Đề xuất chuyển Học viện BCVT sang Viettel: Phải xem xét thấu đáo!
Giáo dục - Ngày đăng : 21:23, 09/05/2015
Thực hiện Quyết định 888 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1-7-2014, Tập đoàn VNPT đã bàn giao lại Học viện về Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) quản lý để thực hiện đào tạo các chuyên ngành trong lĩnh vực TT-TT cho xã hội. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 1 năm chuyển từ mô hình quản lý thuộc DN về cơ quan quản lý nhà nước, thì cuối tháng 4-2015, Bộ Quốc phòng đã có đề xuất xin chuyển Học viện về trực thuộc Tập đoàn Viettel.
Đây mới chỉ là đề xuất và Văn phòng Chính phủ đã, đang lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành. Song từ đề xuất này đặt ra những câu hỏi lớn mà các cơ quan quản lý nhà nước cần thận trọng xem xét.
(Ảnh: ptit.edu.vn) |
Đề xuất chuyển nguyên trạng Học viện CNBCVT về Viettel
Cụ thể, ngày 25-4, Bộ Quốc phòng đã gửi tờ trình số 3346/TTr-BQP đề nghị chuyển nguyên trạng Học viện CNBCVT từ Bộ TT-TT về Viettel. Theo đó, Viettel sẽ tiếp nhận đầy đủ, trong đó gồm cả các quyền và nghĩa vụ pháp lý đối với sinh viên, khách hàng, đối tác (nếu có) của Học viện. Tại tờ trình, Bộ Quốc phòng nêu rõ sự cần thiết điều chuyển nguyên trạng Học viện CNBCVT về Viettel.
Thứ nhất là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá...
Thứ hai, thực tế hiện nay, nhu cầu về nguồn lực cho nhiệm vụ nghiên cứu của Viettel đang rất cấp bách vì Viettel đang đầu tư rất mạnh vào nghiên cứu phát triển. Bộ Quốc phòng cho rằng Viettel có thể giúp các trường, học viện, viện nghiên cứu nhanh chóng chuyển sang hoạt động theo mô hình DN; đầu tư cho cơ sở vật chất của trường, viện, học viện. Thậm chí Viettel có thể thay đổi cơ chế để tuyển được các giáo viên giỏi trên toàn cầu, có đầu ra cho đào tạo vì nhu cầu nội bộ mỗi năm của Viettel cần tuyển dụng 4.000-5.000 kỹ sư, chưa tính đến nhu cầu của thị trường ngoài Viettel; có thể đưa nhân viên Tập đoàn này từ 10 nước trên thế giới về học tập, đào tạo...
Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng, Học viện phù hợp và đáp ứng với nhu cầu hiện tại của Viettel. Ngoài nhiệm vụ giáo dục đào tạo, Học viện còn có Viện nghiên cứu kinh tế và Viện nghiên cứu phát triển công nghệ viễn thông sẽ giúp cho Viettel trong việc đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu phục vụ cho sản xuất kinh doanh trong nước và quốc tế; nghiên cứu sản xuất thiết bị điện tử viễn thông công nghệ cao, cả quân sự và dân sự. Từ các lý do trên, việc tiếp nhận Học viện sẽ tạo thuận lợi, chủ động cho Viettel trong việc thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và sản xuất kinh doanh.
Ngày 27-4, Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã có công văn gửi Bộ TT-TT cùng 4 cơ quan bộ khác gồm Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Lao động-Thương binh và Xã hội có ý kiến về đề nghị này của Bộ Quốc phòng. Đây được coi là cơ sở để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. VPCP đề nghị 5 cơ quan bộ kể trên gửi ý kiến về VPCP trước ngày 12-5-2015.
Chuyển Học viện về Viettel, Bộ TT-TT sẽ phải thành lập trường đào tạo mới?
Ngày 8-5, chia sẻ quan điểm về đề xuất của Bộ Quốc phòng xin chuyển Học viện về Viettel với PV Báo Hànộimới, Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông Đặng Đình Lâm cho biết, ông khá ngỡ ngàng khi biết thông tin này. Vì, học viện vừa tách khỏi VNPT để chuyển về trực thuộc Bộ TT-TT chưa lâu, nay lại đặt vấn đề chuyển đi và điều này sẽ gây ra xáo trộn lớn. Theo vị nguyên thứ trưởng, việc chuyển Học viện về Bộ TT-TT quản lý là chủ trưởng đúng đắn của Chính phủ, để học viện không chỉ đào tạo nhân lực, thực hiện các hoạt động nghiên cứu phục vụ cho riêng Tập đoàn VNPT mà còn đáp ứng cho cả ngành.
