Sẵn sàng đương đầu với thách thức
Thế giới - Ngày đăng : 06:35, 11/05/2015
Chiến thắng này cho thấy mức độ tín nhiệm cao của các cử tri dành cho thủ lĩnh đảng Bảo thủ với những gì ông chủ số 10 phố Downing đã làm trong nhiệm kỳ vừa qua; đồng thời khẳng định lòng tin của người dân xứ Sương mù vào những chính sách mà nhà lãnh đạo 59 tuổi này thiết lập cho thời gian tới.
Tân Thủ tướng D.Cameron và phu nhân được chào đón khi quay lại số 10 phố Downing. |
Với 331 trong tổng số 650 ghế của Quốc hội, chỉ một ngày sau khi thắng cử, Thủ tướng Anh D.Cameron đã bắt tay vào việc thành lập nội các mới với 100% "quân số" thuộc đảng Bảo thủ. Đây sẽ là một thuận lợi lớn đối với ông chủ tòa nhà số 10 phố Downing khi cần thông qua những quyết sách mới. Bốn nhân vật được cho là những nhân tố quan trọng đóng góp vào thành công của Chính phủ tiền nhiệm là Bộ trưởng Tài chính George Osborne, Bộ trưởng Nội vụ Teresa May, Ngoại trưởng Philip Hammond và Bộ trưởng Quốc phòng Michael Fallon vẫn giữ nguyên chức vụ. Các vị trí khác dự kiến sẽ được công bố vào ngày hôm nay (11-5).
Tuy nhiên, theo dư luận từ Cựu lục địa, chiến thắng "trong mơ" đối với Thủ tướng D.Cameron không đồng nghĩa với chặng đường sắp tới của nhà lãnh đạo này sẽ trải toàn hoa hồng. Gánh nặng mà ông D.Cameron phải đương đầu ngay trong những ngày đầu của nhiệm kỳ mới là cam kết tăng thêm quyền tự trị cho Scotland và xứ Wales. Cách đây một năm, các nhà lãnh đạo Anh quốc đã như ngồi trên lửa vì cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập ở Scotland và sự kiện đảng Dân tộc Scotland (SNP) giành tới 56 ghế tại Điện Westminster để trở thành một lực lượng đáng nể trên chính trường. Dù trước mắt, thủ lĩnh SNP Nicola Sturgeon cho biết sẽ không nhắc lại câu hỏi về trưng cầu dân ý lần hai cho độc lập của Scotland, song quyền hạn mà SNP đòi hỏi trong những cuộc đàm phán sắp tới với Thủ tướng D.Cameron không dễ dự đoán.
Ngoài vấn đề Scotland, Thủ tướng D.Cameron còn phải đối mặt với một cuộc chiến mới nhằm lèo lái các mối quan hệ với Châu Âu. Đây chính là sức ép chính trị nặng nề nhất đang đè lên vai thủ lĩnh đảng Bảo thủ khi ông đã hứa để cho cử tri chọn lựa tư cách thành viên của Anh trong Liên minh Châu Âu (EU). Trên thực tế, ra khỏi EU là điều Thủ tướng D.Cameron không mong muốn. Thế nhưng, trước lượng cử tri đòi đưa Anh quốc "ly khai" EU ngày càng gia tăng, thì cuộc chung sống trong "ngôi nhà chung 28 thành viên" sẽ phải đồng nghĩa với một chương trình cải cách mạnh mẽ về cơ chế hoạt động của tổ chức này; trong đó có tính đến những lợi ích riêng của London. Vì thế, ngay sau khi thắng cử, Ngoại trưởng Philip Hammond đã lên truyền hình trực tiếp để trả lời báo chí về vấn đề này. Mặc dù phải chờ quyết định của tân Thủ tướng, nhưng nước Anh đã phải xúc tiến các cuộc thương thuyết với EU để điều chỉnh lại quyền lợi và nghĩa vụ của đảo quốc Sương mù. Theo giới quan sát, chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua đã cho Thủ tướng D.Cameron vị thế tốt hơn để mặc cả với EU trước khi tiến hành trưng cầu ý dân.
Về kinh tế, kế hoạch của đảng Bảo thủ xóa bỏ thâm hụt ngân sách vào năm 2018, tức là chính phủ sắp tới phải tiếp tục cắt giảm chi tiêu trong nhiều lĩnh vực. Dịch vụ y tế quốc gia có thể được bảo vệ nếu đảng Bảo thủ giữ lời hứa nhưng chi tiêu cho hội đồng địa phương, giao thông và quốc phòng chắc sẽ phải cắt giảm. Làm sao để thực hiện mục tiêu này mà không gây bất bình và xáo trộn trong xã hội là một bài toán hóc búa với nội các mới của Thủ tướng D.Cameron.
Dù sao, sự kiện Thủ tướng D.Cameron nhanh chóng bắt tay vào thành lập chính phủ cho thấy thủ lĩnh đảng Bảo thủ đã sẵn sàng đương đầu với những thách thức một cách đầy hứng khởi với không ít tham vọng.