Trần mà như thế kém gì tiên
Văn hóa - Ngày đăng : 06:32, 19/05/2015
Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà,
Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già.
Chờ cho kháng chiến thành công đã,
Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta.
Năm 1950, cũng gần đến ngày 19 tháng 5, ngày Bác tròn 60 tuổi, theo truyền thống là vào tuổi hạc, tuổi lên lão. Ban Thường vụ Trung ương Đảng đề nghị Bác cho tổ chức lễ kỷ niệm mừng Bác 60 tuổi. Bác đã từ chối bằng cách đọc lại bài thơ Không đề: Chờ cho kháng chiến thành công đã/ Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta.
Đồng chí Xuân Thủy cho biết, tuy Bác khước từ, nhưng Thường vụ Trung ương Đảng, Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận kiên trì đề đạt với Bác. Biết rằng không thể từ chối được, Bác đành phải nhân nhượng và Bác đề nghị:
- Thôi thì, nhân có một cuộc họp của Hội đồng Chính phủ sẽ được triệu tập vào ngày 21 tháng 5, chiều họp xong, sẽ xin có buổi tiếp khách chung đại biểu quân dân chính đảng.
Mọi người vui mừng, thỏa mãn, tuy rằng như thế lễ mừng thọ Bác sẽ diễn ra muộn hơn hai ngày so với sinh nhật, nhưng rồi bảo nhau, điều chính là có dịp được chúc mừng Bác.
Ban tổ chức được thành lập, thiết kế chương trình, nội dung buổi lễ vừa trang trọng, vừa thân tình mang nhiều ý nghĩa. Nhiều cán bộ cao cấp và nhiều nhân sĩ danh tiếng xung phong ghi tên góp các tiết mục văn nghệ để cùng mừng vui.
Ngày 21 tháng 5, các đại biểu quân dân chính đảng tề tựu đông đủ trong một căn nhà lợp mái lá được gọi là hội trường của Phủ Chủ tịch. Bác đi họp chưa về, trời đã sâm sẩm tối, Ban tổ chức đã cho chạy máy nổ, mấy bóng đèn điện bừng sáng cả một góc rừng sâu. Ông Trần Duy Hưng lúc đó vẫn giữ danh nghĩa Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội nhưng việc chính đang làm là Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã giới thiệu dự kiến chương trình để các đại biểu biết và cùng thực hiện sao cho nhịp nhàng. Ông Trần Duy Hưng vừa nói xong thì Bác đến. Mọi người đứng cả dậy tay vỗ mạnh, miệng hô vang “Hồ Chủ tịch muôn năm!…”. Bác giơ hai tay lên cao, rồi hạ dần dần xuống, ý đề nghị mọi người trở lại yên lặng. Bác nói với ông Trần Duy Hưng: Chú cứ để Bác tự tiếp khách. Bác nói tiếp:
- Chẳng mấy khi có dịp gặp đầy đủ các cụ, các anh chị em, các cháu, tôi xin nói về vận hội mới của cách mạng thế giới, nhất là từ sau ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Bác đã nói rành rõ về tình hình, Bác cũng nói về việc Mỹ sẽ can thiệp sâu vào Đông Dương. Sự quyết tâm kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Một đại biểu nhiều tuổi đứng dậy, mạnh dạn đề nghị Bác kể chuyện về việc vừa qua đi gặp các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Liên Xô. Cả hội trường vỗ tay kéo dài. Thế là mọi người được biết rõ ràng hơn về chuyến đi bí mật 3 tháng của Bác sang Trung Quốc, Liên Xô để tranh thủ sự ủng hộ cách mạng Việt Nam.
Bác kể về chuyến đi vất vả nhưng thành công lớn. Cuộc kháng chiến của ta từ nay có một hậu phương rộng lớn và hùng mạnh, các nước bạn đã hiểu ta, ủng hộ giúp đỡ ta. Tuy nhiên, chúng ta vẫn là chính, phải nỗ lực, phải tự lực cánh sinh, chủ động vươn lên mạnh mẽ…
Nhân lúc Bác ngừng lời, Linh mục Phạm Bá Trực, Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội, đứng lên thay mặt toàn thể đọc những lời chúc thọ Bác. Lời chúc mở đầu bằng mấy câu tiếng Latinh rất trịnh trọng. Khi Linh mục Phạm Bá Trực ngừng lời, theo nhà thơ Xuân Diệu, có mặt trong buổi lễ, Bác Hồ tươi cười cảm ơn và nói: Tôi có mấy câu thơ cũng chỉ là khoai khoai sắn sắn thôi xin được đọc ra đây:
Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán,
So với ông Bành vẫn thiếu niên.
Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe,
Trần mà như thế kém gì tiên.
Mọi người đứng dậy vỗ tay, cười vang thoải mái. Bài thơ ứng khẩu tự nhiên, tươi trẻ, vui vẻ, khỏe khoắn, căng tràn sức khỏe, sức thanh xuân.
65 năm qua, bài thơ vẫn vang vọng trong lòng người đọc, mỗi khi đến kỷ niệm sinh nhật Bác. Điều chắc chắn bài thơ sẽ sống mãi cùng với thời gian.