Bài 2: Nhiều giải pháp có ý nghĩa chiến lược

Chính trị - Ngày đăng : 06:05, 11/05/2015

(HNM) - Đổi mới công tác tổ chức, cán bộ theo Chương trình 01-CTr/TU là mấu chốt đem lại thành công trên các lĩnh vực của Thủ đô hơn 4 năm qua.

Coi trọng từng "mắt xích"

Hơn 4 năm qua, 17 đề án, chuyên đề cấp thành phố, 533 đề án, chuyên đề của các cấp ủy trực thuộc nhằm triển khai Chương trình 01-CTr/TU đã được xây dựng và thực hiện. Chương trình đã có sức ảnh hưởng lớn, trước hết là góp phần không ngừng hoàn thiện hệ thống chính trị của thành phố, trên cơ sở coi trọng từng "mắt xích" của công tác tổ chức, cán bộ.

Lễ tốt nghiệp lớp cán bộ nguồn tổ chức của Thành ủy Hà Nội.


Bắt đầu từ công tác đánh giá cán bộ, Ban Thường vụ Thành ủy tiên phong đi đầu về lấy phiếu tín nhiệm các vị trí chủ chốt và 7 cán bộ lãnh đạo các sở, ngành được xem là nhạy cảm. Thay vì 5 năm đánh giá một hoặc hai lần, thành phố đã thực hiện đánh giá cán bộ ít nhất mỗi năm một lần. Không khép kín trong nội bộ, đối tượng tham gia đánh giá cán bộ được mở rộng. Quy trình đánh giá bảo đảm tính chặt chẽ, khách quan, công tâm. Sau hai lần đánh giá có mức độ tín nhiệm thấp, cán bộ đó sẽ được thay thế, chuyển sang đảm nhận công việc khác. Công tác thi tuyển công chức cũng được đổi mới theo hướng công khai, minh bạch với việc ứng dụng công nghệ thông tin để ngăn ngừa, chống tiêu cực... Công tác đánh giá cán bộ được coi trọng chính là nền tảng để Thành ủy Hà Nội và các cấp ủy thành phố thực hiện công tác quy hoạch, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và luân chuyển, điều động cán bộ.

Thành ủy Hà Nội đã chủ động làm tốt công tác quy hoạch cán bộ. Khi cần thiết thay thế hay bố trí cán bộ cho một vị trí lãnh đạo, thành phố luôn chủ động về nguồn, thường là có ít nhất hai đồng chí có thể đảm đương được nhiệm vụ. Kết quả quy hoạch cán bộ của thành phố nhiệm kỳ tới cũng được Trung ương đánh giá cao về tiến độ và chất lượng. Phương châm quy hoạch "động" và "mở" được Thành ủy Hà Nội thực hiện gắn với công tác kiểm tra, đánh giá, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ thường xuyên. Trong nhiệm kỳ qua, hình thức và nội dung bồi dưỡng, đào tạo cán bộ cũng được các ban Đảng Thành ủy tham mưu kịp thời theo hướng tiếp cận cách làm của Trung ương. Việc mở lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các cán bộ nguồn lãnh đạo quản lý thành phố năm 2014 là ví dụ.

Trên cơ sở đánh giá, quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, Thành ủy đã tích cực thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ. Ở diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, thành phố đã điều động, luân chuyển 95 lượt cán bộ trong nhiệm kỳ XV. Từ chỗ hợp nhất hai bộ máy cấp tỉnh, đến nay, cơ cấu bộ máy hệ thống chính trị của TP Hà Nội cơ bản ngang bằng về số lượng các vị trí lãnh đạo với các tỉnh, thành khác. Các cấp ủy cấp dưới cũng thường xuyên thực hiện công tác này với hàng nghìn lượt cán bộ bao gồm cả những vị trí nhạy cảm, dễ nảy sinh tiêu cực ở cơ sở... Các cán bộ được luân chuyển, điều động đến vị trí mới đều đảm đương tốt công việc, nhiều đồng chí phát huy được năng lực, sở trường, được cất nhắc, bổ nhiệm lên vị trí cao hơn.

