Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn về công tác cán bộ
Xã hội - Ngày đăng : 06:12, 11/05/2015
Trong Chiếu cầu hiền, Hoàng đế Quang Trung viết: "… Dân chúng trăm họ, ai có tài học thuật, mưu hay giúp ích cho đời, đều có phép được dâng thư bày tỏ công việc. Lời có thể dùng được thì đặc cách bổ dụng, lời không dùng được thì để đấy, chứ không bắt tội vu khoát. Những người có tài nghệ gì, có thể dùng được cho đời thì các quan văn, quan võ được tiến cử, lại cho dẫn đến yết kiến tùy tài mà bổ dụng".
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ phụ nữ tham gia công tác chính quyền (tháng 8-1960). Ảnh tư liệu |
Phát huy truyền thống và phương sách "Dụng nhân như dùng mộc" của ông cha ta, từ khi ra đời, Đảng ta đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề cán bộ, coi cán bộ là nhân tố quyết định cho sự thành bại của cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã dày công đào tạo, huấn luyện xây dựng được một đội ngũ cán bộ trung thành với Tổ quốc và nhân dân, mẫn cán hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ qua từng thời kỳ lịch sử của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Vì lợi ích 10 năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người". Người dạy: "Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng", "Đảng phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu". Tư tưởng của Người về công tác cán bộ và sử dụng cán bộ là những di sản vô giá.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng một khi đã có đường lối cách mạng đúng đắn thì công tác cán bộ là khâu quyết định. Người viết: "Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém". Vì theo Người, nói đến cán bộ là nói đến cả Đức và Tài, không thể coi nhẹ mặt nào; trong đó Đức là gốc, người cán bộ có Đức thì bao giờ cũng phấn đấu không ngừng. Cán bộ là những người đem đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước giải thích cho nhân dân hiểu rõ và thi hành; đồng thời nắm bắt tình hình, nguyện vọng của nhân dân báo cáo lại với Đảng, Nhà nước hiểu rõ để đặt chính sách cho đúng. Thực tế là mọi chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đều do cán bộ nghiên cứu rồi đề xuất, đồng thời cũng do cán bộ tổ chức, hướng dẫn nhân dân thực hiện. Đường lối của Đảng đúng hay sai, tổ chức thực hiện thành hay không đều phụ thuộc vào đội ngũ cán bộ. Động lực của mọi cuộc cách mạng là quần chúng nhân dân, mà hạt nhân chủ yếu của nó là lực lượng cán bộ. Người nói: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", chính là quan điểm về con người với vai trò vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng. Đó là biểu hiện cụ thể của quan điểm "lấy dân làm gốc".
Về tầm quan trọng của việc sử dụng, bố trí cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Phải cân nhắc cán bộ cho đúng và dùng cán bộ cho khéo". Người viết: "Khi cân nhắc cán bộ phải xem xét rõ người đó có gần gũi quần chúng, có được quần chúng tin cậy mến phục không", nghĩa là phải xem xét uy tín cán bộ trước quần chúng đến mức độ nào và phải xem người ấy xứng đáng với việc gì. "Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc", "Nếu cân nhắc không cẩn thận không khỏi đem người chỉ nói mà không làm vào những địa vị lãnh đạo, như thế rất có hại". Người chỉ ra tác dụng của việc bố trí sử dụng đúng người, đúng việc. "Nếu biết tùy tài mà dùng người" thì sẽ thành công.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhắc nhở: Cân nhắc và khéo dùng cán bộ, dùng đúng cán bộ là trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, bởi vì không đánh giá, sử dụng đúng cán bộ sẽ dẫn đến sự lãng phí nhân tài là sự lãng phí lớn nhất của đất nước. Theo Bác: "Lãnh đạo khéo thì tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo thì tài to hóa ra tài nhỏ". "Người đời ai cũng có chỗ hay, chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được. Nếu không biết tùy tài mà dùng người chẳng khác gì thợ rèn bảo đi đóng tủ, thợ mộc bảo đi rèn dao". "Cân nhắc cán bộ, phải vì công tác tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Như thế công việc nhất định chạy", "Nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang nhất định không ai phục, mà gây nên mối lôi thôi trong Đảng. Như thể có tội với Đảng, có tội với đồng bào".
