Suốt cuộc đời vì dân, vì nước!

Chính trị - Ngày đăng : 06:28, 19/05/2015

(HNM) - Lớn lên trong truyền thống giàu lòng yêu nước, thương người của gia đình và quê hương, Nguyễn Tất Thành đã thấu hiểu cảnh bần hàn, cơ cực của người dân mất nước...


Thế rồi, từ một thầy giáo trẻ Nguyễn Tất Thành, với cái tên Nguyễn Văn Ba bước lên chiếc tàu buôn Pháp Latouche Trévill vào ngày 5-6-1911 làm phụ bếp. Nào ai biết độc lập dân tộc được nhen nhóm từ chính ngày này của 104 năm trước. Hành trang của Người mang theo chỉ có trái tim vì dân, vì nước và đôi bàn tay lao động.

Bến Nhà Rồng - nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước.


Tới Pháp, thấy công nhân ở cảng Mác-xây sao cơ cực, vất vả thế, trái tim Người trăn trở: Tại sao Thực dân Pháp không "khai hóa" văn minh cho người dân nước họ, trước khi đi "khai hóa" ở đất nước chúng ta? Đứng bên tượng Nữ thần Tự do ở Mỹ, Người lại xót xa: Sao dưới chân tượng Nữ thần Tự do này có nhiều người đói khổ và mất tự do thế? Tới đâu Người cũng quan sát, gần gũi lớp người lao khổ. Điều này đã hình thành trong tư tưởng của Người triết lý nhân sinh.

Người đã làm nhiều nghề như rửa bát, đốt lò, làm vườn, xúc tuyết, rửa ảnh, làm báo và hòa mình cùng giới cần lao của nhiều dân tộc, màu da để sống, tìm hiểu, khám phá, học tập, nghiên cứu. Từ thực tiễn sống động thấm đậm nhiều gian lao, cực nhọc của mình, Người đã thấy công nhân và những người lao động ở đâu cũng là bạn, thực dân đế quốc ở đâu cũng là kẻ bóc lột. Hành trình trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người đúc kết giản dị: Quan san muôn dặm một nhà, bốn phương vô sản đều là anh em.

Và, cũng từ nhãn quan đó, quan điểm của Người về giới cần lao trên toàn thế giới, về bản chất của chủ nghĩa thực dân có cơ sở thực tiễn.

Thâm nhập thực tiễn nơi hang ổ thực dân, với sự nhạy cảm chính trị, Người khẳng định phong trào cách mạng thuộc địa có thể giành thắng lợi trước khi giai cấp vô sản ở "chính quốc" giành chính quyền, cách mạng thuộc địa còn tác động mạnh mẽ đến cách mạng vô sản ở "chính quốc". Con đường giải phóng dân tộc của Bác đã được hình thành. Người nói: "Cách mạng vô sản ở "chính quốc" và cách mạng thuộc địa như hai cánh của một con chim". Đôi cánh ấy sẽ đưa cách mạng đến thành công nhanh hơn. Người còn khẳng định phong trào cách mạng thuộc địa có thể giành thắng lợi trước khi giai cấp vô sản ở "chính quốc" giành chính quyền. Thực tế đã chứng minh điều đó. Tháng 5 -1941, Người trở về nước chủ tọa hội nghị mở rộng lần thứ 8 của Trung ương Đảng họp ở Cao Bằng. Hội nghị quyết định thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội (Việt Minh) - Một tổ chức tập hợp sức mạnh toàn dân tộc trên nền tảng của đại đoàn kết toàn dân tộc để chuẩn bị cho sự biến đổi mới.

Con đường cách mạng của Bác trải dài từ thầy giáo Nguyễn Tất Thành qua phụ bếp Nguyễn Văn Ba, nhà hoạt động cách mang quốc tế Nguyễn Ái Quốc mà thành lãnh tụ Hồ Chí Minh của cách mạng Việt Nam. Nơi đất khách quê người, tấm lòng vì dân, vì nước là ánh sáng soi rọi trên mọi nẻo đường bôn ba lắm gian lao, nhiều vất vả của Người. Sau 30 năm bôn ba trở về Tổ quốc, tên Người là Hồ Chí Minh được gắn liền với cuộc biến đổi lớn lao chưa từng có trong lịch sử Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám thành công mở ra một thời đại mới ở Việt Nam - Thời đại dân là chủ (dân vi bản), dân làm chủ, dĩ công vi thượng. Câu hỏi lớn Người đặt ra từ buổi ra đi, lúc này đã được trả lời bằng thực tế. Khát vọng một đời của Bác: "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành", "Nước độc lập, mà dân không có tự do, thì độc lập ấy chẳng có ý nghĩa gì"…, đang được toàn Đảng, toàn dân ta từng bước hiện thực hóa trên con đường xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Danh xưng Hồ Chí Minh đã gắn liền với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, với đất nước Việt Nam và quá trình xây dựng chế độ mới ở Việt Nam. Tư tưởng và hành trang cách mạng của Người đã đặt nền móng cho một thời đại mới ở Việt Nam - Thời đại Hồ Chí Minh.

