Việt Nam đạt 3 huy chương vàng Olympic Tin học Châu Á
Giáo dục - Ngày đăng : 12:02, 19/05/2015
Theo Quy chế cuộc thi, các thí sinh thi trực tuyến tại nước mình vào ngày 08 và 09/5/2015; mỗi nước có thể cử tối đa 100 thí sinh tham gia, nhưng chỉ được chọn 6 thí sinh có điểm cao nhất để xét giải.
Đội tuyển Việt Nam tham dự Olympic Tin học Châu Á 2015. (Ảnh: Facebook chính chức của cuộc thi APIO 2015) |
Đội tuyển quốc gia Việt Nam gồm 15 thí sinh dự thi, kết quả cả 6/6 thí sinh được tham gia xét giải đều đoạt giải; gồm: 03 Huy chương Vàng, 02 Huy chương Bạc, 01 Huy chương Đồng. Cụ thể như sau:
Em Nguyễn Tiến Trung Kiên, học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội: Huy chương Vàng.
Em Nguyễn Việt Dũng, học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội: Huy chương Vàng.
Em Phan Đức Nhật Minh, học sinh lớp 11, Trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội: Huy chương Vàng.
Em Đỗ Ngọc Khánh, học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội: Huy chương Bạc.
Em Phạm Văn Hạnh, học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội: Huy chương Bạc.
Em Vũ Phúc Hoàng, học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội: Huy chương Đồng.
Với 03 thí sinh đoạt Huy chương Vàng ở mức điểm tuyệt đối (300/300 điểm), đội tuyển quốc gia Việt Nam đã đạt thành tích nổi bật tại Olympic Tin học Châu Á năm 2015.
Trong tổng số 598 thí sinh của 27 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, chỉ có 18 thí sinh đạt mức điểm này. Theo cách xếp hạng không chính thức về số Huy chương, đội tuyển quốc gia Việt Nam và Hàn Quốc cùng đứng ở vị trí thứ 3 với 3 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng (sau Trung Quốc và Iran).
Đây là kết quả cao nhất của đoàn Việt Nam trong ba lần tham dự, kể từ lần tham dự đầu tiên (năm 2013: 01 Huy chương Vàng, 01 Huy chương Bạc, 03 Huy chương Đồng; năm 2014: 06 Huy chương Bạc) góp phần khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông nói chung và chất lượng của công tác tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi nói riêng.