Thay đổi lớn trong chính sách an ninh của Nhật Bản

Thế giới - Ngày đăng : 07:07, 16/05/2015

(HNM) - Sau nhiều nỗ lực

Nhật Bản muốn mở rộng quy mô hoạt động ở nước ngoài của SDF.



Theo kế hoạch, liên minh cầm quyền của Thủ tướng S.Abe sẽ trình Hạ viện thẩm định dự luật an ninh sửa đổi trên trong thời gian sớm nhất để sau đó đưa ra Quốc hội bỏ phiếu thông qua ngay trong kỳ họp bắt đầu từ tháng 6 tới. Không nằm ngoài mục tiêu tăng cường bảo đảm an ninh của Nhật Bản trước thách thức khu vực, dự luật sửa đổi gồm Luật Hỗ trợ hòa bình quốc tế và Luật sửa đổi An ninh, hòa bình, cho phép Nhật Bản điều một số lượng binh sĩ ở mức tối thiểu đến hỗ trợ các nước đồng minh trong trường hợp các nước này bị tấn công. Ngoài ra, quân đội Nhật Bản có thể cung cấp hậu cần cho quân đội nước ngoài theo đúng Hiến chương của Liên hợp quốc. Dự luật mới cũng sẽ dỡ bỏ giới hạn về địa lý cho các hoạt động hỗ trợ của Nhật Bản đối với Mỹ và các nước khác. Trước đây, nước này chỉ có thể thực hiện tại các khu vực lân cận.

Trong bối cảnh liên minh cầm quyền của Thủ tướng S.Abe đang kiểm soát đa số ghế tại cả hai viện của Quốc hội, việc nhận được sự ủng hộ của các nghị sĩ đối với các điều luật trên không khó. Thế nhưng điều đó không có nghĩa văn bản này không gặp bất cứ trở ngại nào. Cùng với sự phản đối quyết liệt của các đảng đối lập, các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy cử tri Nhật Bản đang có sự chia rẽ về vấn đề này. Thậm chí, cả những người ủng hộ Thủ tướng S.Abe cũng cho rằng dự luật vượt quá giới hạn của Điều 9 trong Hiến pháp Nhật Bản - với nội dung quan trọng là "người Nhật Bản sẽ mãi mãi từ bỏ chiến tranh như một quyền tối cao của quốc gia và từ bỏ việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực làm phương tiện để giải quyết các tranh chấp quốc tế". Có thể nói, những quy định tại Điều 9 của Hiến pháp đã góp phần làm cho Nhật Bản trở thành một cường quốc kinh tế do không phải đầu tư cho phát triển quân sự và mang lại hòa bình cho nước này trong một thời gian dài. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, những thách thức an ninh khu vực cũng như trên thế giới ngày một lớn khiến Nhật Bản phải thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế.

Sự kiện nội các Nhật Bản thông qua dự luật an ninh sửa đổi diễn ra vào thời điểm cách đây chưa đầy một năm, chính phủ đương nhiệm cũng đã thông qua một nghị quyết nhằm diễn giải lại Hiến pháp vì hòa bình, trong đó có việc dỡ bỏ lệnh cấm Nhật Bản thực thi quyền phòng vệ tập thể để hỗ trợ một nước đồng minh khi bị tấn công. Những thay đổi trong dự luật một lần nữa thể hiện rõ chính sách quốc phòng mới mà Nhật Bản vừa đạt được với Mỹ ngay trước thềm chuyến công du Washington của Thủ tướng S.Abe tháng 4 vừa qua. Theo đó, Mỹ sẽ ủng hộ mạnh mẽ Nhật Bản đóng vai trò lớn hơn nữa trong việc củng cố liên minh Mỹ-Nhật đối phó với các thách thức hiện nay, trong đó có căng thẳng trên Biển Đông cũng như biển Hoa Đông.

Với quyết tâm của Thủ tướng S.Abe, dự luật an ninh sửa đổi có thể sẽ được thông qua trong thời gian sớm nhất. Song việc quyết định thời gian áp dụng có thể còn phụ thuộc vào khả năng thuyết phục người dân của chính phủ. Tuy vậy, sớm hay muộn thì vai trò của quân đội Nhật Bản cũng sẽ có những thay đổi mạnh mẽ nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay. Câu hỏi được dư luận quan tâm hiện nay là khi quân đội Nhật Bản không chỉ còn mang tính phòng vệ như trước sẽ tác động đến chính sách quốc phòng, an ninh của các quốc gia liên quan như thế nào? Thực tế, việc Nhật Bản quyết định gia tăng khả năng phòng vệ tập thể sẽ tạo ra những tác động đối với việc đối phó những mối đe dọa an ninh tại khu vực.

Đình Hiệp