quy luật khi nợ xấu thường tăng vào các tháng đầu năm và giảm vào tháng cuối năm do tích cực xử lý nợ xấu, tuy nhiên, vẫn trong tầm kiểm soát và không nằm ngoài dự tính của NHNN.
Người đứng đầu NHNN cho biết, NHNN tiếp tục tăng cường chỉ đạo và triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu với việc ban hành chỉ thị số 02 về tăng cường xử lý nợ xấu của TCTD và các văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại về việc xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2015. Theo đó, kế hoạch, biện pháp xử lý nợ xấu năm 2015 phải bảo đảm đến ngày 30/6/2015 xử lý được tối thiểu 60% tổng số nợ xấu phải xử lý theo kế hoạch năm 2015, trong đó chỉ tiêu bán nợ xấu cho VAMC phải đạt ít nhất 75% tổng số nợ xấu dự kiến bán cho VAMC cả năm 2015. Đây là tiền đề để ngành Ngân hàng phấn đấu đạt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% vào cuối năm 2015.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, kết quả xử lý nợ xấu đạt được đến nay tiếp tục ghi nhận sự cố gắng của hệ thống các TCTD, nhất là trong điều kiện không có sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước; cơ chế, chính sách còn nhiều hạn chế, bất cập và nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Điều này cũng thể hiện các giải pháp xử lý nợ xấu được ngành Ngân hàng triển khai quyết liệt, có hiệu quả.
Mô hình hoạt động của VAMC chưa từng có tiền lệ bước đầu phát huy hiệu quả tích cực trong việc xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD và hỗ trợ khó khăn cho khách hàng, khẳng định tính đúng đắn của việc lựa chọn công cụ này trong việc xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của Việt Nam.
Tuy nhiên, những cố gắng của ngành ngân hàng trong xử lý nợ xấu là chưa đủ bởi vì nợ xấu là vấn đề của nền kinh tế đòi hỏi cần có sự tham gia, hỗ trợ tích cực của các cơ quan, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Nếu không, việc xử lý nợ xấu sẽ không triệt để và không đạt kết quả như mong muốn.