Rất đáng báo động

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:57, 12/05/2015

(HNM) - Bàn về tình hình kinh tế - xã hội trong phiên họp Thường vụ Quốc hội thứ 38, khai mạc sáng 11-5, ý kiến của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền là rất đáng suy nghĩ. Cụ thể, ông Nguyễn Đình Quyền đặt vấn đề: Các chủ trương, chính sách được xây dựng có đi vào cuộc sống


Về lý luận, đây là vấn đề không mới. Năng lực của bộ máy nhà nước, của đội ngũ cán bộ chính là yếu tố quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng răn dạy: "Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém"; "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc". Cán bộ là những người đem đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của nhân dân báo cáo lại cho Đảng và Nhà nước để đặt chính sách cho đúng. Thực tế là mọi chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đều do cán bộ nghiên cứu đề xuất, đồng thời cũng do cán bộ tổ chức, hướng dẫn nhân dân thực hiện.

Cán bộ quan trọng là thế, nhưng ông Nguyễn Đình Quyền giãi bày: "Tôi đã đi chấm thi chuyên viên cao cấp mấy năm nay, thấy trình độ đang ngày một đi xuống. Đợt chấm thi phúc tra vừa qua thấy những người này đáng lẽ không nên cho đi thi, lòng tự trọng rất kém. Bài viết nguệch ngoạc được mấy chữ, người ta chấm dưới điểm trung bình lại còn phúc tra, không biết tự trọng". Tiếp tục câu chuyện của mình, ông Nguyễn Đình Quyền cho biết thêm: "Khi tôi hỏi thi vấn đáp, rất nhiều giám đốc sở, vụ trưởng không nắm rõ về những nội dung quản lý nhà nước. Đề án thì rất dài nhưng hỏi mấy vấn đề quản lý nhà nước thì không nắm rõ, rất lơ mơ"…

Vậy có đáng lo ngại? Có đáng báo động?

Cũng cần lưu ý thêm, những cán bộ nêu trên không phải… bình thường, mà là những cán bộ tầm vụ trưởng, giám đốc sở, phó chủ tịch… Tóm lại là ở cấp lãnh đạo.

Nghĩ lại càng thấy có sự logic khi đã có không ít lần đại biểu nêu ý kiến thẳng thắn tại diễn đàn Quốc hội và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng từng phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức: Trong bộ máy chúng ta có tới 30% công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào. Thử hỏi, những cán bộ trình độ như… ông Nguyễn Đình Quyền đã chấm thi và trực tiếp hỏi vấn đáp liệu có đủ năng lực lãnh đạo và chỉ đạo? Chắc chắn là không, vậy nếu họ không "sáng cắp ô đi, tối cắp về" thì có thể làm gì?

Đến đây, một câu hỏi khác lại cần được đặt ra. Đó là, tại sao có những cán bộ như vậy vẫn có thể "cố thủ" và "yên vị" trên những "cái ghế" quan trọng nhiều năm? Thực tế không phải chúng ta chưa có tiêu chí để đánh giá về năng lực, trách nhiệm của đội ngũ công bộc của nhân dân, tuy nhiên có thể thấy, chúng ta chưa kiên quyết trong thực hiện. Cũng chính vì lẽ đó mà số cán bộ xếp vào diện trên vẫn "bình chân như vại", thậm chí còn được đề bạt, bổ nhiệm vào những vị trí không thuộc diện cán bộ, công chức… bình thường.

Lại càng đáng lo ngại, cần báo động.

Lý do là, những việc quan trọng như tái cơ cấu nền kinh tế; nâng cao chất lượng tăng trưởng; đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế… rồi thì đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dụng một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động… liệu có thể thực hiện hiệu quả không khi những con người như thế đảm đương trọng trách hoặc chỉ đạo thực hiện? Có lẽ đã đến lúc cần quyết liệt xem xét và thực hiện đề xuất của ông Nguyễn Đình Quyền, đó là đánh giá nghiêm túc và toàn diện về năng lực, trách nhiệm đội ngũ công bộc hiện nay.

Hoàng Thu Vân