Mảnh đất màu mỡ còn ở dạng tiềm năng?
Văn hóa - Ngày đăng : 06:31, 10/05/2015
Buổi giới thiệu sách và tọa đàm “Chuyện trinh thám cho thiếu nhi - Một mảnh đất màu mỡ”. |
Họ đã viết truyện trinh thám cho thiếu nhi thế nào
Phải nói đây là một khía cạnh thú vị, nhất là trong bối cảnh nền văn học cho thiếu nhi của chúng ta hiện nay đang "trống vắng" quá nhiều từ phân khúc tác phẩm theo lứa tuổi cho đến thể loại.
Còn ở Anh, thị trường xuất bản vẫn là niềm mơ ước với người viết Việt Nam. Một cuốn sách mới, ăn hay thua cũng chỉ nằm trên giá sách thị trường lâu lắm là 4 đến 6 tuần, sau đó phải nhường chỗ cho những cuốn khác và cứ liên tiếp như thế. Văn học trinh thám cho thanh thiếu nhi cũng vậy - đã là một mảng độc lập, sống được và mang lại tên tuổi cho nhà văn. Trong khi đó, một điều đặc biệt là Jasper Fforde không phải là người được đào tạo về nghề viết. Ông vốn làm việc trong ngành công nghiệp điện ảnh, viết văn lúc 27 tuổi, 39 tuổi mới xuất bản sách, sau 7 cuốn sách mới bắt đầu nghĩ đến viết văn cho thiếu nhi.
Vậy cách viết của nhà văn này thế nào khi nhiều người hỏi ông: Trẻ con có thể hiểu được những yếu tố ly kỳ, phức tạp trong truyện trinh thám; những gia giảm, tiết chế của các yếu tố huyền bí, bất ngờ, kinh dị, hài hước trong tác phẩm trinh thám cho thiếu nhi...? Jasper Fforde đã khiến người nghe cảm thấy thú vị và đồng tình qua từng chia sẻ của ông. Trong đó, đáng chú ý là cách ông làm mới các hình tượng cũ, cách kết nối, tận dụng những giá trị truyền thống của văn học Anh... Ông sử dụng đồng dao Anh trong tác phẩm, đưa các nhân vật của văn học kinh điển như Jane Eyre, cô bé quàng khăn đỏ... vào những cuộc phiêu lưu, trinh thám mới. Ông thay đổi vai trò của phù thủy, thay vì quyền hành chất ngất thì nay chỉ quanh quẩn làm việc nhà với những phép thuật vừa đủ, hoặc những con rồng không còn hung tợn như thường thấy mà già cỗi, mệt mỏi, những người anh hùng có khi chỉ là một cô bé mồ côi...
Một số chia sẻ bếp núc khác cũng được nhà văn này tiết lộ như: Viết trinh thám cho thiếu nhi thì phải bỏ bớt nhiều tuyến truyện để tránh loãng, hạn chế những liên hệ, quy chiếu tới kiến thức chuyên sâu nhiều lĩnh vực. Tất nhiên, nội dung thường là các vụ trộm, những cuộc phiêu lưu giải mã bí ẩn, chứ không phải là những vụ án kinh dị, và đa phần đều hài hước, vui vẻ. Và nữa, một điều rất gần với truyền thống, tâm lý Á Đông là "kết thúc có hậu". Theo Jasper Fforde thì kết thúc có hậu ít nhất giúp các em có niềm tin, có điểm tựa chứ không thể cứ mơ hồ, hoài nghi hoặc gợi mở như cách kết của truyện người lớn.
Phải nói, chừng ấy chia sẻ đã đặt cho chúng ta, những người quan tâm đến văn học quốc ngữ cho thiếu nhi những câu hỏi lớn.
Từng xuất hiện và biến mất?
Phải nói bạn đọc Việt Nam từng một thời mê mẩn truyện dịch dạng trinh thám ly kỳ nhiều tập. Những "Tứ quái TKKG" đã một thời làm mưa làm gió trong giới học trò những năm 1990. NXB Kim Đồng cũng đã có những bộ sách về các đội thiếu nhi du kích cùng một vài cuốn sách có tính hấp dẫn, phá án như "Chú bé có tài mở khóa"... Nhưng theo Tiến sĩ ngữ văn, nhà phê bình Phạm Xuân Thạch thì sau đó truyện thiếu nhi Việt Nam có yếu tố trinh thám gần như biến mất.
Nói về điều này, TS Phạm Xuân Thạch cũng chỉ rõ: Văn học cho thiếu nhi nói chung còn thiếu, huống hồ một mảng truyện khó viết như truyện trinh thám. Nhà văn khó sống bằng nghề nói gì đến viết văn cho thiếu nhi. (Đến đây, lại nhớ Jasper Fforde riêng với 14 tác phẩm trinh thám cho thiếu nhi, ông đã bán được 3 triệu bản sách). Chưa kể, truyện thiếu nhi Việt Nam chịu cạnh tranh khốc liệt với các tác phẩm văn học dịch nước ngoài. Và nữa, có sự xung đột thế hệ thể hiện trong nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi của ta từ trước đến nay. Nghĩa là nhà văn (người lớn) ra sức giáo điều dạy dỗ, thiếu những ngôn ngữ lứa tuổi tương đồng; còn trẻ thì ngán ngẩm, không muốn đọc những truyện như vậy.
Nói về tâm thế của nhà văn khi viết truyện cho thiếu nhi, từ kiến thức và quan sát của mình, TS Phạm Xuân Thạch cho rằng: Trẻ em hoàn toàn có thể hiểu được những diễn biến, tình huống phức tạp đặt ra một cách phù hợp trong tác phẩm trinh thám dành cho lứa tuổi của mình. Anh cho rằng, truyện thiếu nhi không phải là thái độ của một người lớn áp đặt cho trẻ mà trước hết giống như một đứa trẻ này đang nói chuyện với bạn bè của chúng. Tất nhiên, ngôn ngữ phải chuẩn mực, trong sáng, đẹp cho dù là đối thoại, chứ không phải tự do đến lủng củng, hoặc phản cảm... Về điều này, Jasper Fforde có lẽ cùng quan điểm với TS Phạm Xuân Thạch khi ông chia sẻ: Lúc viết truyện ông thấy mình cũng như một đứa trẻ...
Nhìn lại các nhà văn, nhà thơ Việt Nam từng viết cho thiếu nhi đi từ lớp đi trước như Tô Hoài, Vũ Tú Nam, Nguyễn Huy Tưởng... cho đến lớp sau Nguyễn Nhật Ánh, Lê Phương Liên, Nguyễn Ngọc Thuần, Thiên Hương... thì thấy họ đều có những trang viết thật đẹp, hấp dẫn, rung động... Nhưng văn học cho thiếu nhi và đặc biệt là truyện trinh thám cho thiếu nhi vì sao vẫn mãi là "mảnh đất màu mỡ đang ở dạng tiềm năng"?
Câu trả lời trọn vẹn có lẽ thuộc về chính các nhà văn và những người quan tâm, có trách nhiệm với nền văn học thiếu nhi nước nhà. Và đúng như Jasper Fforde nói: Trước hết hãy viết, viết thật nhiều đã để trẻ em quen đọc sách, yêu văn học, sau đó mới có thể có nhiều hơn tác phẩm hay. Bởi vì đọc sách là trải nghiệm, trải nghiệm nhiều cũng có nghĩa là thế giới quan rộng mở hơn, trẻ đồng cảm với người khác hơn, vị tha hơn, sống tốt đẹp hơn.