Nói về đề xuất của Bộ Quốc phòng, ông Đặng Đình Lâm cho biết, Viettel là một tập đoàn có quy mô và chiến lược kinh doanh mở rộng và việc có một cơ sở đào tạo, nghiên cứu lớn tương ứng là rất cần thiết. Và việc Viettel mong muốn có được một cơ sở đào tạo, nghiên cứu của riêng mình cũng là hợp lý và dễ hiểu. Đồng thời cho biết sự tin tưởng Viettel sẽ làm được như trong tờ trình đã nếu nếu như được giao quản lý học viện. Song, ông cũng cho biết cá nhân ông thấy có những câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Cụ thể, nếu chuyển Học viện về Viettel thì ngành CNTT, các DN CNTT sẽ không còn cơ sở đào tạo và nghiên cứu quy mô quốc gia nữa, trong khi nguồn nhân lực CNTT-TT đang rất thiếu, cơ sở đào tạo cũng thiếu. Vậy thì chuyển Học viện về Viettel không giúp tăng năng lực đào tạo và nguồn cung nhân lực CNTT-TT cho xã hội. Muốn tăng, ta cần xây thêm các cơ sở đào tạo mới chứ việc "chuyển chỗ đơn thuần" không giải quyết được sự thiếu hụt đó.
Nếu như Viettel cũng có một học viện riêng và ngành TT-TT duy trì Học viện CNBCVT thì hai cơ sở đào tạo này sẽ nâng tầm lẫn nhau lên. Còn để Học viện về Viettel thì Bộ TT-TT sẽ phải xây dựng một cơ sở đào tạo từ đầu để phục vụ nhu cầu nhân lực cho VNPT, MobiFone và rất nhiều DN TT-TT khác đang hoạt động. Vậy đề xuất của Bộ Quốc phòng có phải là ý tưởng hợp lý? Hơn nữa, một cơ sở đào tạo, nghiên cứu, cung cấp nhân lực cho ngành TT-TT cho cả nước, phục vụ cả xã hội thì nên đặt ở đâu cho chính danh và hợp lý nhất? Tôi cho rằng, Bộ TT-TT đang có vị thế phù hợp nhất để chủ trì một cơ sở như vậy. Bất cứ một tập đoàn CNTT-TT lớn nào cũng cần R&D nhưng nếu đặt vấn đề "phục vụ chung cho xã hội, cho cả ngành TT&TT" thì trực thuộc cơ quan quản lý nhà nước là Bộ TT-TT mới là đúng nhất, hài hòa lợi ích nhất cho các bên.
Ông Đặng Đình Lâm khẳng định, sẽ là hợp lý hơn nếu Bộ TT-TT vẫn duy trì Học viện để tiếp tục đầu tư đáp ứng được nhu cầu nhân lực CNTT - TT hiện nay. Vị Nguyên Thứ trưởng nhấn mạnh, với năng lực, khả năng tài chính, sự hỗ trợ của Bộ Quốc phòng, Viettel hoàn toàn xây dựng được một học viện, trường đại học hoặc cơ sở nghiên cứu phục vụ mục đích, nhu cầu của riêng tập đoàn này trong một thời gian ngắn. Ngược lại, để xây dựng từ đầu một cơ sở đào tạo mới, Bộ TT-TT sẽ phải mất rất nhiều thời gian cho lập kế hoạch, xin phê duyệt chủ trương, ngân sách, xây dựng cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ...
“Mong muốn của Viettel là chính đáng, nhưng cách làm thế nào cho hài hòa, mọi người cùng đạt được mục đích thì cần phải cân nhắc. Việc không có cơ sở đào tạo nào, hoặc phải xây dựng mới từ đầu đều sẽ gây rất nhiều khó khăn cho Bộ TT-TT" - ông Đặng Đình Lâm nhấn mạnh.
Trong công văn gửi Bộ TT-TT, Tập đoàn VNPT cũng đề nghị Bộ TT-TT xem xét tiếp tục để lại Học viện trực thuộc Bộ TT-TT quản lý, đáp ứng nhu cầu về đào tạo CNTT-VT cho các DN trong ngành nói chung và VNPT nói riêng. VNPT cũng nêu rõ, hiện nay tập đoàn này đang có nhu cầu lớn về đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ VNPT, cho hoạt động nghiên cứu triển khai gắn kết sản xuất kinh doanh, do vậy VNPT rất cần đến sự hỗ trợ của Học viện CNBCVT. Hơn nữa, việc hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa VNPT và Học viện còn nhằm phát huy hiệu quả các nguồn lực (hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất, lao động) mà VNPT đã đầu tư cho Học viện trong những năm qua…
100% cán bộ chủ chốt, đảng viên học viện muốn ở lại Bộ TT-TT
Chiều 9-5, PV Báo Hànộimới cùng một số phóng viên báo chí đã có buổi làm việc với Ban Giám hiệu tại Học viện CNBCVT. Ông Vũ Văn San, Phó Giám đốc phụ trách Học viện cho biết, ngay sau khi Bộ TT-TT yêu cầu lấy ý kiến góp ý về đề xuất của Viettel, trường đã tổ chức hội nghị với sự tham dự của đội ngũ cán bộ chủ chốt, cán bộ là đảng viên, đại diện các đoàn thể. 100% đội ngũ cán bộ dự họp đã bày tỏ quan điểm không đồng ý việc Học viện CNBCVT chuyển về Tập đoàn Viettel.
