Số ca bị sốt xuất huyết gia tăng

Sức khỏe - Ngày đăng : 09:04, 14/05/2015

(HNMO) – Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay số ca bệnh sốt xuất huyết ở Việt Nam đang gia tăng. TP HCM đã ghi nhận 3.855 trường hợp mắc sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị.


Trong khi đó, thời tiết khu vực Nam Bộ đang ở giai đoạn cuối mùa khô, dự kiến khi bước vào mùa mưa bệnh có khả năng diễn biến phức tạp, có thể dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch.

Báo cáo đầu tháng 5 năm nay của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho thấy, thành phố đã ghi nhận 3.855 trường hợp mắc sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị. Số mắc tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Tại một số địa phương khác như Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Cần Thơ, Cà Mau, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Khánh Hòa số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng. Đại diện các cơ sở y tế cho biết, sự biến động về dân cư, môi trường và ý thức của người dân là nguyên nhân quan trọng làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh.


Chu trình phát triển của muỗi


Vì vậy, Cục Y tế dự phòng đưa ra khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết.

Đó là:

-Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước có thể chứa loăng quăng, bọ gậy như: bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, thùng phuy, bể nước nhà vệ sinh, thùng, xô, chậu, các dụng cụ khác như lon, chai, lọ,…để muỗi không vào đẻ trứng.

-Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ như bát kê chân chạn, lọ hoa, khay nước của tủ lạnh hay điều hòa, máng thoát nước, máng gia súc/gia cầm, bể cây cảnh; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối, dầu hoặc hóa chất diệt lăng quăng/bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, các ổ nước đọng.

-Hàng tuần loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, hũ, mảnh chai, chum vại vỡ, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

-Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

-Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

-Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

T.Hương