Hồng Dương làm theo lời Bác
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:01, 17/05/2015
Vinh dự đón Bác về thăm
Khi tôi ngỏ lời muốn về Hồng Dương thăm lại di tích Đình Sàn, nơi Bác Hồ có buổi nói chuyện và chúc Tết cán bộ, nhân dân xã Hồng Dương năm 1967, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Oai hồ hởi nói: Năm nay, đúng dịp kỷ niệm 125 ngày sinh nhật Bác, Đảng bộ xã Hồng Dương sẽ tiến hành Đại hội đại biểu Đảng bộ xã lần thứ XXV (nhiệm kỳ 2015-2020). Không chỉ có nhiệm kỳ vừa rồi, mà trong nhiều năm qua, Ðảng bộ xã luôn được công nhận là tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, chính quyền và các đoàn thể xuất sắc. Hồng Dương cũng đã được thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM)…
Ông Nguyễn Khắc Quang giới thiệu di tích lịch sử Đình Sàn - nơi Bác Hồ về thăm. |
Theo chân Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Dương Nguyễn Duy Hùng bước qua cổng làng Tảo Dương, đi trên con đường bê tông phẳng lỳ chúng tôi tới di tích lịch sử Đình Sàn, nơi Bác Hồ về thăm và chúc Tết nhân dân, xã viên HTX Tảo Dương sáng mùng Hai Tết Đinh Mùi (10-2-1967). Tại đây, chúng tôi đã được nghe ông Nguyễn Khắc Quang - người trực tiếp dự buổi gặp mặt năm đó kể lại nhiều câu chuyện xúc động. Dù đã ở tuổi 77, nhưng từng chi tiết về lần được gặp Bác vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của ông. Năm đó, được tin Bác Hồ về thăm, chỉ trong chốc lát, từ cụ già đến các em nhỏ đã tập trung đông đủ để chúc thọ Bác và nghe Người nói chuyện: "Bác giới thiệu với các cô, các chú: Đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn và đồng chí Tố Hữu cùng đi với Bác. Năm mới, Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ chúc các cô, các chú mạnh khỏe, tiến bộ. Vì sao Bác đến HTX này? Vì Ban Nông nghiệp Trung ương và Tỉnh ủy Hà Tây lấy đây làm chỗ chỉ đạo riêng. Cái gì không tốt thì làm cho tốt, cái gì đã tốt thì làm cho tốt thêm…".
Theo ông Quang, lớp lớp cán bộ, đảng viên xã Hồng Dương hôm nay vẫn luôn ghi nhớ câu nói mà Bác nhắc nhở cán bộ tỉnh, huyện và xã: "Mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng mình vào Đảng để làm đày tớ cho nhân dân chứ không phải làm "quan" nhân dân. Lãnh đạo là làm đày tớ cho nhân dân và phải làm cho tốt. Các cô, các chú hiểu chưa?".
Quả thật, có về Hồng Dương những ngày này mới thấy rõ không khí vui tươi, hăng say sản xuất của bà con hướng tới kỷ niệm 125 năm ngày sinh nhật Bác. Chạy dài theo trục đường bê tông chính của xã là màu đỏ của cờ, của khẩu hiệu; đường từ xã vào đến tận từng thôn, xóm đã được bê tông hóa, đâu đâu cũng phong quang, sạch đẹp… như một minh chứng sống động cho những nỗ lực giữ gìn truyền thống quê hương vinh dự đón Bác về thăm để vươn lên xây dựng cuộc sống ngày một đủ đầy, hạnh phúc.
Thiết thực làm theo lời Người
Nhớ lời Bác dạy năm xưa, Đảng bộ và nhân dân xã Hồng Dương xác định: Suy nghĩ, hành động theo lời Bác dạy là nghĩa vụ, trách nhiệm của mình, đồng thời là cách cụ thể nhất để xứng đáng với sự quan tâm của Bác. Đảng bộ đã trăn trở, tìm hướng phát triển kinh tế - xã hội địa phương trên cơ sở khai thác tiềm năng lao động, đất đai, vị trí địa lý để chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, mở mang ngành nghề, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân.
Thực hiện mục tiêu đó, từ sau khi thống nhất đất nước, Đảng bộ xã đã tập trung đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật, từng bước chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đưa năng suất, sản lượng trồng trọt, chăn nuôi tăng lên. Trong điều kiện sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, đồng đất Hồng Dương không được bằng phẳng, có nhiều vùng đất trũng, manh mún nên nhiều diện tích ở đây chớm mưa đã úng, chớm nắng đã hạn. Do đó, trong các biện pháp kỹ thuật, vấn đề thủy lợi được quan tâm hàng đầu. Những nghị quyết, kế hoạch của Đảng bộ xã đã thể hiện quyết tâm thực hiện bằng được huấn thị của Bác. Lời Bác chỉ đạo năm xưa là xây dựng cánh đồng 5 tấn tại Tảo Dương, nay năng suất lúa bình quân ở mọi cánh đồng trên địa bàn xã đều đã đạt 11-12 tấn/ha. Nhưng nếu chỉ độc canh cây lúa thì đời sống của người dân khó được nâng cao, không bắt nhịp được với sự phát triển ngày càng đi lên của nền kinh tế thị trường. Vì vậy, bắt đầu từ năm 2000, Đảng ủy, UBND xã đã xác định hướng phát triển kinh tế địa phương trong giai đoạn mới là chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa; đồng thời tích cực phát triển nghề phụ, động viên nhân dân sản xuất các mặt hàng thủ công. Để thực hiện được chủ trương đó, năm 2006, toàn xã tiến hành dồn điền đổi thửa, đến cuối năm 2013 đã thực hiện xong. Từ chỗ 10 đến 12 ô thửa/hộ, nay bình quân mỗi hộ trong xã chỉ còn 1-2 ô thửa; thực hiện chuyển đổi 102ha đất cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình chăn nuôi lúa, cá, vịt cho 47 hộ, đến nay đã cho thu nhập hơn 150 triệu đồng/ha/năm.
