Hà Nội chủ động ứng phó mưa bão

Xã hội - Ngày đăng : 06:40, 15/05/2015

(HNM) - Năm 2015 được dự báo có nhiều hình thái thời tiết cực đoan có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và cuộc sống của nhân dân Thủ đô.


Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Đồng bằng Bắc Bộ, mùa mưa bão 2015, khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Thủ đô Hà Nội sẽ phải hứng chịu 1-2 cơn bão kèm theo mưa vừa đến mưa to. Thời gian ảnh hưởng của bão tập trung vào các tháng 7, 8 và 9. Tuy rằng số lượng cơn bão ít hơn trung bình nhiều năm nhưng những năm gần đây, hoạt động của bão, lũ không theo quy luật mà diễn biến rất phức tạp và gây hậu quả rất lớn. Để chủ động, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống của thời tiết trong mùa mưa bão, ngay từ tháng 4-2015, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai thành phố đã thành lập các đoàn đi kiểm tra, đánh giá hiện trạng hệ thống đê điều, hồ đập, công trình phòng chống lụt bão (PCLB); đẩy nhanh tiến độ tu bổ các công trình PCLB theo kế hoạch; kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng, thay thế máy móc thiết bị các trạm bơm tiêu thoát úng; lắp đặt bổ sung các trạm bơm dã chiến ở các điểm xung yếu, vùng úng ngập nặng để sẵn sàng ứng phó. Đồng thời, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai đã yêu cầu các công ty thủy lợi, công ty thoát nước chuẩn bị đầy đủ phương tiện, nhân lực nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy phục vụ tiêu thoát nước nhanh và sẵn sàng chống úng ngập khi mưa lớn xảy ra.

Diễn tập sơ tán nhân dân trong tình huống xảy ra lũ lớn.


Đối với khu vực ngoại thành, Ban chỉ huy yêu cầu các huyện phải hoàn thành xây dựng phương án PCLB trong tháng 5-2015, trong đó tập trung xây dựng nhiều phương án ứng phó. Cụ thể tại huyện Phúc Thọ đã xây dựng các phương án đối phó tình huống phân lũ Sông Hồng vào Sông Đáy và cứu trợ khẩn cấp khi thiên tai xảy ra; phương án tiêu úng phục hồi sản xuất; phương án kỹ thuật bảo vệ các đoạn đê xung yếu...

Ông Phùng Anh Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ cho biết, để triển khai hiệu quả các phương án này, huyện Phúc Thọ đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho lực lượng tham gia PCLB từng xã, thị trấn. Trên các tuyến đê trọng điểm như hữu Hồng, Vân Cốc, tả Tích, bố trí lực lượng tuần tra canh gác từ ngày 1-6 đến 31-10; tuyến đê Ngọc Tảo, hữu Đáy canh gác từ ngày 1-7 đến 30-9. Ngoài ra, huyện thành lập tổ xung kích tập trung 300 người và lực lượng xung kích tại chỗ (tại các xã, thị trấn) khoảng 7.000 người; các xã ven sông thành lập thêm đội cứu hộ cứu nạn... sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống thiên tai xảy ra trong mùa mưa bão. Còn huyện Sóc Sơn, hằng năm, Ban chỉ huy Quân sự huyện ký hợp đồng với các xã có đê sẵn sàng ứng cứu, hộ đê khi mưa bão đến. Về vật tư PCLB, hằng năm, Sóc Sơn dự phòng 500 cây tre, 100m3 cát, 43.000m3 đất, gần 6.000 bao tải các loại... Ngoài ra, huyện còn ký hợp đồng với các doanh nghiệp cung cấp nhu yếu phẩm hỗ trợ nhân dân khi thiên tai xảy ra; dành một phần kinh phí sửa chữa, bảo dưỡng và xử lý cấp bách một số công trình đê điều, thủy lợi...

Để đối phó với thời tiết bất thường trong năm 2015, Sở NN& PTNT đã kiểm tra, rà soát được 45 điểm sạt lở đê điều và các công trình thủy lợi, trong đó đã đề nghị thành phố cho xử lý cấp bách 26 điểm, còn 19 điểm đang tiếp tục theo dõi, xây dựng các biện pháp bảo vệ an toàn trong mùa mưa bão. Trong năm nay, Sở NN&PTNT đã hoàn thành phương án chống úng và bảo đảm an toàn hồ đập; lập phương án phòng hộ đê, bảo vệ các trọng điểm cấp thành phố và hộ đê toàn tuyến. Ở những điểm xung yếu, các điểm sạt lở chưa được tu sửa, phối hợp với các huyện có phương án bảo vệ, thường xuyên ứng trực, bố trí vật tư, nhân lực sẵn sàng khắc phục khi sự cố xảy ra. Cùng với đó, hướng dẫn các địa phương, đơn vị tập huấn, diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Ngoài ra, hiệp đồng với 55 đơn vị quân đội với 10.000 người và 200 phương tiên các loại tham gia hỗ trợ ứng phó với mưa bão.

Để chủ động ứng phó với mưa bão, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT, Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai thành phố, các đơn vị, ban, ngành, địa phương cần tăng cường kiểm tra, bám sát địa bàn, chủ động xử lý các tình huống do mưa bão gây ra. Đồng thời các địa phương thực hiện có hiệu quả phương châm "bốn tại chỗ"; tăng cường thông tin cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh thiên tai đến cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, phải coi công tác PCLB là vấn đề được ưu tiên hàng đầu và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tuyệt đối không được chủ quan, xem nhẹ; trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác PCLB phải linh hoạt và quyết liệt ngay từ đầu để chủ động đối phó với mọi tình huống, sẵn sàng mọi phương án ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Hoàng Văn