Lớp học tình thương của cô giáo Huyền

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:32, 18/05/2015

(HNM) - Làm theo lời Bác

Cô Huyền tận tình chỉ dạy cho các học sinh trong lớp tình thương.



Đến nhà gọi trò đi học

Cô giáo Phạm Thị Huyền sinh ra và lớn ở Tuyên Quang, năm 1972, cô học tại Trường Trung cấp Sư phạm ở Tuyên Quang. Ra trường, cô về dạy học sinh cấp I (nay là bậc tiểu học) ở xã Lưỡng Vượng (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang), rồi chuyển về Trường cấp 1-2 Phan Thiết (thị xã Tuyên Quang). Năm 1998, vì điều kiện gia đình, cô chuyển về phường Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội. Cô Huyền kể: Ngày ấy, đất Hạ Đình còn hoang sơ lắm. Những con đường lởm chởm ổ gà, ổ voi, không sầm uất, vui tươi như bây giờ. Nhà tôi ở, trước kia quay mặt về hướng "xóm bụi". Trẻ em nghèo ở đây rất nhiều, cuộc sống tạm bợ. Có những đứa trẻ ở tỉnh lẻ theo cha mẹ ra Hà Nội kiếm sống, vật vờ trong những căn nhà cũ nát. Có những đứa sống cùng với ông bà trong cảnh thất học, đói kém vì bố mẹ rơi vào vòng lao lý...

Hình ảnh đám trẻ quanh quẩn bốc đất chơi đùa, nhặt rác kiếm sống giữa những ngày Hà Nội nắng như đổ lửa, đứa nào cũng đen nhẻm, gầy gò cứ đeo đẳng trong tâm trí. Biết bao đêm, cô Huyền mất ngủ vì chính tiếng thở dài của mình. "Tại sao mình có kiến thức sư phạm lại không dạy học, trong khi những đứa trẻ tội nghiệp này một chữ cũng không biết. Phải làm gì đó, kiếm cách nào đó để cuộc sống tương lai của chúng bớt khó khăn". Nghĩ và làm, năm 1998, cô Phạm Thị Huyền mở lớp học tình thương trong chính căn nhà nhỏ, chật chội của mình.

Cô bàn với chồng bán bộ ghế salon để đổi lấy 3 bộ bàn ghế nhỏ cho học sinh, rồi háo hức mua phấn, bảng, sách vở chuẩn bị mở lớp. Khi mọi thứ đã xong xuôi, việc khó nhất là kêu gọi được học sinh đến lớp. Cô tìm đến "xóm bụi", nơi những đứa trẻ vô gia cư, thất học đang sinh sống. Cô gõ cửa từng nhà, động viên từng em đến lớp - công việc tưởng chừng như chỉ những giáo viên vùng cao phải làm. "Lúc đầu người ta không tin tôi đâu, họ bảo làm gì có người nào dạy không mất tiền cho con em mình. Còn hàng xóm thấy tôi mở lớp, dạy học miễn phí cho bọn trẻ thì nghĩ tôi là gàn dở" - cô Huyền nhớ lại. Thế rồi 6 học sinh đầu tiên đã đến lớp học nhỏ bé của cô Huyền. Để có sách giáo khoa cho học sinh, cô giáo đến nhà các cháu khác trong phường để xin sách cũ. Về sau, gia đình cô Huyền chuyển về phường Thanh Xuân Nam sống. Cô cũng làm đơn chuyển lớp tình thương sang CLB G5 Thanh Xuân Nam.

Năm 1999, khi biết đến tấm lòng của cô Huyền, biết đến những hoàn cảnh mà cô đang cưu mang, Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em quận Thanh Xuân và UBND phường Hạ Đình đã hỗ trợ cho lớp học.

Cô giáo như mẹ hiền

Sau 17 năm miệt mài dạy học với tình yêu thương vô bờ bến, đã có hàng trăm em học sinh biết đọc, biết viết và trưởng thành từ "cái nôi" nho nhỏ của cô giáo Phạm Thị Huyền. Lớp học bây giờ lúc nào cũng ê a tiếng học sinh tập đọc, tập tính... Học sinh của cô, người lớn tuổi nhất 34, người bé nhất 14. Có những học sinh lành lặn, thông minh, nhưng cũng có không ít các em bị tự kỷ, trí tuệ chậm phát triển, cô Huyền giảng giải cả giờ đồng hồ vẫn không hiểu bài. Cô nhẹ nhàng bảo ban từng tí một. Bàn tay cô nắm lấy bàn tay nhỏ bé của học sinh, từng nét bút viết những dòng chữ nhỏ nhắn, gọn gàng.

