Tấm lòng của người con xa quê
Người Việt bốn phương - Ngày đăng : 06:17, 10/05/2015
Ông Nguyễn Huy Thắng (ngoài cùng bên trái) và các đồng đội trong một lần gặp gỡ ông Phạm Văn Trinh (thứ ba từ trái sang). |
Trong cuộc gặp gỡ xúc động hôm ấy, ngoài nguyên Tiểu đoàn trưởng D107 Nguyễn Nhật Thăng, Khẩu đội trưởng Khẩu đội 12,7 ly Nguyễn Danh Nho... còn có ông Nguyễn Huy Thắng, một kiều bào đang sinh sống và làm việc tại Đức. Kể từ khi sang xứ người lập nghiệp cách đây 27 năm, ông Thắng đã trở lại thăm quê hương không biết bao nhiêu lần. Tuy nhiên, lần trở về này với ông thật đặc biệt, vì nó đúng vào dịp đất nước chuẩn bị kỷ niệm 40 năm thống nhất và cũng là lúc ông vừa hoàn thành xong phần 1 ký sự "Vị tướng trong lòng đồng đội". Đây là thước phim nói về một phần cuộc sống và chiến đấu của Trung tá Phạm Văn Trinh (tức Phạm Văn Bảy), nguyên Tỉnh đội phó Tỉnh đội Quảng Ngãi trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước và là vị thủ trưởng đáng kính của ông Thắng cùng các đồng đội. Ông Trinh từng trực tiếp chỉ huy các đơn vị bộ đội địa phương của tỉnh đội, huyện đội, dân quân du kích kiên cường chiến đấu 935 trận, tạo ra vùng giải phóng liên hoàn rộng lớn. Chính vì tài thao lược hiếm có này, ông Trinh đã được đồng đội tôn vinh là tướng. Nhân dân trong vùng mệnh danh ông là "Hùm xám" và là "cơn ác mộng" của các đơn vị chiến đấu thuộc chính quyền Mỹ - Ngụy. Kẻ thù lúc đó đã từng ra giá 4 triệu USD cho cái đầu vị chỉ huy mà đồng đội của ông ví như "Khổng Minh tái thế ở thời kỳ đánh Mỹ".
Ông Thắng nảy ra ý định thực hiện ký sự "Vị tướng trong lòng đồng đội" từ tháng 7-2012, khi đó các cựu chiến binh về Quảng Ngãi để dự lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 11 đơn vị tập thể và 8 cá nhân thuộc tỉnh Quảng Ngãi, trong đó có Tiểu đoàn D107. Tuy nhiên, niềm vui không được trọn vẹn khi trong danh sách 8 cá nhân được phong danh hiệu Anh hùng năm ấy không có tên Phạm Văn Trinh. Ngay sau buổi lễ đó, ông Thắng, ông Thăng, ông Nho cùng một số đồng đội khác đã tìm đến nhà ông Trinh rồi thêm nhiều lần trở lại Quảng Ngãi để hoàn thành ký sự như món quà dành tặng vị thủ trưởng tài ba mà từ lâu họ vẫn thầm coi là một vị tướng trong lòng mỗi người. Bên cạnh đó, ông Thắng hy vọng, thông qua rất nhiều tranh ảnh, tư liệu được phát trong ký sự, cộng đồng người Việt tại Đức cũng như nhiều nước khác trên thế giới sẽ có thêm những thông tin quý giá về chiến công của bộ đội ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đưa Bắc - Nam sum họp một nhà.
Theo ông Thắng, khó có tình cảm nào như tình cảm của những người lính đã một thời sống chết bên nhau. Đây là một động lực lớn và một liều thuốc tinh thần vô giá để những người từng bị thương nặng trong chiến tranh như ông Thắng (thương binh hạng 2/4), ông Thăng (thương binh 1/4) và ông Nho (thương binh 3/4) quên hết những hạn chế về mặt sức khỏe để hoàn thành những công việc đầy tình nghĩa với đồng đội. Chỉ tiếc rằng, khi phần 1 ký sự hoàn tất, "vị tướng" của họ đã ra đi mãi mãi.
Non sông đã thống nhất được hơn 40 năm, vết thương chiến tranh đã từng bước được hàn gắn. Song chắc chắn ông Thắng và nhiều cựu chiến binh khác không bao giờ quên những người đồng chí, đồng đội từng ngã xuống ở chiến trường. Đây là lý do một kiều bào xa quê như ông Thắng không ngần ngại vượt hàng vạn cây số từ Đức quay lại thăm chiến trường xưa tới 17 lần, một phần để ôn lại những kỷ niệm cũ, một phần để triển khai những kế hoạch tri ân đồng đội mà ông chưa hoàn tất. Hiện tại, dự định của ông Thắng vẫn còn rất nhiều. Ngoài việc làm tiếp phần 2, phần 3 ký sự "Vị tướng trong lòng đồng đội" và hoàn thiện phần 6 của một ký sự dài có tên "Tiểu đoàn 107 pháo binh Quảng Ngãi anh hùng" để đăng trên trang Thoibao.de tại Đức - nơi ông đang giữ vị trí Trưởng ban Biên tập, vị kiều bào cựu chiến binh này vẫn còn đau đáu vì chưa thể tìm hết hài cốt các chiến hữu mà ông đã tự tay chôn cất. Trong số đó có người bạn vô cùng thân thiết của ông là liệt sĩ Trương Thanh Lâm, quê ở Thanh Trì, Hà Nội, hy sinh ngày 9-5-1972 trong trận đánh Vạn Tường. Ông Thắng cho biết, dù sống xa quê hương nhưng quê hương luôn là nơi ông hướng về. Khi còn bất kỳ chút sức lực nào, ông sẽ không từ bỏ công việc vì tình nghĩa đồng chí, đồng đội này.