Vì sao người thuê trọ phải trả tiền điện, nước với giá cao?

Đời sống - Ngày đăng : 07:16, 12/05/2015

(HNM) - Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi đối với học sinh, sinh viên, người lao động… phải đi thuê nhà ở trọ để học tập, sinh hoạt, trong đó phải kể đến cách tính giá điện, nước sinh hoạt đối với người thuê trọ (NTT) như đối với người sở hữu nhà ở.

Tuy nhiên, theo phản ánh của NTT ở nhiều nơi, tình trạng thu tiền điện, nước quá giá quy định vẫn phổ biến, trung bình khoảng 50.000 đồng tiền nước sạch/người/tháng và từ 3.000 đồng/kWh trở lên đối với mỗi số điện. Ngoài lý do chủ nhà trọ ngại làm thủ tục, bắt ép NTT đóng tiền giá cao để thu lợi nhuận… có còn nguyên nhân nào khác?

Ảnh: Báo Tienphong



Nhiều văn bản quy định giá dịch vụ

Kể từ năm 2010, Chính phủ đã thực hiện chủ trương hỗ trợ giá điện cho người nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Bộ Công thương đã ban hành thông tư hướng dẫn sinh viên, người lao động thuê nhà sẽ được trực tiếp mua điện theo giá điện sinh hoạt bậc thang. Hà Nội cũng đã có chỉ thị yêu cầu các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương các cấp và cá nhân cho thuê nhà thực hiện ngay chủ trương này.

Hai thông tư mới nhất, đang có hiệu lực thi hành của ngành điện và nước sạch gồm: Thông tư 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT (hướng dẫn giá tiêu thụ nước sạch) và Thông tư 16/2014/TT - BCT (quy định về thực hiện giá bán điện), đều có những điều khoản quy định phương pháp xác định giá đối với trường hợp sinh viên và người lao động thuê nhà để ở. Theo đó, NTT có thể ký hợp đồng với đơn vị kinh doanh để được tính là một hộ sử dụng điện, nước theo giá sinh hoạt. Cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng. Thủ tục giấy tờ cũng khá đơn giản, gồm giấy tạm trú, hợp đồng thuê nhà có xác nhận của địa phương hoặc các tổ chức hành nghề công chứng. Bên điện lực yêu cầu thêm cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà.

Bà Trần Thị Phương Thảo - Phó Giám đốc Công ty Nước sạch số 2 Hà Nội - cho biết: Việc xét duyệt hồ sơ rất nhanh chóng, nếu khách hàng cung cấp đầy đủ giấy tờ theo quy định, ngay tháng kế tiếp sẽ được tính định mức nước sạch sinh hoạt. Còn theo số liệu thống kê của Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội thì từ khi quy định có hiệu lực thi hành đến nay có tổng cộng 1.917,5 số định mức sử dụng điện sinh hoạt bậc thang đã hoàn thành thủ tục và NTT được hưởng.

Tuy nhiên, ở nhiều nơi, nhất là những khu vực tập trung đông số NTT như địa điểm gần trường học, nhà máy, khu công nghiệp… vẫn còn rất nhiều người phàn nàn, bức xúc vì không được hưởng quyền lợi sử dụng điện, nước theo giá sinh hoạt. Thường thì NTT phải trả tiền điện, nước theo mức khoán, đơn giá cao nhất của bảng giá bán lẻ sinh hoạt..., tức là như trả tiền điện, nước theo giá kinh doanh. Khi cộng tổng vào sẽ thấy rõ chênh lệch rất lớn giữa mức thu của chủ nhà trọ với mức thu của Nhà nước.

Lỗi từ cả hai phía

Phần lớn NTT đổ lỗi cho chủ nhà không tạo điều kiện cho họ hoàn thành thủ tục ký hợp đồng trực tiếp với đơn vị điện, nước. Trong đó, đặc biệt phải kể đến hai thủ tục quan trọng phụ thuộc rất nhiều vào chủ nhà là hợp đồng thuê nhà có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc tổ chức hành nghề công chứng (nước sạch) và cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà đối với NTT đăng ký tạm trú từ 12 tháng trở lên (điện lực). Trong điều kiện còn thiếu sự quản lý về loại hình kinh doanh nhà trọ, nhiều chủ nhà không đăng ký kinh doanh, không thực hiện các nghĩa vụ thuế…, nhiều gia đình chỉ cơi nới diện tích, chia phòng ở, ở chung, ở ghép… với mong muốn có thêm thu nhập, chắc chắn chủ nhà sẽ từ chối ký kết hợp đồng thuê nhà theo quy định pháp luật. Vì khi việc thuê mượn nhà được "danh chính ngôn thuận" người cho thuê sẽ phải thực hiện nhiều nghĩa vụ liên quan. Đáng chú ý, có một bộ phận không nhỏ người có nhà cho thuê, ngoài thu nhập từ việc cho thuê trọ còn muốn "tăng gia" khoản thu từ điện, nước hoặc dịch vụ khác nên "bắt bí" NTT giao kèo những hợp đồng có mức thu tiền điện, nước cao ngất ngưởng để hưởng lợi…

Nhìn nhận từ góc độ khác, theo ông Nguyễn Quang Trung - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Hà Nội, xảy ra tình trạng này ngoài nguyên nhân chủ nhà ngại làm thủ tục, muốn tận thu còn có "lỗi" từ phía NTT. Có thể do NTT chưa đáp ứng đủ các điều kiện để được tăng định mức sử dụng điện, hoặc nếu có đủ điều kiện nhưng lại bị ràng buộc bởi hợp đồng đã ký kết với chủ nhà, chấp nhận trả tiền điện theo thỏa thuận hoặc theo số ấn định. Ông Nguyễn Quang Trung cho biết thêm, ngay cả khi không được trực tiếp mua điện giá sinh hoạt thì vẫn còn quy định khác tại Điểm c, Khoản 4, Điều 10 Thông tư 16/2014/TT- BCT: "Trường hợp người thuê nhà không ký hợp đồng trực tiếp với bên bán điện thì chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thu tiền điện của người thuê nhà theo đúng giá bán lẻ điện trong hóa đơn tiền điện hằng tháng do đơn vị bán lẻ điện phát hành cộng thêm 10% cho tổn thất điện năng, chi phí chiếu sáng và bơm nước dùng chung".

Ai cũng biết, hợp đồng thuê nhà là giao dịch dân sự mà hai bên thuê và cho thuê đều có quyền lợi, nghĩa vụ ngang nhau trên nguyên tắc tôn trọng, bình đẳng, cùng có lợi. Cho dù bên cho thuê tìm cách "lách luật" để làm sao có lợi nhất cho mình, nhưng NTT cũng phải nắm vững những quy định liên quan để bảo vệ quyền lợi của mình. Đồng thời, NTT cũng còn phải có trách nhiệm phản ánh, tố cáo với cơ quan chức năng những hành vi vi phạm của chủ nhà và có quyền tìm cho mình nơi ở thuê phù hợp, không bị "bắt bí" và đối xử thiếu công bằng. Về phía các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý nhằm phát hiện, xử lý sai phạm để người dân thực sự được hưởng những chính sách ưu đãi mà Nhà nước đã dành cho họ.

Thùy Ngân