Quan điểm và phương pháp đánh giá, sử dụng cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đầy tính nhân văn. Người vừa tin yêu, vừa nghiêm khắc, vừa độ lượng đối với cán bộ. Người nhấn mạnh cần phải tạo ra môi trường "khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến", "có gan phụ trách có gan làm việc"; "khi đã giao việc cho cán bộ phải để cho họ có quyền tùy cơ ứng biến mới có thể phát huy tài năng của họ, không nên sớm ra lệnh này, trưa đổi lệnh khác". Đảng phải thương yêu cán bộ nhưng thương yêu không phải là vỗ về, nuông chiều, phó mặc, mà "thương yêu là giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm", là "hễ thấy khuyết điểm là giúp họ sửa chữa ngay để vun trồng cái thói có gan phụ trách, cả gan làm việc của họ". Theo Người, thương yêu cán bộ chính là ở thái độ thưởng phạt công minh, có thành tích thì khen, có khuyết điểm phải phạt. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh nhiều lần: "Người đời ai cũng có chỗ tốt và chỗ xấu", "ai cũng có khuyết điểm", "có làm việc thì có sai lầm". "Chúng ta không sợ sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu sửa chữa sai lầm và khuyết điểm". Chỉ sợ những người lãnh đạo không biết tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa sai lầm và khuyết điểm.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ là kết tinh truyền thống dùng người của ông cha ta trong lịch sử, là đỉnh cao của "nghệ thuật" hay "phương sách" dùng người - bí quyết thành công của sự nghiệp Cách mạng. Đó là tư tưởng vĩ đại đầy tính nhân văn và khoa học. Ngày nay, những tư tưởng đó đã trở thành những bài học, những nguyên tắc trong công tác cán bộ của Đảng. Nhờ đó mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp được nhiều hiền tài, thu hút các nhân sĩ yêu nước, tập hợp tất cả các lực lượng đoàn kết xung quanh Đảng, đưa đến thành công của Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, Chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu, Đại thắng Mùa xuân 1975 và cả nước vững bước trên con đường đổi mới, đi lên CNXH.
Hội nghị lần thứ mười một Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, tập trung bàn chuẩn bị nhân sự cho khóa XII. Báo cáo của Bộ Chính trị trình Trung ương đã nêu khá đầy đủ về yêu cầu xây dựng một BCH TƯ khóa XII, tiêu chuẩn Ủy viên BCH TƯ, tiêu chuẩn Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong đó có vai trò Tổng Bí thư của Đảng, số lượng, cơ cấu, quy trình giới thiệu, lựa chọn và một số chủ trương cần lãnh đạo thực hiện trong quá trình chuẩn bị và triển khai công tác nhân sự BCH TƯ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị mỗi đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng cần nhận thức đầy đủ ý nghĩa to lớn của công việc hệ trọng này, tập trung thảo luận, phân tích, làm sâu sắc các nội dung trên. Về tiêu chuẩn Ủy viên BCH TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Tổng Bí thư của Đảng trong thời điểm hiện nay, càng cần phải nhấn mạnh bản lĩnh chính trị thật vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của dân tộc; có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực, có ý thức giữ gìn và bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, được quần chúng thực sự tin yêu; phải có tinh thần trách nhiệm trước nhiệm vụ được phân công “làm tốt hay không tốt", thật sự công tâm, khách quan, trong sáng, gương mẫu, chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy định của Đảng, đặt sự nghiệp chung của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết. Kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, "lợi ích nhóm".
Những tiêu chuẩn cán bộ mà Bộ Chính trị đề ra, đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh là sự vận dụng, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ trước những yêu cầu mới của cách mạng Việt Nam.
Thượng tướng Lê Khả Phiêu
Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng