Lương y và "lang băm": Vàng - thau lẫn lộn!

Xã hội - Ngày đăng : 06:51, 18/05/2015

(HNM) - Sau khi lương y Phùng Tuấn Giang, Chủ nhiệm nhà thuốc Đông y Thọ Xuân Đường (ở Lê Văn Thiêm, Thanh Xuân, Hà Nội)


Thực tế, trên nhiều trang báo mạng, facebook..., không ít cơ sở đông y, thầy lang đua nhau "nổ" về khả năng chữa bệnh. Gốc của vấn đề nằm ở công tác quản lý trước sự nhập nhèm giữa lương y và "lang băm", giữa những bài thuốc thật và... bài thuốc đồn thổi.

Kết hợp đông tây điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương. Ảnh: Hữu Oai



Phóng đại khả năng chữa bệnh

Từng bị thoát vị đĩa đệm gây đau và tê chân khiến việc đi lại rất khó khăn, chị Nguyễn Thị Thu Huyền (ở phường Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng lần tìm đến đủ các địa chỉ thầy lang theo như lời nhiều người mách bảo và những bài viết trên các diễn đàn, các bài báo trên mạng... Chị Huyền kể, đầu tiên, chị chữa bệnh ở nhà thầy lang Hùng ở phố Khâm Thiên. Hơn 1 tháng chịu đau đớn với những đòn đấm đạp khi thầy dùng lực tác động lên cột sống nhằm giúp kéo giãn sống lưng, nhưng bệnh tình của chị ngày càng nặng hơn. Thế rồi, mỗi khi đọc được bài viết ca tụng bà lang Tý (ở Bắc Giang), thầy lang Lâm (ở Phú Thọ) hay bà lang Yến (ở Cao Bằng), những người có "bàn tay thần kỳ" chữa trị các loại bệnh xương khớp là chị không quản ngại đường sá xa xôi lại tìm đến. Tại các địa chỉ này, chị lại được châm cứu, bấm huyệt, uống thuốc bắc hoặc thuốc nam. Thế nhưng, mất hàng năm trời, tiền thì mất mà bệnh tình không thuyên giảm...

Cách đây chưa lâu, thông tin lương y Nguyễn Bá Nho (tức thầy lang Nho ở Sóc Sơn) chữa khỏi bệnh ung thư gan giai đoạn cuối cho PGS Văn Như Cương đã gây xôn xao dư luận. Nhiều người đặt câu hỏi là liệu thầy lang này có thực sự chữa được căn bệnh ung thư quái ác hay không? Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường khẳng định, việc hành nghề bốc thuốc, chữa bệnh của "thần y" Nguyễn Bá Nho chưa được cấp phép. Bản thân thầy làng Nho đã có tới 4 lần bị đình chỉ vì không có giấy phép hoạt động.
Trên thế giới không nơi nào có nhiều thầy lang chữa được căn bệnh ung thư quái ác như Việt Nam. Thầy nào cũng nhận mình có khả năng chữa ung thư, kể cả các bệnh nhân đã được bệnh viện trả về. Một bác sĩ chuyên ngành ung bướu cho biết, ông không phủ nhận hiệu quả của những bài thuốc đông y trong việc chữa bệnh, cứu người. Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại, trên thế giới chưa có ai dám công bố rằng mình có khả năng chữa khỏi hoàn toàn bệnh ung thư. "Trong tây y chỉ xác định bệnh ung thư khi xuất hiện tế bào ung thư. Còn với các thầy lang vườn, đắp lá chữa khỏi vết sưng do áp xe da, phổi, các tổn thương gây vỡ mủ…, họ cũng tự loan tin là chữa khỏi ung thư bằng thuốc gia truyền, đánh lừa người bệnh để trục lợi", vị bác sĩ này nói.

Trên website của Sở Y tế Hà Nội (www.soyte.hanoi.gov.vn) có đăng tải danh sách những Phòng Chẩn trị y học cổ truyền được cấp phép hoạt động để người dân được rõ. Tuy nhiên, các cơ sở này cũng chỉ đăng ký với phạm vi hoạt động chuyên môn chủ yếu là xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu...; những bài thuốc đông y của những cơ sở này chỉ chữa được một số bệnh như: cam sài, mụn nhọt, trĩ, sởi... Chưa thấy cơ sở nào đăng ký chữa trị được các bệnh nan y như: ung thư, xơ gan... Ông Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam khẳng định: Tôi được đào tạo, học hành bài bản, chỉ có thể nói rằng thuốc đông y giúp bồi bổ sức khỏe, kéo dài thêm sự sống chứ không thể chữa khỏi được ung thư

Người dân chịu thiệt!

Ông Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho rằng, hiện cả nước có 7 vạn hội viên là lương y nhưng tỷ lệ được cấp phép hành nghề khá ít. Bởi theo quy định, để được cấp phép thì lương y phải được học tại các trường đại học theo hệ đào tạo của Bộ Y tế. Do đó, ngay cả với những lương y đã được học bài bản, nếu không đáp ứng được quy định này thì cũng không được cấp phép. Nhiều lần, chúng tôi đã đề xuất Bộ Y tế cấp phép hành nghề cho những lương y đã hoàn thành quá trình học tập thời gian 2 năm tại Hội Đông y và được cấp chứng chỉ, thậm chí có thể xem xét giao lại quyền cấp chứng chỉ hành nghề cho hội để Bộ Y tế tập trung vào khâu hậu kiểm. Thế nhưng, Bộ Y tế không đồng ý, điều đó dẫn đến hậu quả là nhiều lương y không được cấp phép vẫn hoạt động "chui", nhiều người không có trình độ chuyên môn cũng tự nhận mình là lương y. Đây cũng chính là lý do khiến cho nền đông y không phát triển được.

Dẫn chứng cho nhận xét "giờ đây ai cũng có thể trở thành lương y" của mình, ông Nguyễn Xuân Hướng nhắc lại câu chuyện xảy ra cách đây vài năm, khi dư luận rộ lên việc một lương y ở Bắc Ninh có bài thuốc chữa vô sinh. Thực chất, lương y này là một "con buôn" và trong quá trình giao thương, buôn bán, anh ta đã nghe lỏm được một bài thuốc đông y chữa chứng vô sinh. Thế là, từ một "con buôn" đích thực, bỗng chốc người này trở thành lương y. "Chính sự quản lý không rõ ràng, chậm ban hành hướng dẫn về cấp chứng chỉ hành nghề cho lương y là một phần nguyên nhân dẫn đến sự nhập nhèm giữa lương y và lang băm, nhập nhèm giữa bài thuốc tốt với bài thuốc "dởm" được thổi phồng. Trong điều kiện đó, những bài thuốc gia truyền, không được kiểm chứng về chất lượng nhưng được đồn thổi, quảng cáo không đúng sự thật lại có đất sống, thậm chí sống khỏe.

Về phía cơ quan quản lý, theo ông Nguyễn Việt Cường, nhiều thầy lang chữa bệnh nhưng không treo biển hiệu, không mở phòng khám, người dân đến bắt bệnh, bốc thuốc giống như người quen đến nhà thăm hỏi nhau. Do đó, muốn kiểm tra việc hành nghề của họ cũng rất khó. Hiện nay, cơ quan chức năng phân cấp trách nhiệm rõ ràng, cụ thể là 100% các phòng khám đông - tây y trên địa bàn sẽ do phòng y tế quận, huyện chịu trách nhiệm kiểm tra. Thanh tra Sở Y tế Hà Nội xây dựng kế hoạch kiểm tra theo chuyên đề, siết chặt việc quản lý.

Một hội viên Hội Đông Y TP Hà Nội cho rằng, việc các "ông lang" quảng cáo quá khả năng của mình là điều nguy hiểm đối với người dân. Chẳng hạn như người vừa phát hiện bị mắc ung thư đã vội tìm đến những cơ sở đông y "dởm" chỉ vì tin vào những quảng cáo "thổi phồng", điều đó có thể khiến họ mất đi "cơ hội vàng" điều trị ung thư khi bệnh còn ở giai đoạn sớm. Việc một số lương y hoặc những ông lang, bà mế hành nghề "chui" ngộ nhận rồi phóng đại khả năng là hành vi phi đạo đức, không xứng đáng là lương y và cần phải xử lý. Vấn đề đặt ra ở đây là cơ quan quản lý phải thể hiện rõ được vai trò trong việc kiểm tra, xử lý cũng như có biện pháp đưa nền đông y phát triển đúng hướng, góp phần tạo hiệu quả trong công tác khám chữa bệnh.

Thu Trang