Biển rộng xây thành, đảo xây chiến lũy
Chính trị - Ngày đăng : 06:14, 07/05/2015
Hiện nay, Hải quân nhân dân Việt Nam được Đảng và Nhà nước chú trọng đầu tư, nâng cao sức mạnh để có đủ khả năng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam.
Chiến công nổi bật trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Hải quân chính là những con tàu không số rẽ sóng vào Nam vận chuyển vũ khí chi viện cho đồng bào miền Nam, đánh lớn và đánh thắng quân thù trong chiến dịch Bình Giã (12/1964 - 1/1965), sau đó là Ba Gia, Vạn Tường, Bàu Bàng...
Hải quân nhân dân Việt Nam huấn luyện trên biển. |
Có một câu chuyện xúc động giữa người chỉ huy cao nhất của quân đội nhân dân Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Đặng Văn Thanh (sau này được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân) từ khu VI, vượt muôn trùng gian khổ trong mấy tháng trời ra Bắc để gặp bằng được ông và trao tận tay tài liệu của khu ủy. Đại tướng đưa cho anh Thanh một cây bút chì để chỉ rõ từng chỗ trên bản đồ nhưng anh Thanh đứng trước tấm bản đồ rất lâu và sau đó quay sang Đại tướng: “Báo cáo Đại tướng... Tôi... Tôi không biết chữ” - căn phòng bỗng lặng ngắt. Đại tướng cũng đứng lặng hồi lâu và nghẹn ngào nói với sĩ quan tham mưu: “Anh em ta trong ấy vậy đó...” nói rồi ông kéo anh lại cạnh ông và chỉ từng chỗ trên bản đồ và anh Thanh kể cho mọi người biết rõ tình hình từng nơi và kể cả về cuộc đời anh... Đêm ấy, Đại tướng ở lại với anh Thanh rất khuya. Sau đó, ông ôm chặt cả hai vai anh nói: “... Đồng chí Thanh có hai nhiệm vụ, tôi giao nhé, phải làm kỳ được. Một: Chữa bệnh, bồi dưỡng thật khỏe. Hai: Phải đi học. Học chữ và học chuyên môn...”. Sau khi nghe báo cáo, Đại tướng là người đầu tiên đã cùng Bộ Tham mưu của ông lập phương án cho những con tàu không số đi không tiếng về không tăm sau này. Có lần chính Đại tướng đã ra tận nơi đưa tiễn, nắm chặt tay những người lính dũng cảm của ông, dường như không phải với tư cách Tổng Tư lệnh quân đội mà là với trái tim của người anh Cả. Trên những đoàn tàu không số lặng lẽ âm thầm xuyên biển vào Nam đã có nhiều thủy thủ, thuyền trưởng hy sinh để không cho vũ khí, tàu của mình rơi vào tay giặc mà anh hùng liệt sĩ Phan Vinh (sau này tên anh được đặt cho một đảo trên Biển Đông) là một tấm gương tiêu biểu.
Hai con đường huyết mạch huyền thoại xuyên rừng (đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn) và vượt biển (đường Hồ Chí Minh trên biển) đã thay đổi thế cờ của cuộc chiến ở miền Nam. Từ chỗ cơ sở cách mạng bị phá chỉ còn 1/10, với lực lượng và vũ khí từ miền Bắc đưa vào đã tiến tới hình thành Quân giải phóng miền Nam - một bộ phận của quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ nhằm đưa miền Bắc Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá, Hải quân nhân dân Việt Nam mặc dầu với trang bị rất hạn chế đã đánh đuổi tàu địch. Điển hình là trận ngày 2-8-1964, các tàu của Đoàn 135 đã xuất kích đánh đuổi tàu Maddox của Mỹ khỏi hải phận miền Bắc. Ngày 5-8-1964, các tàu hải quân phối hợp với các lực lượng phòng không, dân quân tự vệ và nhân dân anh dũng đánh trả các đợt không kích đầu tiên của địch, bắn hạ 8 máy bay, bắt sống phi công đầu tiên, lập nên chiến công oanh liệt đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng.
Những năm tháng sau đó, trong các cuộc không kích leo thang ngày càng ác liệt của không quân Mỹ xuống miền Bắc đã xuất hiện những tấm gương tiêu biểu của bộ đội Hải quân trên đảo Cồn Cỏ anh hùng. Đó là Thái Văn A - canh giữ bầu trời trên chòi cao của đảo, dù trời rung, đất chuyển vì bom rơi đạn nổ, dù thương tích đầy mình vẫn không rời vị trí chiến đấu. Anh được kết nạp Đảng ngay trên trận địa và sau này được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bộ đội Hải quân đã lập nhiều công lớn trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Không quân và Hải quân Mỹ, nhất là thành tích chống phong tỏa đường biển và các nhiệm vụ được giao trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975) như giải phóng các đảo ở Trường Sa...
Đất nước thống nhất nhưng chưa nguôi tiếng súng, tại các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, những cán bộ, chiến sĩ của Quân chủng Hải quân đã anh dũng hy sinh để Quốc kỳ tung bay, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Bằng máu thịt của mình, những người con nước Việt đã dựng Tượng đài Tổ quốc giữa Trường Sa.
Tình hình Biển Đông diễn biến hết sức phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định. Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia đang đặt ra yêu cầu rất cao. Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam, chúng ta hết sức tự hào với những chiến công mà bộ đội Hải quân đã góp phần xứng đáng trong kháng chiến chống Mỹ trước kia và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc ngày nay. Cả nước đang hướng về biển đảo thân yêu với tất cả tấm lòng yêu thương các chiến sĩ đang đứng nơi đầu sóng ngọn gió, chịu đựng gian khổ, hy sinh để giữ từng tấc đất thuộc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.