Giá dầu: Tiếp tục diễn biến khó lường

Thế giới - Ngày đăng : 06:49, 09/05/2015

(HNM) - Giống như việc giảm giá không phanh khi mất tới 40% giá trị trong năm 2014, thời gian gần đây, giá dầu lại làm các nhà đầu tư sững sờ bởi tốc độ tăng giá chóng mặt. Chỉ riêng trong tháng 4-2015, dầu thô đã có thêm 25% giá trị. Từ ngưỡng thấp nhất trong vòng 6 năm vào ngày 16-3 khi mỗi thùng dầu

Nguồn cung dư thừa đang cản trở triển vọng của giá dầu.



Trước đó, không nhiều dự đoán tin vào sự đảo chiều ngoạn mục của dầu thô khi những căng thẳng địa chính trị và cuộc đối đầu giữa Nga với Mỹ và phương Tây - vốn được xem là nguyên nhân sâu xa dẫn tới sụt giảm của giá dầu. Thế nhưng, lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm đã khuyến khích niềm tin của giới đầu tư trong bối cảnh kỳ vọng về tình trạng dư thừa dầu trên khắp thế giới sẽ được cải thiện do nhu cầu sử dụng tăng và nguồn cung bị thu hẹp. Trên thực tế, trong đợt "lao dốc" của dầu mỏ bắt đầu từ giữa năm ngoái, hoạt động khai thác của các công ty dầu khí, đặc biệt tại Mỹ, đã bị giảm quy mô đáng kể, dẫn tới sản lượng dầu giảm mạnh. Đơn cử như số giàn khoan dầu hoạt động ở Mỹ đã tụt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9-2010. Tuy nhiên, một tác nhân quan trọng khiến giá dầu "thoát đáy" phải kể tới sự lắng dịu của "cơn bão giá" của đồng USD. Sự kiện đà tăng của "đồng bạc xanh" bị chặn lại sau kỷ lục trong 12 năm vào ngày 13-3 đã tác động mạnh tới thị trường dầu. Hàng loạt chỉ số cho thấy kinh tế Mỹ tăng trưởng không khả quan, lòng tin tiêu dùng bất ngờ giảm và các số liệu hoạt động sản xuất, đầu tư thương mại, sản lượng công nghiệp và doanh số bán nhà mới xây không như mong đợi... đã đẩy lùi triển vọng của đồng USD. Sự suy yếu của đồng tiền có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới đã tăng tính hấp dẫn của những hàng hóa như "vàng đen" trong mắt các nhà đầu tư, nhờ đó, giá dầu được "hưởng lợi".

Tuy nhiên, niềm vui không kéo dài lâu. Ngay sau ngày đạt "đỉnh" 6-5, giá dầu lại bất ngờ quay đầu đi xuống. Kết thúc phiên giao dịch ngày 8-5, các hợp đồng dầu ấn định ở con số 58,94 USD/thùng, giảm 1,99 USD/thùng, tương đương 3,38%. Oái ăm thay, lần này lại có sự đóng góp của đồng USD. Đồng tiền đóng vai trò quan trọng nhất trong các giao dịch quốc tế bất ngờ lấy lại phong độ và xóa sạch mức giảm liên tục kể từ đầu tháng 5 đã tạm thời cản trở nỗ lực chinh phục những đỉnh cao mới của dầu mỏ. Thêm vào đó, hoạt động chốt lời gia tăng sau khi các nhà đầu tư đánh giá lại thị trường đã làm giá dầu giảm nhiệt. Trên thực tế, sự tăng giá quá nhanh của dầu thô chưa hẳn xuất phát từ những động cơ ổn định và bền vững. Mối lo thường trực về sự dư thừa của nguồn cung vẫn còn nguyên vẹn khi lượng dầu trong kho dự trữ chiến lược của Mỹ sắp tiệm cận gần mức cao nhất 80 năm và sản lượng dù bị thu hẹp vẫn ở mức đỉnh trong nhiều thập kỷ. Không chỉ Mỹ, năng lực khai thác của 12 thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đều đang vượt hạn ngạch 30 triệu thùng/ngày. Như thế, trong ngắn hạn, một sự dư thừa nguồn cung là khó tránh khỏi khi hàng chục triệu thùng dầu vẫn đang lặn lội tìm kiếm khách hàng.

Do vậy, dẫu rằng dầu thô đang cố gắng "lấy lại" giá trị đã bị mất trong gần một năm qua nhưng các chuyên gia không đặt nhiều kỳ vọng vào việc giá dầu sẽ vượt qua mốc 65 USD/thùng. Chỉ cần ở mức này, nhiều giếng dầu và giàn khoan tại Mỹ có thể khởi động trở lại. Điều đó đồng nghĩa với việc lượng dầu được đưa ra thị trường tăng. Sự thừa thãi nhiều khả năng là thách thức nhãn tiền trong điều kiện nền kinh tế thế giới vẫn chưa tăng trưởng đồng đều. Thậm chí, sự giảm tốc tại những quốc gia đang trong cơn khát năng lượng như Trung Quốc được cảnh báo sẽ kéo tụt triển vọng kinh tế của cả khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã lấy đi điểm tựa vững chắc của giá dầu. Thế nên, một thời kỳ khó khăn của dầu mỏ vẫn chưa sớm kết thúc. Những gì khó tin nhất cũng đã xảy ra với dầu thô và vì vậy, khó có thể đưa ra một phác đồ chính xác cho giá dầu chừng nào nguồn nhiên liệu quý giá nhất của thế giới vẫn là một lá bài trong cuộc chơi chính trị của các nước lớn.

Vân Khanh