Tăng cường kiểm soát, bảo đảm tính minh bạch nợ công
Kinh tế - Ngày đăng : 06:47, 15/05/2015
Ước tính, mỗi người dân nước ta đang "gánh" khoản nợ 982,07 USD.
Song, tại cuộc họp báo về quản lý nợ công diễn ra chiều 14-5, Bộ Tài chính khẳng định, công tác quản lý nợ công của nước ta có nhiều chuyển biến, đang tiếp cận gần hơn với thông lệ quốc tế. Các khoản nợ công được thanh toán đầy đủ, đúng hạn và bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Tuy nhiên, trước thực tế nợ công có xu hướng tăng nhanh, cơ cấu nợ chưa bền vững, việc đẩy mạnh kiểm soát và tăng cường quản lý tính minh bạch của nợ công là đòi hỏi bức thiết hiện nay.
Hơn 90% số vốn vay được sử dụng cho các dự án phát triển hạ tầng. Ảnh: Linh Ngọc |
Vay 627,8 nghìn tỷ đồng phục vụ đầu tư phát triển
Báo cáo của Bộ Tài chính công bố chiều 14-5 cho thấy, trong năm 2014, khối lượng vốn vay nợ công cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội là 627,8 nghìn tỷ đồng. Trên 98% số vốn vay được sử dụng cho các dự án phát triển hạ tầng. Cùng với việc quản lý sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng kế hoạch và bố trí trả nợ đầy đủ, đúng hạn, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2013 là 15,2%; năm 2014 là 13,8% và năm 2015 dự kiến khoảng 16,1% (theo quy định là không quá 25%). Bộ Tài chính cũng đã chủ động trong việc thực hiện cơ cấu lại nợ công.
Trên thực tế, năm 2014, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính chủ động kéo dài kỳ hạn phát hành trái phiếu nhằm giảm áp lực trả nợ ngắn hạn và giảm dần đảo nợ. Trong đó, đã giảm mạnh và tiến tới ngừng phát hành tín phiếu và trái phiếu kỳ hạn ngắn, tập trung chủ yếu vào trái phiếu có kỳ hạn dài từ 5 năm đến 15 năm, bước đầu cơ cấu lại danh mục trái phiếu chính phủ. Nhờ vậy, năm 2014, trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm đã tăng từ 14% (năm 2013) lên 27% (năm 2014), kỳ hạn 10 năm tăng từ 4% lên 13%, kỳ hạn 15 năm tăng từ 2% lên 6%. Việc công khai về nợ công đã đi vào nền nếp, tạo kênh thông tin quan trọng phục vụ cho việc phân tích, đánh giá, nghiên cứu về vấn đề nợ công.
Song theo đồng hồ nợ công toàn cầu The Economist, nợ công Việt Nam đang ở mức 89,29 tỷ USD. Một năm trước đây, con số này là 81,18 tỷ USD. Theo dự báo của The Economist, nợ công Việt Nam sẽ là 97,35 tỷ USD vào năm tới, tương đương với việc mỗi người dân sẽ "gánh" nợ 1.065 USD. Tại diễn đàn kinh tế mùa xuân vừa diễn ra cuối tháng 4-2015, nhiều chuyên gia kinh tế đã nêu những cảnh báo về mức độ an toàn nợ công. PGS.TS Trần Đình Thiên và các chuyên gia thuộc Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cách tính, hiệu quả quản lý và sử dụng nợ công của nước ta trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều yếu kém như hiện nay đang đặt ra thách thức lớn với các nhà quản lý. Bởi vấn đề không nằm ở con số nợ công là bao nhiêu, mà là ở xu hướng tăng trưởng của nợ công và khả năng trả nợ. Thêm vào đó, cách tính nợ công của Việt Nam và quốc tế có sự vênh nhau. Tại Việt Nam, nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nợ của một số chính quyền địa phương, hoặc tổ chức thuộc Nhà nước không tính vào nợ quốc gia, trong khi đó khoản nợ của DNNN rất lớn và nếu tính cả khoản nợ này vào nợ quốc gia thì nợ công sẽ không an toàn như các báo cáo đã công bố.
Tăng tính minh bạch của các khoản vay nợ
Tại cuộc họp báo chiều 14-5, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết, cơ cấu nợ công của nước ta chưa thực sự bền vững là do việc sử dụng các khoản vay ngắn hạn cho đầu tư dài hạn làm phát sinh rủi ro tái cấp vốn và tạo ra áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn. Một số dự án đầu tư sử dụng vốn vay kém hiệu quả, không trả được nợ, phải tái cơ cấu tài chính hoặc chuyển sang cơ chế Nhà nước đầu tư vốn, làm tăng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ. Thêm vào đó, tình trạng sử dụng vốn vay còn dàn trải, nhiều dự án chậm tiến độ, có dự án hoàn thành nhưng không đạt được mục tiêu đề ra... đã gây áp lực gia tăng nợ công.
Theo ông Trương Hùng Long, nhiều quốc gia trên thế giới hiện cũng không tính khoản nợ của các DNNN vào nợ quốc gia và điều này cũng được quốc tế chấp nhận. Thêm vào đó, chúng ta đã, đang thực hiện kinh tế thị trường, bảo đảm sự công bằng giữa các thành phần kinh tế. Các DNNN đã thực hiện giao vốn và tự chịu trách nhiệm. Như vậy, tính nợ của khối DNNN vào nợ quốc gia là không công bằng.
Liên quan tới việc nợ công có xu hướng tăng nhanh, tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2013 là 15,2%, dự kiến năm 2015 tăng lên khoảng 16,1%, ông Trương Hùng Long cho biết, nợ công đang tiến tới sát ngưỡng được Quốc hội cho phép, bởi nhu cầu vốn cho nền kinh tế đang rất lớn. Thêm vào đó việc trả nợ công lại mang tính thời điểm, đến kỳ là phải thanh toán, nên có thể đến thời điểm nào đó sẽ tăng nhanh do đến hạn trả nợ. Tuy nhiên, tỷ lệ trả nợ công trên tổng thu ngân sách vẫn bảo đảm quy định là không quá 25%. Vì thế, thời gian tới sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc tăng cường kiểm soát, quản lý nhằm bảo đảm tính minh bạch của các khoản vay nợ. Khi công tác quản lý nợ được thực hiện hiệu quả, những rủi ro từ nợ công sẽ được kiểm soát, góp phần giữ vững an ninh tài chính quốc gia.