Củng cố liên minh phòng thủ
Thế giới - Ngày đăng : 06:22, 08/05/2015
Tình trạng bạo lực leo thang tại Yemen là nội dung quan trọng được bàn thảo tại Hội nghị Thượng đỉnh GCC. |
Diễn ra vào thời điểm an ninh khu vực đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt là sự trỗi dậy của làn sóng khủng bố, do vậy, nội dung chính của hội nghị không nằm ngoài mục tiêu tăng cường hợp tác để ứng phó với cuộc chiến lâu dài này. Dù mỗi quốc gia đều có những bận tâm riêng, nhưng tại Saudi Arabia lần này, các nhà lãnh đạo GCC đều thể hiện quyết tâm trước những vấn đề chung của khu vực. Đó là việc kêu gọi cộng đồng quốc tế đóng góp vào sự ổn định và phát triển của Ai Cập; ủng hộ các nỗ lực của chính phủ hợp hiến tại Yemen nhằm sớm tái lập hòa bình… Bên cạnh tiến trình đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận hạt nhân toàn diện giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm: Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức), các nhà lãnh đạo GCC còn tập trung thảo luận về cuộc nội chiến Syria, các biện pháp nhằm chống lại tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng và những diễn tiến gần đây tại Palestine.
Sự kiện Tổng thống F.Hollande lần đầu có mặt tại Hội nghị Thượng đỉnh của GCC đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Trước khi có mặt tại Riyadh, Tổng thống F.Hollande đã tới Qatar tham dự lễ ký kết thỏa thuận bán 24 máy bay chiến đấu Rafale trị giá 6,3 tỷ euro (7 tỷ USD) của Tập đoàn Quốc phòng Pháp Dassault cho vương quốc giàu tài nguyên khí đốt này. Theo một thỏa thuận riêng rẽ, Pháp sẽ huấn luyện 36 phi công, khoảng 100 kỹ sư cơ khí và các sĩ quan tình báo của Qatar. Giới chuyên gia phân tích cho rằng, việc Pháp thúc đẩy mạnh mẽ sự hiện diện tại vùng Vịnh là điều dễ hiểu. Bởi quốc gia Châu Âu này đi đầu trong chiến dịch không kích IS; đồng thời ủng hộ mạnh mẽ chiến dịch can thiệp quân sự của các nước vùng Vịnh vào Yemen và thể hiện một quan điểm cứng rắn về vấn đề hạt nhân của Iran - mối quan ngại lớn của GCC. Không thể phủ nhận xung đột leo thang tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi sẽ khiến các hợp đồng bán máy bay và các thiết bị quân sự gia tăng, đồng nghĩa Pháp sẽ thu được những món lợi khổng lồ. Song, câu chuyện những máy bay chiến đấu Rafale của Pháp được bán cho Qatar không chỉ dừng lại ở hợp tác quân sự hay kinh tế mà còn cho thấy vị thế của Pháp ở khu vực giàu tài nguyên này.
Hội nghị Thượng đỉnh GCC kết thúc tại Saudi Arabia vào thời điểm Tổng thống Barack Obama đang chuẩn bị một hội nghị tương tự với GCC tại Washington (vào ngày 13 và 14-5 tới) mà ở đó, Mỹ sẽ đề xuất các nước GCC thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa chung. Đây được xem là bước đi quan trọng trong nỗ lực của Nhà Trắng nhằm làm giảm bớt mối quan ngại của các đồng minh vùng Vịnh về khả năng Nhóm P5+1 có thể đạt được một thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân của Tehran. Nếu hệ thống phòng thủ tên lửa này được thiết lập, các nước vùng Vịnh sẽ nắm quyền quản lý và điều hành, còn Mỹ chỉ đóng vai trò cố vấn và hỗ trợ kỹ thuật. Ngoài đề xuất thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa, Mỹ và GCC cũng sẽ thảo luận về an ninh hàng hải, an ninh biên giới, chống khủng bố, gia tăng các cuộc diễn tập quân sự chung và ký kết các hợp đồng chuyển giao vũ khí. Tuy nhiên, đến nay một số nước vùng Vịnh, đặc biệt là giữa Qatar và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vẫn còn không ít bất đồng cần phải giải quyết trước khi họ có thể bắt tay nhau thiết lập một hệ thống phòng thủ chung theo đề xuất của Mỹ.
Với dân số khoảng 47 triệu người, GCC gồm 6 quốc gia: Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và UAE là một liên minh chính trị và kinh tế được thành lập từ năm 1981. Không chỉ bao trùm vùng lãnh thổ rộng tới 2,5 triệu ki lô mét vuông, GCC còn là khu vực có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hàng đầu thế giới nhờ nguồn thu từ dầu mỏ. Vì thế, đẩy mạnh hợp tác với GCC trong cuộc chiến chống khủng bố cũng như hợp tác kinh tế không chỉ là mối quan tâm của Pháp hay Mỹ mà còn với nhiều quốc gia trên thế giới. |