Bài 3: Tăng cường lãnh đạo, tích cực kiểm tra

Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 06:42, 17/05/2015

(HNM) - Hơn 4 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị là quá trình chuyển biến đáng kể từ nhận thức tới hành động của các tập thể và cá nhân cán bộ, đảng viên, nhân dân Hà Nội. Nhưng bên cạnh những kết quả quan trọng thì vẫn còn những tồn tại đang đặt ra đòi hỏi cấp ủy đảng, chính quyền,

1. Sự xuất hiện của Chỉ thị 03 đánh dấu việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được chuyển từ cuộc vận động sang việc làm thường xuyên. Cũng có ý kiến lo ngại, điều này dễ nảy sinh sự lơ là trong quá trình thực hiện. Thực tế, năm 2013, nghĩa là sau khoảng 2 năm thực hiện Chỉ thị 03, các đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội làm việc với 25 cấp ủy trực thuộc đã từng rút ra kết luận: "Một số cấp ủy ở 25 đơn vị được kiểm tra còn nhận thức chưa đầy đủ, thụ động trông chờ vào cấp trên; chưa thực sự coi việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên, tự giác của mỗi tổ chức đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên". Đây có thể coi là hạn chế có tính cố hữu, là vấn đề thường xuyên phải quan tâm trong quá trình theo dõi, nhận xét, đánh giá về việc thực hiện Chỉ thị 03 của các cấp ủy cơ sở.

Hai năm sau cuộc kiểm tra nói trên, kết quả đánh giá mới nhất của Bộ phận giúp việc của Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục khẳng định, một số cấp ủy vẫn chưa coi việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên, tự giác của mỗi tổ chức đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên. Yêu cầu đặt ra là hằng năm các chi bộ phải tổ chức sinh hoạt để trao đổi, thảo luận về chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác tương ứng với chủ đề năm đó. Nhưng theo phản ánh của một số cán bộ cơ sở, số chi bộ thực hiện việc này không nhiều, thậm chí có những chi bộ sau 4 năm thực hiện Chỉ thị mới sinh hoạt được một lần. Tổ chức đảng ở khu vực doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp được đánh giá là nơi còn nhiều hạn chế trong việc thực hiện Chỉ thị 03. Ngay cả ở một số địa phương có tiếng là thực hiện tốt Chỉ thị 03 cũng xảy ra hiện tượng chỉ tổ chức trao đổi, thảo luận ở một số nơi có tính chất làm điểm, còn việc thực hiện ở các chi bộ cũng được kiểm soát.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi ban hành Chỉ thị 03, Bộ Chính trị đã tính, không có cuộc vận động, nhưng vẫn phải bảo đảm làm tốt. Dù không lập ban chỉ đạo, nhưng Bộ Chính trị vẫn có cơ quan thường trực giúp cho Ban Bí thư chỉ đạo; ở các địa phương, bộ, ngành cũng thế. Ở Trung ương là Ban Tuyên giáo Trung ương; thành lập Bộ phận giúp việc để giúp cho Ban Bí thư. Thực hiện Chỉ thị 03, các cấp ủy từ thành phố xuống cơ sở đã thành lập các bộ phận giúp việc. Tuy nhiên, Bộ phận giúp việc của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội từng có lúc khó khăn ngay ở khâu tập hợp các thành viên. Nhiều người cứ nghĩ cần phải làm những việc to tát, nhưng yêu cầu chỉ cần, các thành viên với vai trò là lãnh đạo chủ chốt các sở, ban, ngành, đoàn thể cần chỉ đạo triển khai thực hiện thật tốt Chỉ thị 03 trong phạm vi mình lãnh đạo, quản lý. Hoạt động Bộ phận giúp việc cấp thành phố còn khó khăn, hoạt động của bộ phận này ở quận, huyện, thị càng khó khăn hơn. Đến nay, dẫu có những tiến bộ nhất định, nhưng tình trạng mỗi khi họp có đông đủ được các thành viên cũng đã là một vấn đề không dễ giải quyết.

2. Sau hơn 4 năm thực hiện Chỉ thị 03 tại Hà Nội, một bài học dễ nhận ra là sau đợt kiểm tra của 16 đoàn do Thành ủy thành lập, kiểm tra tại 25 đơn vị, tình hình thực hiện Chỉ thị 03 xét về mặt bằng chung có sự chuyển biến đáng kể cả về nhận thức và hành động. Những đơn vị từng được lưu ý vì chưa thực sự tập trung hướng dẫn, chỉ đạo xây dựng các tiêu chí làm theo như Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội, thị xã Sơn Tây, huyện Quốc Oai, Mỹ Đức, Sóc Sơn, quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Đống Đa… hầu hết đã khắc phục được hạn chế này. Bộ phận giúp việc của Ban Thường vụ Thành ủy khẳng định, đến nay 100% các cơ quan, đơn vị đã hoàn thành việc xây dựng các chuẩn mực đạo đức về học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.

Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: "Bên cạnh sự tự giác thực hiện nhiệm vụ của các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, các cấp ủy đảng phải tăng cường công tác kiểm tra", "không phải ngày nào cũng kiểm tra nhưng thường thường kiểm tra để giúp họ rút kinh nghiệm sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm". Ngay sau khi Ban Kiểm tra Trung ương được thành lập vào tháng 10-1948, Bác đã viết trên báo Sự thật: "Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra", "nếu tổ chức sự kiểm tra được chu đáo, thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười gấp trăm".

Thực hiện lời dạy của Bác, Thiếu tướng Lưu Quang Hợi, Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, kết hợp việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác với phương châm đề cao việc kiểm tra "đi báo việc, về báo công" và "đầu tuần giao việc, cuối tuần kiểm tra", đơn vị này đã giảm được 42,5% số vụ cán bộ, chiến sĩ vi phạm kỷ luật, sai phạm so với trước; không có cán bộ, chiến sĩ sai phạm nghiêm trọng… Công tác kiểm tra quan trọng là thế, nhưng cho đến nay, có những cấp ủy vẫn "khoán trắng" cho Ban Tuyên giáo thực hiện nên sự tác động đối với đối tượng kiểm tra không đạt yêu cầu.

Những tồn tại đặt ra trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 03 là những bài học quan trọng đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng. Ngoài ra, vẫn còn những bài học giàu ý nghĩa khác cần được quan tâm như tình trạng lúng túng trong việc tuyên truyền điển hình tiên tiến. Nhiều tấm gương rất tiêu biểu, có cả những nhân tố mới, nhưng vẫn chưa được khai thác, tận dụng. Các địa phương, đơn vị thường tổ chức một hai buổi lễ trao tặng bằng khen là xong. Rất hiếm có nơi nào quan tâm, chủ động bồi dưỡng, xây dựng điển hình tiên tiến hay những nhân tố mới… Đó là những điều cần được khắc phục để tiếp tục đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ngày càng ăn sâu, bén rễ trong đời sống cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô.

Quốc Bình