Hoàng Quyên “Về” với nhạc xưa

Văn hóa - Ngày đăng : 11:18, 11/05/2015

(HNMO) – Thể hiện lại những ca khúc có tuổi đời từ 20 năm trở lên, Hoàng Quyên vừa cho ra mắt album nhạc trữ tình – “Về” với nhiều dấu ấn riêng.

Hoàng Quyên với album "Về"


Sở dĩ yếu tố “riêng tư” được nhắc đến là bởi trước đây Hoàng Quyên đã xuất hiện trong 3 album tác giả - tác phẩm được người yêu nhạc chú ý, đó là “Phác thảo mùa thu” (với nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc), “Cửa thơm mùi nắng” (nhạc Lê Minh Sơn) và “Góc em” (nhạc sĩ Trần Viết Tân). Cô được các nhạc sĩ ưu ái vì giọng hát ngọt ngào, nồng nàn, rất giàu cảm xúc, có thể giúp truyền tải được những ý tưởng, những câu chuyện và cả tư tưởng mà các nhạc sĩ gửi gắm trong các ca khúc của mình, dù nhiều bài hát có tuổi lớn hơn tuổi đời của cô rất nhiều.

Dù Hoàng Quyên đã rất thành công với những album đó, có đĩa nhạc giờ còn trở thành vật sưu tầm vì đã hết trên thị trường, nhưng với khán giả vẫn chờ đợi một album mà ở đó những dấu ấn của riêng Hoàng Quyên sẽ lớn hơn, không lệ thuộc vào tính ý tưởng của một album tác giả để có thể bay bổng hơn trong nhiều màu sắc âm nhạc hơn.

Hình ảnh của Hoàng Quyên trong sản phẩm mới


Nhạc sĩ Lê Minh Sơn, người đã cùng Hoàng Quyên chọn lựa những bài hát cho album đã chia sẻ về ý tưởng cho album “Về”: Con nguời ta, ai cũng đến lúc quay trở về. Có thể về bằng hiện thực, bằng suy nghĩ, có thể về bằng trải nghiệm. Nhưng "về" bằng âm nhạc là điều đặc biệt của ca sĩ Hoàng Quyên. Lấy ý tuởng là các bài nhạc đã ở lại trong lòng khán giả với thời gian nhất định, bài ít thì gần 20 năm, bài thì đã hơn 50 năm, album “Về” mang hình tượng âm nhạc cổ điển, lãng mạn, tinh tế.

Hoàng Quyên trong ngày ra mắt sản phẩm "Về"


Album “Về” có nhiều bài hát mang tính tự sự như “Giọt nước mắt ngà” (Ngô Thụy Miên), “Bài không tên số 8” (Vũ Thành An), “Ru đời đi nhé” (Trịnh Công Sơn), “Để em mơ” (Nguyễn Cường); những bài có tính kể chuyện như “Hẹn hò”, “Đưa em tìm động hoa vàng” (Phạm Duy), “Về đi em” (Trần Tiến) với các màu sắc âm nhạc dân gian, cổ điển, nhạc nhẹ đan xen lẫn nhau. Hoàng Quyên hát những nhạc phẩm này theo phong cách thính phòng với sự tham gia của những nhạc sĩ hòa âm như: Lưu Hà An, Lê Minh Sơn, Minh Đạo, Phan Cường, cùng các nghệ sĩ Trần Thị Mơ (cello), Thúy Quỳnh (flute), Vân Mai (đàn tranh)…

Hoàng Quyên nói rằng, cô hát những ca khúc có tuổi đời còn hơn cả mình bằng năng lượng, suy nghĩ của người trẻ. Vì thế, Hoàng Quyên không sợ sẽ bị so sánh với những nghệ sĩ “đàn chị” đã thể hiện trước đó.

Hoàng Lân