Bế tắc chưa có hồi kết
Thế giới - Ngày đăng : 06:52, 14/05/2015
Ngày 9-5 vừa qua KCNA thông báo Triều Tiên đã thử thành công một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. |
Dù không nêu rõ thời điểm tiến hành vụ thử trên, nhưng theo mô tả của Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), SLBM là loại "vũ khí chiến lược cấp độ thế giới". Nhấn mạnh tên lửa này được phát triển và sản xuất trong nước, KCNA còn tuyên bố việc làm chủ công nghệ tiên tiến trên sẽ giúp quân đội Triều Tiên có khả năng tấn công và đối phó với các hành động xâm phạm chủ quyền nước này, cũng như cho phép tiến hành các chiến dịch trên biển. Đến nay, chưa có nguồn tin nào khẳng định tính xác thực của vụ phóng thử trên, song nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, hệ thống tên lửa SLBM của Triều Tiên mới chỉ ở giai đoạn thử nghiệm đầu tiên vì chỉ bay được 100-150m. Theo dự tính, nếu SLBM được phát triển đầy đủ sẽ mất khoảng 4-5 năm nữa.
Mặc dù vậy, việc Triều Tiên liên tục tiến hành các vụ phóng thử tên lửa tầm ngắn được Hàn Quốc nhìn nhận như một động thái phô trương sức mạnh và khiến nước này cảm thấy bất an. Do đó, cùng với việc lên tiếng kêu gọi Bình Nhưỡng chấm dứt phát triển công nghệ này, Seoul cũng có những bước đi riêng để bảo vệ an ninh quốc gia. Khẳng định sẽ đáp trả "không thương tiếc" bất cứ động thái khiêu khích mới nào của Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Han Min-Koo trong một tuyên bố mới nhất nhấn mạnh, quân đội Hàn Quốc đang duy trì khả năng răn đe mạnh mẽ trên cơ sở thỏa thuận quốc phòng với Mỹ trước các hành động khiêu khích quân sự bất ngờ của Triều Tiên, đồng thời chuẩn bị thêm các biện pháp đối phó với những diễn biến tiếp theo. Cùng với đó, quân đội Hàn Quốc có kế hoạch tăng cường khả năng tác chiến và cải tiến các hệ thống dò tìm bằng sóng âm thanh để phát hiện sự dịch chuyển các tàu ngầm của đối phương.
Sự kiện Bình Nhưỡng thông báo thử thành công SLMB cũng như tiến hành một loạt vụ phóng thử tên lửa tầm ngắn một lần nữa khiến Bán đảo Triều Tiên "nóng" lên. Với các chuyên gia, nếu kết quả đúng như nước này khẳng định, đây sẽ là bước tiến đánh dấu sự tiến bộ đáng kể về tiềm lực quân sự của quốc gia Đông Bắc Á. Không chỉ với Hàn Quốc mà đối với Nhật Bản và Mỹ, động thái từ Bình Nhưỡng là một mối đe dọa nghiêm trọng. Washington đã lên tiếng cảnh báo bất cứ vụ phóng thử nào có sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo đều vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trên thực tế, Triều Tiên đang chịu các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc khi không được phép phát triển hay sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo.
Cuộc khủng hoảng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên tiếp tục đặt Đông Bắc Á đứng trước nhiều thách thức an ninh. Một số chuyên gia phân tích quan ngại rằng, tình trạng bế tắc kéo dài trong giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên khiến liên minh Mỹ - Hàn tiến gần hơn tới một cuộc khủng hoảng về mặt chiến lược để có thể giải quyết hiệu quả vấn đề gai góc này. Sau nhiều năm tranh cãi, đến nay vẫn còn quá nhiều câu hỏi mà dư luận chưa thể làm sáng tỏ. Đó là Triều Tiên đã đạt được sự tiến bộ đến đâu trong công nghệ vũ khí hạt nhân? Khi nào nước này tiến hành vụ thử hạt nhân tiếp theo? Giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng này trong bối cảnh lòng tin giữa các bên cực kỳ mờ nhạt?
Những căng thẳng leo thang trên Bán đảo Triều Tiên những ngày qua cho thấy, rõ ràng không có "cây gậy" hay "củ cà rốt" nào khiến Bình Nhưỡng có thể từ bỏ tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân. Và cũng không một lệnh trừng phạt nào có thể tác động được đến chính sách đối ngoại cũng như quốc phòng cứng rắn của quốc gia khép kín này. Cho dù thế nào, để giải quyết bất đồng, việc xây dựng lòng tin là yếu tố cực kỳ quan trọng. Tiếc là, điều này lại là thứ thiếu vắng nhất giữa các bên liên quan trong cuộc khủng hoảng.