Ngoài giờ học, cô giáo Huyền lặng lẽ tìm đến nhà của các học trò, tìm hiểu cặn kẽ hơn hoàn cảnh của các em. Có học sinh ở tận Phú Xuyên, có em ở Đội Cấn, Kim Giang... Cô Huyền nói: "Phải biết hoàn cảnh của từng trường hợp cụ thể để có phương pháp dạy hiệu quả, tránh làm tổn thương đến các em. Đó cũng là cách giúp tôi gần gũi với các em học sinh hơn". Cô Huyền không chỉ dạy văn hóa đơn thuần, mà còn dạy các em cách giao tiếp, ứng xử trong cuộc sống, kiến thức cơ bản trong phòng chống lạm dụng trẻ em, phòng tránh bị bóc lột sức lao động...

Dưới sự dìu dắt, chỉ bảo của cô Huyền, học sinh trong lớp đều yêu thương, quấn quýt nhau như một gia đình lớn. Trần Thị Lài (14 tuổi, Thanh Hóa) cho biết: "Bố em mất vì ung thư, em với mẹ phải ra Hà Nội bán hàng rong kiếm sống. Em đi học một buổi rồi về đi bán kẹo cao su. Các chị sinh viên tình nguyện tìm cho em lớp học của cô Huyền. Cô Huyền luôn coi các em như con. Cô không quát mắng nên đi học thoải mái lắm. Em rất muốn đến lớp vì được gặp các anh chị, có người chơi cùng em rất vui".

Cô Huyền mãi không quên kỷ niệm về một học sinh: Cách đây 5 - 6 năm, em ấy mang hoa đến tặng cô, hoa còn nguyên cả gốc lẫn rễ. Cô hỏi: Hoa con lấy ở đâu? Cô bé thật thà kể: Hôm nay là ngày 20-11, em muốn mua hoa tặng cô nhưng không có tiền, em thấy cây hoa này mọc ngoài bụi đẹp nên nhổ mang đến tặng cô! Cảm động trước tình cảm học sinh dành cho mình nhưng cô Huyền cũng nhẹ nhàng giải thích để học sinh hiểu rằng, không nên nhổ trộm hoa và với cô, sự tiến bộ của các con là món quà quý giá nhất. Lớp cô giáo Huyền không giống bất cứ lớp học nào ở Hà Nội. Mỗi học sinh một hoàn cảnh, một lứa tuổi khác nhau. Nhiều em, một buổi đến lớp, buổi khác phải đi làm kiếm sống. Có học sinh đến lớp lúc 7 giờ sáng, nhưng cũng có em 8 giờ, 9 giờ mới đến được lớp học. Hiện lớp học có 12 học sinh, nhưng mỗi học sinh một trình độ khác nhau, cô giáo Huyền phải điều chỉnh cách dạy cho phù hợp để các em tiếp thu dễ dàng hơn. Mùa hè, cô cho học sinh nghỉ một tháng. Hai tháng còn lại, cô giáo Huyền mở lớp vào thứ hai, tư, sáu vì "Phải dạy thường xuyên các em ấy mới khỏi quên, mất hết chữ, viết lại xấu", cô nói.

Anh Cung Xuân Thủy, phụ huynh một học sinh bị chứng tự kỷ, học tại lớp cô Huyền tâm sự: "Con gái tôi theo học cô 3 - 4 năm nay rồi. Nhờ có cô, con gái tôi có nơi để học hành, có bạn để làm thân. Gia đình tôi rất biết ơn cô và mong cô tiếp tục duy trì lớp học để các học sinh đặc biệt như con gái tôi có môi trường học tập". Và từ năm 2008 đến nay, lớp tình thương của cô được "biên chế" vào Trung tâm Giáo dục thường xuyên của quận.

Sau 17 năm "gieo chữ" cho trẻ em nghèo, nhiều học sinh của cô giáo Phạm Thị Huyền đã có đủ kiến thức để vào học các lớp cao hơn ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân và các trường phổ thông ở Hà Nội, có em bây giờ đã là đầu bếp, thành thợ pha chế lành nghề. Với các học trò, cô và lớp học tình thương do Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân nuôi dưỡng, chính là ngọn đèn soi sáng con đường các em bước đến tương lai.

Phạm Nga