Thời đại Hồ Chí Minh ở Việt Nam bắt đầu từ năm 1945, có thể nhận diện qua các đặc trưng sau:

- Sự sụp đổ vĩnh viễn chế độ quân chủ phong kiến ngàn năm trên đất nước ta.

- Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam xuất hiện một hình thái nhà nước mới - nhà nước dân chủ, nhân dân.

- Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là triết lý chủ đạo của thời đại Hồ Chí Minh.

- Đạo đức Hồ chí Minh có giá trị xuyên thời đại mang tên Người.

- Thời đại Hồ Chí Minh đã đưa dân tộc đến với nhân loại, với thế giới.

Tầm vóc và vị thế của Việt Nam hôm nay có nguồn gốc từ một sự kiện cách đây 125 năm (19/5/1890 - 19/5/2015), đó là ngày ra đời của một vĩ nhân, một anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa, một con người làm nên thời đại ở Việt Nam.

Dấu ấn Hồ Chí Minh đậm nét trên chặng đường sinh ra những biến đổi mang tính cách mạng sâu sắc và là nền tảng tạo ra những bước phát triển mới trên đất nước ta. Những biến đổi chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, ngoại giao của đất nước ta từ Cách mạng Tháng Tám hàm chứa đầy đủ, trọn vẹn tư cách là những đặc trưng của thời đại Hồ Chí Minh ở Việt Nam. Những đặc trưng ấy đã và đang là tiền đề, là động lực và là mục tiêu phát triển đất nước. Đặt tên thời đại ở Việt Nam từ Cách mạng Tháng Tám là Thời đại Hồ Chí Minh, vừa là để khẳng định tư tưởng của Người thực sự đã và đang là ngọn đuốc soi đường cho đất nước phát triển vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vừa là để ghi ơn người con của dân tộc vì "chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta". "Hồ Chủ tịch đã qua đời! Nhưng Người để lại cho chúng ta một di sản vô cùng quý báu. Đó là thời đại HỒ CHÍ MINH, thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử quang vinh của dân tộc".

Thời đại Hồ Chí Minh mãi mãi đồng hành cùng dân tộc.

Nay, trong dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Bác và đang tập trung cho Đại hội Đảng bộ các cấp, mỗi đảng viên, nhất là những cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp cần nghiêm túc "phê bình và tự phê bình" theo tinh thần Hồ Chí Minh để nhận thức rõ: Vì sao trình độ và chất lượng phát triển của nước ta vẫn còn khoảng cách khá xa so với những nước trong khu vực có cùng xuất phát điểm? Nguyên nhân cơ bản do con người và chính sách. Nước ta có nhiều luật, nhiều nghị quyết, nhiều chính sách ưu việt nhưng vì sao chậm đi vào cuộc sống. Chắc chắn là do con người - một nhân tố quyết định của mọi thắng lợi - rõ ràng một bộ phận cán bộ đã hóa thành lực cản, nhân tố làm nghèo đất nước. Vừa qua, hội nghị Trung ương lần thứ 11 bàn thảo, xác định tiêu chuẩn nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng, về cơ bản, những tiêu chuẩn này các đại hội trước cũng đã xác định. Nhưng, hội nghị này đã nhấn mạnh kiên quyết không cơ cấu những người tham vọng quyền lực, cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm, độc đoán, kê khai tài sản không trung thực… Chủ trương này rất đúng, nhưng ai và làm thế nào để xác định được nhân sự ấy là lợi ích nhóm, là kê khai tài sản không trung thực, là phe cánh…, trong khi đấu tranh phê bình và tự phê bình chưa như Bác đã dạy (Tự phê như rửa mặt hằng ngày; phê bình người khác cũng là tự phê, khi biết tách mình ra khỏi bản thân mà nhìn lại mình trong trường hợp khuyết điểm của đồng chí, đồng nghiệp thì làm như thế nào). Tất cả những tiêu chuẩn đề ra đều đúng, toàn diện, nhưng nhiều trường hợp khó xác định. Theo chúng tôi, chất lượng, hiệu quả công việc luôn là, mãi là thước đo chuẩn mực để xác định nhân sự. Do vậy, không nên cơ cấu những cán bộ đã có những việc làm nghèo đất nước. Càng không thể cơ cấu những nhân sự không có uy tín ở đại hội cấp dưới. Đó cũng là đòi hỏi nói đi đôi với làm trong việc thẩm định, đánh giá nhân sự vào cơ quan lãnh đạo của Đảng. Đó cũng là danh dự của Đảng ta. Đó là vì dân, vì nước. Đó lại là một cách tu rèn để xứng đáng với Bác.

Chúng ta hãy sống để không phụ công lao của Bác - Người đã làm nên thời đại, Người suốt đời sống vì dân, vì nước.

Phạm Xuân Hằng