Chú trọng tới đội ngũ kế cận

Ngoài tác động đồng bộ và toàn diện lên cả hệ thống chính trị, việc thực hiện Chương trình 01-CTr/TU đã giúp Đảng bộ Thủ đô tạo đột phá trên nhiều vấn đề khó, vấn đề mới. Nổi bật là Đề án số 06-ĐA/TU, ngày 24-9-2013, của Ban Thường vụ Thành ủy về "Kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội" và Nghị quyết 09-NQ/TU, ngày 27-2-2012, của Ban Thường vụ Thành ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp (DN) ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020".

Thực hiện Đề án 06, thành phố đã tổ chức đồng bộ gần 5.000 tổ chức cơ sở Đảng với hệ thống chính trị, khắc phục tình trạng hai, ba thậm chí là 9 chi bộ lãnh đạo một thôn, tổ dân phố. Với Nghị quyết 09, toàn thành phố đã thành lập mới 540 tổ chức Đảng, kết nạp 3.117 đảng viên mới, trong đó có 16 chủ DN, cùng hàng nghìn tổ chức đoàn thể nhân dân, kết nạp hàng chục vạn đoàn viên, hội viên mới trong các DN ngoài nhà nước. Kết quả thực hiện Nghị quyết đã tạo bầu không khí mới, phát huy vai trò, vị trí của các tổ chức Đảng và đoàn thể nhân dân trong các DN ngoài khu vực nhà nước, cùng DN tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, thu nhập, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Không chỉ phục vụ những nhiệm vụ trước mắt, ngắn hạn, Chương trình 01-CTr/TU được xây dựng còn vì mục đích có ý nghĩa chiến lược, lâu dài. Điểm nhấn nổi bật trong kết quả thực hiện Chương trình thời gian qua là đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ kế cận. Ngày 24-9-2013, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Đề án 07-ĐA/TU về "Đào tạo cán bộ nguồn TP Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020" nhằm thực hiện chỉ tiêu đào tạo 1.000 cán bộ nguồn. Đây là chỉ tiêu được hoàn thành sớm nhất. Các lớp cán bộ nguồn đều được tổ chức, quản lý một cách hết sức bài bản, khoa học nhằm kiểm soát được chất lượng từ "đầu vào" đến "đầu ra". Học viên được tuyển chọn từ cơ sở, sau quá trình học tập trung từ 18 đến 24 tháng, được phân công về học tập thực tiễn tại cơ sở 12 tháng. Sau thời gian đó, mỗi học viên được sát hạch công chức dựa trên nhiều cơ sở như kết quả học tập trong trường đại học, kết quả học tập lớp cán bộ nguồn, kết quả hoạt động thực tiễn ở cơ sở. Ban Tổ chức được Thường trực Thành ủy giao nhiệm vụ phối hợp cùng các quận, huyện lập sổ bộ theo dõi và hằng năm tiếp tục triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để 5-10 năm sau và xa hơn nữa sẽ có một lứa cán bộ đủ tầm trở thành cán bộ chủ chốt các cấp của thành phố.

Nhờ làm tốt công tác cán bộ, bộ máy các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể của thành phố đã vận hành hiệu quả, có đủ năng lực và sức chiến đấu để vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ. Những năm qua, Hà Nội luôn giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, xứng đáng là "Thành phố Vì hòa bình" được thế giới tôn vinh. Năm 2015 là năm cuối nhiệm kỳ, nhưng kết quả của Chương trình 01-CTr/TU sẽ là tiền đề quan trọng cho những nhiệm kỳ tới, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng Thủ đô trong tình hình mới.

Những con số ấn tượng

Tỷ lệ đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm đạt trên 85%, cao nhất năm 2014 là 87,03%, trong khi chỉ tiêu Chương trình 01 là 70%. Số đảng viên kết nạp mới hằng năm đạt trên 12.000 người, cao nhất năm 2014 đạt 13.852 đảng viên mới, trong khi chỉ tiêu là 10.000 đảng viên mới/năm. Tỷ lệ cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có trình độ chuyên môn sau đại học đạt trung bình trên 30% trong các năm thực hiện Chương trình 01; năm 2014 đạt 36,74%. Tỷ lệ cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân đạt 97,31% (năm 2014). Tỷ lệ cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên đạt 96,07% (năm 2014). Tỷ lệ cán bộ chủ chốt phường, thị trấn có trình độ đại học trở lên đạt 93% (năm 2014). Tỷ lệ cán bộ chủ chốt xã có trình độ đại học trở lên đạt 64,11% (năm 2014).

Võ Lâm