“Cách đi nhanh là học hỏi”

Đời sống - Ngày đăng : 14:34, 09/05/2015

(HNMO) - Đam mê sáng tạo, thích máy móc từ nhỏ, lớn lên chọn ngành cơ khí để lập nghiệp, trước bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa là cơ hội rất lớn, đồng thời cũng là thách thức không hề nhỏ đối với ông chủ doanh nghiệp AMECO Đoàn Võ Khang Duy

Chân dung doanh nhân sinh năm 1975 – Đoàn Võ Khang Duy



Từ bỏ để thỏa đam mê

Do đam mê máy móc, sáng tạo nên anh Đoàn Võ Khang Duy (sinh năm 1975, Đồng Nai) hiện là Giám đốc Công ty CP Công nghiệp Ameco quyết tâm theo học khối A để có thể trở thành một kỹ sư cơ khí. Anh cho biết, cũng chính niềm đam mê này đã giúp anh có đủ sức mạnh, sự quyết tâm để bỏ ngang tại vòng dự tuyển cuối cùng vào Tập đoàn Unilever để dành thời gian cho công việc nghiên cứu, chế tạo. Tại thời điểm ấy, để trở thành nhân viên của Unilever là ước mơ của biết bao lứa sinh viên mới ra trường. Tuy nhiên, anh Đoàn Võ Khang Duy cho rằng, nó vừa là cơ hội, cũng vừa là cám dỗ. “May mắn cũng đến khi tôi tìm được thông tin tuyển dụng của Viện Cơ học Ứng dụng TP Hồ Chí Minh sau hai tháng mò mẫm khắp các mặt báo để tìm công việc cho một kỹ sư thiết kế hoặc chế tạo. Sau đó, tôi được bố trí làm việc tại Phòng vật liệu – máy công nghiệp gần ba năm. Đây là một môi trường như cá gặp nước thời điểm đó đối với tôi”, anh Đoàn Võ Khang Duy chia sẻ.

Tuy nhiên, khi bắt tay vào khởi nghiệp mới trải nghiệm hết những khó khăn. Khó khăn đầu tiên là việc thành lập công ty với số vốn gần như là con số không. “Lúc ấy, trong đầu tôi không có khái niệm gì về tầm nhìn hay sứ mệnh gì cả. Khó khăn tiếp theo và là rào cản lớn nhất lúc đó là kinh nghiệm về quản trị và kinh doanh. Rồi làm sao để khách hàng tin tưởng mà giao tiền cho mình để chế tạo máy móc, thiết bị cho họ với giá trị không nhỏ”, anh Đoàn Võ Khang Duy cho hay. Theo anh, cách đi nhanh nhất là học hỏi. Học hỏi cũng là cách để vượt qua khó khăn. “Trằn trọc, suy nghĩ mãi và quyết định làm theo từng bước một là tập trung tìm hiểu, thu thập các mẫu mã sản phẩm, máy móc trên mạng, mày mò vẽ lại để tăng tính thuyết phục. Thời kỳ đó, năm 2002, chưa doanh nghiệp nào có hình ảnh và tài liệu gì nhiều, trừ vài catalogue sơ sài lấy từ hội chợ. Ngoài việc tăng cường tài liệu trình bày như kể trên, tôi đã thuyết phục khách hàng trả tiền kiểu cuốn chiếu theo tiến độ để tăng sự an tâm. Cứ như thế, đến năm 2007, Ameco đã xây dựng được một nhà máy chế tạo hoàn chỉnh, tạo bước ngoặc mới trên con đường đam mê”, anh Đoàn Võ Khang Duy chia sẻ.

Máy cán tôn - sản phẩm xuất khẩu chủ lực của AMECO.



Vững bước tiến

Theo anh Đoàn Võ Khang Duy, người Việt rất sáng tạo, đã tự nghiên cứu chế tạo nhiều loại máy cơ khí, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Từ những công cụ thô sơ cho đến máy móc hiện đại đều do khối óc người kỹ sư, công nhân Việt Nam mày mò. Chính vì thế, tư duy làm sản phẩm của người Việt luôn hướng tới là nghiên cứu sản xuất máy móc đồng bộ. Vào năm 2009, Ameco do anh Đoàn Võ Khang Duy sáng lập đã xây dựng và hoàn thành hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2008. Hệ thống này đã được chứng nhận hợp chuẩn bởi tổ chức UKAS (Anh) và số chứng nhận Global Group 73Q10075. Đến đầu năm nay, Ameco đã đưa được sản phẩm đến tận Mỹ và Honduras. “Đây là một thước đo cho thành công của chúng tôi”, anh tự hào. Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, nên Ameco cũng là một trong những tế bào, hạt nhân của chủ trương công nghiệp hóa nước ta. Mục tiêu trong giai đoạn mới là tạo ra sản phẩm có tiêu chuẩn như các nước phát triển Nhật Bản, Hàn Quốc.

Chia sẻ về những cơ hội mà chính sách mở cửa của đất nước mang lại, anh Đoàn Võ Khang Duy cho rằng, lứa tuổi 1975 là lứa đầu tiên được học giáo trình phổ thông trung học cải cách, bỏ bao cấp trong giáo dục đại học, hệ thống đào tạo đại học áp dụng tín chỉ chứ không đào tạo tuần tự các đề tài và môn học. Anh Duy cho biết, khi anh bước chân vào đại học năm 1993, cũng là năm nước ta đã có những bước tiến trong hội nhập. Do đó, khi anh tốt nghiệp đại học năm 1998 thì vấn đề sinh viên thất nghiệp sau khi tốt nghiệp đã giảm thiểu tối đa so với vài năm trước đó. Đặc biệt, thời điểm anh khởi nghiệp năm 2002 trùng vào giai đoạn khởi đầu chu kỳ tăng trưởng năng động nhất của đất nước ta. Đầu tư nước ngoài tăng mạnh, khu công nghiệp mọc lên rất nhiều. Môi trường hội nhập, các chính sách kinh tế, luật lệ được điều chỉnh, nhiều cải tiến trong quản lý nhà nước với chiều hướng hỗ trợ tối đa cho nền kinh tế, cho các doanh nghiệp. “Một may mắn hiếm có như thế đã hun đúc cho tôi một tinh thần doanh nhân vì cộng đồng, vì đất nước hơn là một niềm đam mê cá nhân ban đầu”, anh Đoàn Võ Khang Duy nhấn mạnh.

Nguyễn Lê