Đề án phát triển cơ giới hóa: Khó về đích đúng hẹn

Xã hội - Ngày đăng : 06:34, 08/05/2015

(HNM) - Nhằm tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp, Hà Nội đã phê duyệt Đề án Phát triển cơ giới hóa (CGH) nông nghiệp thành phố giai đoạn 2012-2016 và định hướng đến 2020. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 2 năm triển khai, đề án chưa đạt hiệu quả như mong muốn.


Theo Sở NN&PTNT thành phố, trước khi có Đề án Phát triển cơ giới hóa nông nghiệp thành phố (năm 2013), tốc độ cơ giới hóa nông nghiệp của Hà Nội rất thấp. Trong trồng trọt mới có khâu làm đất tỷ lệ CGH đạt 69,2% nhưng hầu hết là máy có công suất thấp; máy gặt đập liên hợp và máy cày thấp hơn với tỷ lệ dưới 10%. Ở một số khâu sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch còn đạt tỷ lệ thấp.

Đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp sẽ góp phần nâng cao năng suất.


Để từng bước cơ giới hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, ngày 3-7-2013, UBND thành phố đã phê duyệt "Đề án Phát triển CGH nông nghiệp TP Hà Nội đến năm 2016, định hướng đến năm 2020" với mục tiêu: Các khâu chính, tốn nhiều thời gian, sức lao động cho sản xuất một số cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản sẽ được ưu tiên và thực hiện trên địa bàn 21 quận, huyện, thị xã có sản xuất nông nghiệp phù hợp. Cụ thể, giai đoạn 2012 - 2016: Với cây lúa tỷ lệ CGH trong làm đất đạt 90%, cấy 20%, thu hoạch 30%; với rau, hoa tỷ lệ làm đất đạt 20%, bảo vệ thực vật đạt 40%. Tổng nguồn vốn của đề án là hơn 1.170 tỷ đồng.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, trên cơ sở của đề án, thành phố giao cho trung tâm triển khai 3 nội dung: Đào tạo, tập huấn cho những hộ mua máy về kỹ thuật quản lý, bảo dưỡng, vận hành máy; xây dựng các mô hình thí điểm trong trồng trọt và chăn nuôi; thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay theo Quyết định 16. Trong đó, riêng thực hiện cho vay theo Quyết định 16 rất khó khăn trong quá trình thực hiện. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc đưa CGH vào sản xuất ở Hà Nội khó khăn. Nguyên nhân là do vốn đầu tư để CGH ban đầu rất cao, trong khi đó, sản xuất nông nghiệp lợi nhuận thấp, nhiều rủi ro nên người dân vẫn "ngại" đầu tư và không dám mạnh tay đầu tư. Bên cạnh đó, chính sách của Trung ương và Hà Nội vẫn còn chậm và không sát với thực tế của sản xuất nông nghiệp. Mặc dù thành phố có hỗ trợ lãi suất mua máy trong 3 năm nhưng rất ít hộ vay được vốn do thủ tục rườm rà. Sau 2 năm thực hiện, toàn thành phố mới giải quyết cho 55 hộ vay vốn. Tuy nhiên, ngay cả khi đã vay được vốn thì để hưởng lãi suất hỗ trợ cũng phải chờ đợi rất lâu nên người dân không mấy mặn mà. Vì vậy, sau gần 2 năm thực hiện, mới có 32/55 hộ được nhận tiền hỗ trợ lãi suất. Trong khi đó, đề án có nội dung tập huấn chuyên sâu cho người dân năm 2014 sẽ tổ chức 6 lớp học nhưng Trung tâm Khuyến nông Hà Nội chỉ tổ chức được 3 lớp do không triệu tập được học viên…

Rõ ràng, việc từng bước đưa CGH vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; nâng cao giá trị thu nhập trên mỗi đơn vị diện tích đất canh tác. Tuy nhiên, để hướng tới mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa phát triển theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa thì việc thực hiện CGH vẫn đang gặp nhiều rào cản. Đặc biệt, từ khoảng năm 2014 đến nay gần như chưa giải ngân được thêm cho hộ dân nào vay vốn để đưa CGH vào đồng ruộng. Nếu chậm có giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc, đề án sẽ khó có thể đạt mục tiêu để "về đích" đúng hẹn.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, trong 2 năm thực hiện Đề án 2013- 2014, trên địa bàn thành phố đầu tư được 9 khâu CGH trên 2 lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Về trồng trọt, toàn thành phố đã đầu tư được 842 máy làm đất, đưa tỷ lệ CGH tăng từ 69,2% lên 90%; đầu tư 193 máy gặt đập liên hợp, đưa tỷ lệ CGH khâu thu hoạch lúa từ 7,8% lên 13%; đầu tư 210 máy cấy, đưa tỷ lệ CGH trong khâu cấy từ 0,04% lên 2,14%; đầu tư 461 máy phun thuốc bảo vệ thực vật, đưa tỷ lệ CGH trong khâu này từ 15,3% lên 28,8%... Trong chăn nuôi bò khâu vắt sữa đạt 37,7%, khâu thái cỏ đạt 68%. Như vậy, so với mục tiêu đề án đặt ra, mới chỉ có khâu làm đất là đạt mục tiêu đề ra còn các khâu cấy, gặt đập liên hợp còn thấp. Riêng chăn nuôi lợn, gà, thủy sản áp dụng CGH vào sản xuất còn thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra: Khâu làm mát chuồng lợn mới đạt 5,2%, gà đạt 11,9%; hệ thống quạt nước nuôi thủy sản mới đạt 7,5%.

Nguyễn Mai