Thực hiện lời Bác dạy năm xưa: "Nếu đảng viên và đoàn viên nào cũng làm tròn nhiệm vụ của mình thì HTX sẽ tiến bộ rất nhanh", đảng viên, đoàn viên ở Hồng Dương gương mẫu, xung phong đi đầu trong công tác dồn đổi ruộng, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang mô hình canh tác mới, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Đảng viên trẻ Đỗ Xuân Danh cho biết: Khi xã thực hiện chủ trương chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang thực hiện các mô hình sản xuất mới, tôi đã xung phong nhận chuyển đổi, chấp nhận thử thách và những khó khăn do thiếu vốn, thiếu kiến thức, lấy sức trẻ bù lại để gây dựng mô hình lúa, cá, vịt và hiện đã cho thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng.
Cùng với đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, Hồng Dương hôm nay còn là địa phương có nghề phụ phát triển khá mạnh. Với nghề chẻ tăm hương, mây tre giang đan phát triển đồng đều ở 6/7 làng, thu hút hơn 80% lao động tham gia sản xuất và làng Hoàng Trung chuyên chế biến giò chả, đến nay cả 7 làng của xã đều được công nhận là làng nghề, trở thành xã nằm trong nhóm các xã dẫn đầu của huyện Thanh Oai về thu nhập từ làm nghề - bình quân đạt 32 triệu đồng/người/năm. Không chỉ khởi sắc về kinh tế, Hồng Dương hôm nay còn là điểm sáng trong phong trào giữ gìn an ninh trật tự... Là một vùng quê văn hóa với 7/7 làng, 4 cơ quan, đơn vị được công nhận đạt danh hiệu văn hóa, trong đó các làng Hoàng Trung, Ba Dư, Tảo Dương, Phương Nhị đã được công nhận đạt chuẩn làng văn hóa lần hai. Chỉ trong ba năm (2010-2013) được huyện chọn là đơn vị làm điểm xây dựng NTM để nhân ra diện rộng, xã Hồng Dương đã đạt cả 19/19 tiêu chí.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Bí thư Đảng ủy xã, trong 19 tiêu chí NTM, xã Hồng Dương đạt được, đặc biệt phải kể đến tiêu chí y tế. Trạm y tế xã được thành lập từ năm 1958, hiện nay không những đã đạt chuẩn quốc gia mà còn được chọn là trạm y tế cấp xã hàng đầu của miền Bắc.
Trạm đã từng đón các đoàn của Tổ chức Y thế giới về thăm và khảo sát mô hình; "Rất nhiều người lần đầu về xã Hồng Dương đã ngỡ ngàng, không lý giải được vì sao trạm y tế xã lại có đông người xếp hàng khám, chữa bệnh đến vậy. Không chỉ có bà con địa phương, mà ngay cả các xã lân cận cũng tìm về đây tin tưởng khám, chữa bệnh mà không tìm cách vượt tuyến nếu bệnh không quá nghiêm trọng. Sắp tới, trạm sẽ có thêm một bác sĩ là người trong xã, như vậy sẽ có tổng cộng ba bác sĩ - điều này thật hiếm bởi ở nhiều địa phương khác, bác sĩ về xã thường không trụ được lâu…" - ông Nguyễn Văn Thanh cho biết thêm. Ngoài ra, mỗi thôn ở Hồng Dương đều có một y tá làm công tác y tế dự phòng. Bởi vậy, thật dễ hiểu khi các xã khác chưa hoàn thiện được trạm y tế thì ở Hồng Dương đã xây dựng được công tác y tế dự phòng và hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Với truyền thống như vậy, Trạm Y tế xã Hồng Dương đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Bằng những việc làm thiết thực, xã Hồng Dương không chỉ thực hiện tốt việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" mà còn là địa phương có cách làm sáng tạo, cụ thể, thiết thực, gần với cuộc sống lao động, sản xuất của nhân dân địa phương để dễ dàng tạo ra những bước chuyển biến mạnh mẽ, đồng thuận trong nhận thức, hành động của mọi cán bộ, đảng viên trong thực hiện các mục tiêu của Đảng bộ, chính quyền đề ra.