Thực tế trong thời gian qua, Học viện là một cơ sở giáo dục đào tạo đại học công lập tiêu biểu, đã thực hiện chuyển đổi thành công từ đơn vị sự nghiệp được nhà nước bao cấp sang đơn vị tự chủ toàn bộ theo quy định. Thực hiện QĐ 888 của Thủ tướng Chính phủ, sau sau 10 tháng chuyển đổi quản lý chủ sở hữu nhà nước từ Tập đoàn VNPT về Bộ TT-TT, hoạt động của Học viện đã có nhiều khởi sắc. Đó là bên cạnh những hạn chế như nếu vẫn dưới mô hình quản lý của DN sẽ bị chi phối bởi hoạt động của DN làm ảnh hưởng nhất định đến mục đích, tôn chỉ đào tạo thì nay về Bộ được “cởi trói” hơn, như Học viện được mở thêm các ngành đào tạo mới phù hợp với xu hướng của xã hội. Vị thế của Học viện được nâng cao rõ rệt như được mở rộng hợp tác, đào tạo với các Tập đoàn CNTT lớn của nước ngoài. Trong đó phải kể đến các hợp tác với Samsung, Toshiba, MobiFone, hợp tác với các trường đại học nước ngoài…
Trao đổi với báo chí, các cán bộ lãnh đạo trong ban giám hiệu, các khoa và đại diện đoàn thanh niên của khoa cho biết, khi có thông tin Bộ Quốc phòng đề xuất chuyển Học viện về Viettel, gần 1000 cán bộ, giảng viên học viện cũng rất tâm tư vì họ đã có quá trình lao động gắn bó với một DN là VNPT và nay là ngành TT-TT (khi chuyển về Bộ), nay lại chuyển sang một DN khác và đó là điều họ không mong muốn (thực tế 100% cán bộ tham dự đã bỏ phiếu không đồng ý chuyển về Viettel). Qua các kênh thông tin từ nhà trường, được biết rất nhiều ý kiến của sinh viên, phụ huynh đang học tại trường cũng bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng nếu điều chuyển Học viện về Viettel, vì nếu đã xác định thì phụ huynh và bản thân học sinh, sinh viên sẽ thi vào học tại các trường trong lực lượng vũ trang. Một số cán bộ, giảng viên đặt câu hỏi, trong tờ trình đề xuất, Bộ Quốc phòng nhắc đến việc Viettel sẽ xây dựng Trung tâm nghiên cứu công nghệ cao VT-CNTT và vũ khí quân sự, trong khi đó, Học viện lại là cơ sở chủ yếu đào tạo nhân lực cho ngành và xã hội, trong đó có các ngành đào tạo như truyền thông đa phương tiện, các ngành thuộc chuyên ngành TT-TT, vậy khi về Viettel sẽ xử lý số giảng viên, học viên như thế nào? Mà như vậy là không tận dụng được lợi thế của Học viện.
Như đã nêu, hiện VPCP đang lấy ý kiến góp ý của các bộ ngành liên quan để trình Thủ tướng xem xét quyết định. Song, bên cạnh những thông tin như đã nêu, cũng cần nhắc lại rằng, chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế trong đó có tái cơ cấu các DNNN đã được Đảng, Nhà nước đặt ra và để thực hiện chủ trương này, Chính phủ yêu cầu các tập đoàn phải thoái vốn, dừng đầu tư ngoài ngành.
Điều này cũng đã được thể hiện trong QĐ 888 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 10/6/2014 phê duyệt đề án tái cơ cấu Tập đoàn VNPT, Chính phủ yêu cầu chuyển Học viện CNBCVT từ VNPT về trực thuộc Bộ TT-TT. Đó là một QĐ phù hợp chủ trương của Đảng, Nhà nước. Nay, chưa đầy 1 năm dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước là Bộ TT-TT, lại có đề xuất chuyển Học viện về một DN khác là Viettel…
Nếu đề xuất này được chấp nhận, chủ trương yêu cầu các DN dừng đầu tư ngoài ngành không những không được thực hiện mà còn phủ nhận cả chính QĐ 888 của Thủ tướng Chính phủ. Có một thực tế, trên thế giới nhiều Tập đoàn kinh tế lớn xuyên quốc gia, sở hữu nguồn tài chính tới hàng trăm tỷ USD nhưng họ không trực tiếp quản lý cơ sở đào tạo đại học.
Vì vậy, thiết nghĩ, các cơ quan tham mưu và Chính phủ cần cân nhắc và thận trọng khi xem xét đề xuất; coi trọng nguyện vọng của cán bộ giáo viên nêu trên... để bảo đảm sự phát triển ổn định cho Học viện CNBCVT và ngành TT-TT nói chung.