Khai mạc Lễ hội Làng Sen năm 2015

Văn hóa - Ngày đăng : 07:26, 17/05/2015

(HNM) - Tối 16-5, tại Quảng trường Hồ Chí Minh (Nghệ An), Bộ VH-TT&DL phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ hội Làng Sen năm 2015. Tham dự có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.


Tham gia biểu diễn tại lễ hội có 33 đoàn nghệ thuật trong nước và 2 đoàn nghệ thuật nước ngoài. Lễ hội được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch thiết thực gắn với kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, các ngày lễ lớn của đất nước và chào mừng đại hội Đảng các cấp.

Phát biểu tại buổi khai mạc lễ hội, bà Đinh Thị Lệ Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, đồng Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Làng Sen cấp quốc gia khẳng định, được khởi nguồn từ liên hoan tiếng hát Làng Sen, Lễ hội Làng Sen đã được nâng cấp, nâng tầm thành lễ hội cấp tỉnh

Chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Lễ hội Làng Sen 2015. Ảnh: Đại Thắng



và có sự tham gia của các địa phương trong cả nước. Cứ 5 năm một lần, vào dịp Sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An lại xúc động và vui mừng được chào đón các vị đại biểu, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế về tham gia Lễ hội Làng Sen trên chính quê hương của Người.

Lễ hội Làng Sen đã trở thành sự kiện văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân. Lễ hội chính là sự biểu hiện tình cảm, lòng ngưỡng mộ, thành kính và biết ơn vô hạn của nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế đối với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó góp phần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Lễ hội Làng Sen năm 2015 cũng là dịp để Nghệ An quê hương Bác quảng bá, giới thiệu với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế về hình ảnh một Nghệ An năng động, thân thiện, luôn rộng mở những cơ hội hợp tác phát triển. Lễ hội Làng Sen năm nay diễn ra 3 lễ chính và 8 hoạt động phần hội, với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng trên các lĩnh vực, diễn ra ở nhiều địa điểm khác nhau, thu hút được sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo quần chúng nhân dân, thực sự trở thành ngày hội của quần chúng nhân dân.

Trong những ngày diễn ra lễ hội, các vị khách quốc tế, bạn bè trong nước và du khách sẽ có dịp tiếp xúc, tìm hiểu, để hiểu hơn về mảnh đất, con người xứ Nghệ, để thưởng thức dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; chắc chắn sẽ tạo nhiều cảm xúc, cùng những ấn tượng và ý nghĩa trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, để Làng Sen thực sự trở thành quê chung của tất cả mọi người, là mảnh đất kết nối muôn triệu trái tim người Việt hôm nay và mãi mãi mai sau.

*Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2015), nhiều tỉnh và thành phố trong cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người.

(HNM) - Ngày 16-5, Sở VH-TT&DL Hà Nội phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm chuyên đề "Những tấm gương bình dị mà cao quý" tại Bảo tàng Hà Nội (đường Phạm Hùng). Triển lãm giới thiệu hơn 200 hình ảnh, tài liệu qua hai phần trưng bày: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và "Những tấm gương bình dị mà cao quý". Người xem có dịp làm quen với 125 tấm gương điển hình tiên tiến (53 tập thể và 72 cá nhân) được lựa chọn từ hơn 400 tấm gương đã được Ban Tuyên giáo của 63 tỉnh, thành phố và 4 Đảng bộ trực thuộc Trung ương lựa chọn, tôn vinh trong năm 2014-2015.

Các đại biểu và người dân tham quan triển lãm tranh cổ động tại Nghệ An.
Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN



Cùng ngày, Sở VH-TT&DL Hà Nội tổ chức tọa đàm "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong toàn ngành. Tại đây, những tập thể, cá nhân tiêu biểu của ngành VH-TT&DL Thủ đô như ông Công Ngọc Dũng - người tự nguyện trông coi Di tích Hồ Chủ tịch tại Phú Thượng, Tây Hồ; diễn viên Tiến Hợi - người thường xuyên có những vai diễn ấn tượng về Bác Hồ; VĐV thành tích cao Đỗ Thị Ngân Thương… đã có trao đổi về việc làm cụ thể theo gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Chiều 16-5, Bảo tàng tỉnh Đắk Nông tổ chức triển lãm ảnh và hiện vật về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với chủ đề "Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam", triển lãm trưng bày 89 hình ảnh, tư liệu, thể hiện sinh động công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình tìm đường cứu nước và sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chiều cùng ngày, tại TP Vinh (Nghệ An), Bộ VH-TT&DL phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức triển lãm tranh cổ động tấm lớn về đề tài Bác Hồ. Triển lãm đã giới thiệu đến công chúng 125 bức tranh cổ động tấm lớn (2m x 3m) của 98 họa sĩ chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp trên toàn quốc được tuyển chọn từ cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước do Cục Văn hóa cơ sở tổ chức. Mỗi tác phẩm được trưng bày tại triển lãm đã thể hiện tấm lòng, cảm xúc chân thực, sâu sắc của nhân dân, của các nghệ sĩ về Bác Hồ; thể hiện sự tôn vinh những cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; tình cảm yêu mến kính trọng của nhân dân Việt Nam và thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khẳng định vị trí, tầm vóc vĩ đại, giá trị lịch sử to lớn của chiến thắng 30-4-1975, thống nhất đất nước trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước.

*Ngày 16-5, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức triển lãm chuyên đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với di sản văn hóa”. Triển lãm trưng bày hơn 300 tư liệu, hình ảnh, hiện vật, với hai nội dung chính: "Chủ tịch Hồ Chí Minh với di sản văn hóa" và "Di sản văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển". Những tư liệu, hình ảnh giới thiệu tại triển lãm đã thể hiện sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến các di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa của dân tộc nói riêng, từ việc gìn giữ, bảo tồn đến phát huy giá trị, cách ứng xử với di sản và hoạt động thực tiễn của Người đã để lại nhiều bài học quý giá cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản ngày nay. Đáng chú ý, nhiều tư liệu, hiện vật quý thu hút đông đảo người xem như bộ nón bài thơ có hình ảnh các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; tem, tiền có hình ảnh các di sản của Việt Nam; nhạc cụ truyền thống của đồng bào các dân tộc miền tây Thừa Thiên Huế...

*Ngày 16-5, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh; Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Cơ quan đại diện Tạp chí Văn thư lưu trữ Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh; Bộ môn Lịch sử Việt Nam và Bộ môn Lưu trữ học và Quản trị hành chính văn phòng, Trường Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề "Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước". Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã trình bày tham luận theo ba chủ đề gồm: "Thống nhất nước nhà là con đường sống của nhân dân ta", "Bác Hồ với miền Nam - miền Nam với Bác Hồ", "Như có Bác Hồ trong ngày vui thống nhất". Nhiều tham luận thu hút sự quan tâm của các đại biểu, đặc biệt là các bạn sinh viên tham gia hội thảo.

TTXVN - An Nhi