Mỹ điều máy bay quân sự tới khu vực đảo tranh chấp ở Biển Đông

Thế giới - Ngày đăng : 09:33, 13/05/2015

(HNMO) - Lầu Năm Góc đang xem xét việc điều máy bay quân sự và tàu Mỹ để khẳng định tự do hàng hải xung quanh khu vực các đảo nhân tạo của Trung Quốc đang gia tăng nhanh chóng ở vùng tranh chấp Biển Đông.


Thông tin trên được hãng tin Reuters trích lời một quan chức Mỹ cho biết hôm qua, 12/5.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã đặt ra các khả năng, trong đó bao gồm việc điều tàu quân sự và máy bay của Mỹ trong vòng 12 hải lý (22 km) quanh các rạn san hô mà Trung Quốc đang xây dựng tại khu vực quần đảo Trường Sa tranh chấp.

Một động thái như vậy sẽ trực tiếp thách thức các nỗ lực của Trung Quốc trong việc mở rộng ảnh hưởng của mình tại khu vực tranh chấp khi nước này đang mở rộng lãnh thổ qua các hoạt động xây dựng đảo lớn.

"Chúng tôi đang cân nhắc cách thức để chứng minh tự do hàng hải tại khu vực được xem là rất quan trọng đối với thương mại thế giới", quan chức Mỹ cho biết.

Yêu cầu của ông Carter về các khả năng trong đó có việc sử dụng tàu và máy bay Mỹ trước đó đã được tờ Wall Street Journal đăng tải đầu tiên vào sáng qua.

Lầu Năm Góc và Nhà Trắng hiện chưa đưa ra bình luận về thông tin này.



Phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc Zhu Haiquan cho biết, Trung Quốc có "chủ quyền không thể tranh cãi "đối với quần đảo Nam Sa và vùng biển lân cận", đề cập đến quần đảo Trường Sa theo tên gọi của Trung Quốc. Ông cho biết, việc xây dựng của Trung Quốc là "có lý, hợp lý và hợp pháp."

Ông cho biết, Trung Quốc hy vọng "các bên có liên quan" - ám chỉ Mỹ và những nước khác – sẽ tôn trọng cam kết không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông.

Việc đưa tàu và máy bay tới gần quần đảo sẽ phù hợp với các hoạt động tự do hàng hải của quân đội Mỹ, vốn đã được nước này tiến hành hồi năm ngoái.

Trung Quốc đã bị Nhật Bản và Mỹ lên án hồi năm 2013 khi nước này áp đặt một khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, trong đó máy bay phải tự nhận dạng với các nhà chức trách Trung Quốc.

Hiện 5 quốc gia và vùng lãnh thổ (Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam) cùng Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền với quần đảo Trường Sa, nhưng Trung Quốc tuyên bố gần 90% diện tích Biển Đông là chủ quyền của nước này. Biển Đông là một tuyến đường vận chuyển quan trọng có giá trị thương mại mỗi năm là 5.000 tỷ USD.

Tại Washington hôm qua, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết, một hành động khẩn cấp là cần thiết khi Trung Quốc đang mở rộng thêm các đảo hiện có hoặc tạo ra những đảo mới bằng cách nạo vét đất và cát từ đáy đại dương.

Hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy, từ tháng 3/2014, Trung Quốc đã tiến hành cải tạo tại 7 địa điểm trong quần đảo Trường Sa và đang xây dựng một đường hàng không quy mô quân sự trên một hòn đảo nhân tạo.

Những hình ảnh khác cho thấy, Trung Quốc đang mở rộng một đường băng có chiều dài quân sự tại quần đảo Hoàng Sa về phía bắc.

Tuần trước, Reuters cho biết, Trung Quốc đã bổ sung thêm khoảng 2.000 mẫu đất ở Biển Đông kể từ đầu năm 2014.

Tháng trước, chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Á, Đô đốc Samuel Locklear, cho biết, Trung Quốc thậm chí có thể triển khai các hệ thống radar và tên lửa ở các vị trí tiền đồn, có thể được sử dụng để thực thi một khu vực ngăn chặn.

Vân An