Thuận cho nhà quản lý, khó cho người dân

Đời sống - Ngày đăng : 07:14, 08/05/2015

(HNM) - Các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh đang lấy ý kiến dự thảo quy định diện tích nhà ở theo bình quân/người theo hướng tăng lên để đăng ký thường trú vào chỗ ở thuê, mượn, ở nhờ. Theo nhiều chuyên gia, nếu điều chỉnh theo dự thảo sẽ giúp cho cơ quan quản lý dễ quản, nhưng lại gây khó khăn


Nhu cầu lớn

Gia đình của anh Hải và chị Lan, đều là công nhân của KCX Tân Thuận (Quận 7) cho biết, anh chị sống tại TP Hồ Chí Minh đến nay đã gần 10 năm nhưng chưa thể đăng ký hộ khẩu. Theo anh Hải: "Lúc đầu, do thu nhập còn bấp bênh, vợ chồng tôi chỉ thuê một căn phòng trọ có diện tích khá nhỏ, chật chội. Sau nhiều lần tăng giá phòng, chúng tôi cũng đã thay đổi chỗ ở. Khoảng hơn 3 năm nay, chúng tôi cố gắng ở ổn định một chỗ để được đăng ký hộ khẩu cho con cái có điều kiện học hành. Tuy nhiên, sau nhiều lần đăng ký vẫn chưa được cấp".

Đề xuất tăng diện tích ở làm điều kiện nhập hộ khẩu có thể khiến nhiều người mất cơ hội an cư.



Đây chỉ là một trong hàng trăm nghìn lao động nhập cư muốn gắn kết với TP Hồ Chí Minh nhưng đã gặp khó bởi các thủ tục nhập khẩu. Theo thống kê, hằng năm, thành phố phải "đón" hàng chục nghìn người nhập cư, trong đó phần lớn là lao động và sinh viên. Số liệu từ Ban quản lý Khu chế xuất (KCX) và Khu công nghiệp (KCN) TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện có trên 268.800 lao động trong các KCX và KCN trên địa bàn thành phố, trong đó có tới trên 180.600 lao động đến từ các tỉnh, thành phố khác (chiếm trên 67,4%) mà phần lớn trong số này chưa có chỗ ở phù hợp nên rất khó "an cư".

Theo các cơ quan chức năng, TP Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước, do đó số lượng người dân cư trú từ các tỉnh, thành phố khác đến làm ăn là xu hướng tất yếu. Điều này cũng đồng nghĩa, nhu cầu nhập hộ khẩu vào TP Hồ Chí Minh hiện nay rất lớn. Tuy nhiên, các quy định hiện hành về nhập khẩu đã gây khó khăn cho người dân, đặc biệt là đối tượng nhập cư, lao động có thu nhập thấp dẫn tới có một tỷ lệ lớn người dân tạm trú không ổn định gây khó khăn trong quản lý cư trú và ổn định an ninh, trật tự tại địa phương. Hơn thế nữa, việc khó khăn trong nhập khẩu còn ảnh hưởng đến quyền lợi tối thiểu của người dân khi con cái của họ sẽ bị thiệt thòi về cơ hội học tập, chăm sóc y tế, việc làm...

Tháo hay thắt?

Theo quy định hiện hành thì diện tích tối thiểu nhà ở để nhập hộ khẩu với người ở thuê, ở nhờ là 5m2/người. Thế nhưng mới đây ngành chức năng lại ra dự thảovà đang lấy ý kiến theo đề xuất của Sở Xây dựng và Công an TP Hồ Chí Minh. Theo đó dự thảo quy định diện tích nhà ở bình quân/người để áp dụng khi người dân đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tăng lên là 16m²/người đối với địa bàn 19 quận và 8m² sàn/người đối với 5 huyện. Việc tăng này nhằm mục đích giải quyết tình trạng thuê, mượn và nhập nhờ vào hộ khẩu, chỗ ở của mình để trục lợi hoặc cho nhập hộ khẩu vào cùng một chỗ ở nhưng không bảo đảm diện tích sàn tối thiểu trên đầu người theo quy định... tạo áp lực lên hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội.

Tuy nhiên, theo phân tích của nhiều chuyên gia, phần lớn người nhập cư và lao động có thu nhập thấp đang thuê nhà tại các quận trên địa bàn thành phố với diện tích rất nhỏ (trung bình chỉ dưới 10m2/người), do đó, diện tích mà các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh đang đề xuất vô tình đánh mất cơ hội cho nhiều đối tượng đang có nhu cầu đăng ký hộ khẩu. "Theo tôi, đề xuất tăng diện tích như thế là không hợp lý và cũng không thực tế, bởi người có nhu cầu nhập hộ khẩu ngày càng đông, nhưng diện tích nhà ở xây dựng mới không thể theo kịp. Việc di dân ồ ạt vào thành phố trong những năm qua, và việc hàng chục nghìn người đang phải sống trong những căn nhà trọ chật chội đã chứng minh điều đó", một đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Ông Lê Văn Năm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố không nên áp đặt những con số cứng nhắc mà cần linh hoạt hơn. Chẳng hạn, đối với những quận trung tâm đông dân cư như Quận 1, Quận 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận có thể thắt chặt nhập khẩu để giảm áp lực dân số. Còn tại các quận đang đô thị hóa mạnh, có nhiều KCX, KCN, tập trung nhiều lao động như Quận 12, Tân Phú, Bình Tân hay các huyện thưa dân cư như Bình Chánh, Củ Chi cần có chính sách thu hút người lao động có tay nghề được đăng ký hộ khẩu. Điều này giúp họ gắn bó lâu dài với địa phương, yên tâm làm việc, góp phần đóng góp cho quá trình phát triển của thành phố.

Nguyễn Lê